Màu xanh trên vùng cát trắng

24/10/2019 07:00 GMT+7

Nếu là người Ninh Thuận xa quê sau 10 năm trở lại, có lẽ ấn tượng mạnh nhất với họ chính là màu xanh của đủ các loại cây trồng hiện hữu ngay trên những vùng cát trắng.

Điều mà trước khi triển khai chương trình “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” không có được.

Toàn dân chung sức

Đến tháng 9.2019, Ninh Thuận có 20/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cuối năm nay sẽ có thêm 5 xã và một huyện được công nhận là nông thôn mới. Để nâng mức thu nhập của người dân nông thôn lên 26 triệu đồng/người/năm, tăng 2,16 lần so với năm 2011, Ninh Thuận đã phải nỗ lực rất lớn trong suốt 10 năm qua. Ông Đặng Kim Cương, Phó giám đốc phụ trách Sở NN-PTNT Ninh Thuận kiêm Chánh văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới nói rằng, Chương trình này đã thật sự “kích hoạt” để mọi người cùng hướng đến một mục tiêu chung, đó là thoát nghèo. Ninh Thuận đã có một diện mạo mới sau 10 năm nỗ lực vượt khó.
Trước tiên phải nói đến hệ thống thủy lợi. Trên 20 hồ đập thủy lợi trải đều trên hầu hết các huyện mà Ninh Thuận đã đầu tư xây dựng đã thành chiếc phao cứu sinh cho người dân. Đừng nói đến chuyện dịch chuyển cơ cấu giống cây trồng hay thâm canh tăng năng suất nếu không có nước. Giờ đi về vùng nông thôn Ninh Thuận rất dễ thấy cảnh du khách đi lẫn với nông dân hái táo, hái nho trên các khu vườn do những người nông dân canh tác theo phương pháp mới. Nếu không có hệ thống thủy lợi vươn đến thôn cùng xóm vắng thì sẽ khó có những vườn nho trĩu quả làm no mắt du khách như vậy.
Không chỉ có thủy lợi, nhiều tiêu chí để công nhận là đạt chuẩn nông thôn mới như hệ thống đường sá được bê tông, rồi trường học, chợ, vệ sinh môi trường, tổ chức sản xuất, thu nhập của người dân, tỷ lệ hộ nghèo... nhiều xã đã hoàn thành từ rất sớm. Đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của dân cư nông thôn ngày càng có nhiều khởi sắc. Nhưng có lẽ điều mà ai cũng phải thừa nhận khi triển khai chương trình này là Ninh Thuận đã huy động được sức dân để đóng góp vào cái chung. Nhiều gia đình sẵn sàng hiến hàng ngàn mét vuông đất để xây trường cho con em có chỗ học tập, hiến hàng trăm mét vuông đất để mở rộng đường, kênh mương thủy lợi cấp 2,3 mà không đòi hỏi bất cứ điều gì ở chính quyền.

Xanh lại vùng đất nắng và gió

Từ gian hàng trưng bày 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Nam Định, hành trình ngược dòng tìm về nơi đã sinh ra những sản phẩm đặc sắc ấy, du khách không khỏi ngỡ ngàng.
Tuấn Tú là ngôi làng của người Chăm giờ nổi tiếng cả nước. Những người nông dân Chăm đã biến vùng cát trắng toàn gai xương rồng này thành một vùng đất trù phú. “Mỗi tháng, một doanh nghiệp mua cây măng tây xanh của người dân làng này lên đến 1 tỉ đồng!”, ông Nguyễn Văn Tiến chủ Trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến “khoe” với chúng tôi như vậy.
Trên 60 hộ dân làng Chăm này coi ông Hùng Ky như ân nhân của họ. Ông Hùng Ky nay 50 tuổi nhưng có đến... 40 năm chinh chiến với xương rồng vùng cát này. Loay hoay mãi với đủ các loại cây trồng, cuối cùng rồi ông cũng có bến đỗ: cây măng tây xanh. “Không một cây trồng nào ở nông thôn mà ngày nào cũng có sản phẩm bán ra như măng tây xanh. Mỗi sào trồng măng tây xanh sẽ cho thu hoạch 15 triệu đồng/tháng. Trồng và chăm sóc cây này rất dễ, miễn tuân thủ đúng chỉ dẫn. Không lo đầu ra, giá cả ổn định, đó là những lợi thế không có cây nào trên vùng cát này có được”, ông Hùng Ky khẳng định. Cây măng tây xanh hiện nay không chỉ là cây trồng đặc thù mà còn được xác định là cây trồng chủ lực của địa phương. Vùng cát trắng đã kịp phủ lên nó một màu xanh của một loại cây trồng mới mở ra nhiều triển vọng không chỉ cho Tuấn Tú mà cho cả Ninh Thuận. Chính cái màu xanh lạ mắt ấy đã hấp dẫn cả du khách lẫn các chính khách mỗi khi về Ninh Thuận. Sau khi đi thăm mô hình mới này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vỗ vai ông Ky: “Giỏi quá!”. Trồng măng tây mua được cả ô tô xịn, thu nhập cả tỉ đồng mỗi năm không “giỏi” mới là lạ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.