Máy bay AirAsia mất tích: Hành khách sợ hãi, tránh hàng không Malaysia

30/12/2014 08:44 GMT+7

(TNO) Chỉ trong năm 2014, ngành hàng không Malaysia dính líu đến hai vụ máy bay mất tích, MH370 của Malaysia Airlines và QZ8501 của AirAsia, cùng một vụ máy bay được cho là bị bắn hạ. Điều này khiến nhiều hành khách sợ hãi và tránh xa các hãng hàng không Malaysia.

(TNO) Chỉ trong năm 2014, ngành hàng không Malaysia dính líu đến hai vụ máy bay mất tích, MH370 của Malaysia Airlines và QZ8501 của AirAsia, cùng một vụ máy bay được cho là bị bắn hạ. Điều này khiến nhiều hành khách sợ hãi và tránh xa các hãng hàng không Malaysia, theo Reuters.

Một máy bay của AirAsia - Ảnh: Reuters
 
Hãng hàng không Malaysia Airlines dính đến hai vụ: máy bay Boeing 777-200ER (chuyến bay MH370) chở 239 người mất tích từ ngày 8.3 sau khi cất cánh từ Malaysia để đến Bắc Kinh và chiếc Boeing 777-200ER (chuyến bay MH17) được cho là bị bắn hạ ở miền đông Ukraine vào tháng 7, khiến toàn bộ 298 người thiệt mạng, theo Reuters.
Chiếc Airbus 320-200 của AirAsia Indonesia (chuyến bay QZ8501) mất tích vào ngày 28.12 sau khi cất cánh từ thành phố Surabaya (Indonesia) để đến Singapore, có 162 người trên máy bay, được cho là đã rơi xuống vùng biển Java.
AirAsia, trụ sở chính ở Malaysia, sở hữu 49% cổ phần AirAsia Indonesia, theo Reuters.
Nhiều hành khách ở Đông Nam Á đã sợ hãi về việc đi máy bay của hãng Malaysia Airlines do lo ngại hãng này bị “nguyền rủa” sau vụ MH370 và MH17, và bây giờ họ bày tỏ quan ngại về AirAsia, theo Reuters.
Reuters dẫn lời Daniel Lim, một nhân viên tài chính Malaysia 26 tuổi đi hai chuyến bay nội địa của AirAsia trong tuần qua, cho biết ba vụ việc liên tục xảy ra liên quan đến các hãng hàng không Malaysia khiến anh lo sợ khi bay với bất kỳ hãng nào của Malaysia.
Ngân hàng đầu tư Hong Leong (trụ sở chính ở Malaysia) cho rằng hai vụ MH370 và MH17, và vụ máy bay AirAsia QZ8501 mất tích ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu bay trong khu vực.
Hồi tháng 11.2014, Malaysia Airlines công bố báo cáo thua lỗ nặng nề, với số lượng hàng khách giảm đáng kể trong giai đoạn tháng 7-9.2014.
Malaysia Airlines sẽ bị loại khỏi thị trường chứng khoán vào ngày 31.12 tới, một phần trong kế hoạch tái cơ cấu của chính quyền Malaysia để vực dậy hãng hàng không này.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 29.12, cổ phiếu của AirAsia cũng giảm trên 8,5%.
Thân nhân hành khách tập trung tại sân bay Juanda, thành phố Surabaya (Indonesia) - Ảnh: Reuters
Một số công ty du lịch lữ hành ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia cho hay họ đã nhận được nhiều cuộc gọi từ khách hàng từ chối bay với Malaysia Airlines hoặc AirAsia sau những gì đã xảy ra.
Nhưng một số công ty du lịch khác cho rằng AirAsia, đã làm thay đổi ngành hàng không giá rẻ, sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng lần này vì hãng có mức giá vé rất cạnh tranh.
“Bay với AirAsia luôn là vấn đề giá rẻ. Cuối cùng cũng là vấn đề giá rẻ. AirAsia vẫn là lựa chọn hàng đầu vì giá rẻ và điều này sẽ tiếp diễn”, Derek Kok, một sinh viên luật mới tốt nghiệp ở Kuala Lumpur, nhận định.
Lo ngại ngành hàng không Malaysia chịu thêm nhiều ảnh hưởng xấu, chính quyền Malaysia đã cố né tránh vụ máy bay AirAsia mất tích.
“Chúng ta phải tập trung vào sự thật rằng chiếc máy bay này được đăng ký ở Indonesia, vụ việc xảy ra ở Indonesia và nó là một máy bay của Indonesia”, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai nói với các phóng viên ngày 29.12, phớt lờ việc AirAsia có trụ sở chính ở Malaysia.
Khi được hỏi về việc nhiều người sợ hãi không dám bay với các hãng hàng không của Malaysia, ông Lai trả lời: “Xin đừng có thành kiến” và khẳng định ông tự tin về ngành hàng không Malaysia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.