Chiếc máy bay dùng năng lượng mặt trời đã hạ cánh xuống bang California (Mỹ) ngày 23.4 sau 3 ngày vượt Thái Bình Dương thành công.
Máy bay Solar Impulse 2 bay qua cầu Cổng Vàng ở San Francisco, Mỹ sau 3 ngày vượt Thái Bình Dương - Ảnh: AFP |
Chiếc máy bay Solar Impulse 2 dươc phi công Bertrand Piccard hạ cánh xuống Mountain View ở Thung lũng Silicon, phía nam thành phố San Francisco, bang California vào 23 giờ 45 (13 giờ 45 ngày 24.4, giờ Việt Nam). Máy bay đã trải qua 62 giờ bay liên tục từ Hawaii, theo AP ngày 24.4.
Trước khi hạ cánh vài giờ, phi công Piccard đã lái máy bay bay qua cầu Cổng Vàng trong sự chứng kiến của nhiều người bên dưới. Phi công Piccard và đồng sự người Thuỵ Sĩ Andre Borschberg đã bay máy bay năng lượng mặt trời này vòng quanh thế giới. Hành trình bắt đầu từ thủ đô Abu Dhabi của UAE hồi tháng 3.2015, máy bay sau đó dừng chân tại các nước Oman, Myanmar, Trung Quốc, Nhật Bản và quần đảo Hawaii của Mỹ.
Xem máy bay năng lượng mặt trời bay vòng quanh trái đất
(Tin Nóng) Lúc 9 giờ 35 sáng 10.3 (giờ VN), máy bay năng lượng mặt trời Solar Impulse 2 với phi công Thụy Sĩ Bertrand Piccard đã cất cánh khỏi sân bay Muscat tại Oman, bắt đầu chặng bay thứ 2 vượt biển Ả rập đến Ấn Độ sau khi hoàn tất chặng bay đầu dài 400 km từ Abu Dhabi đến Oman dài 12 giờ bay, theo Times of Oman.
Chặng đường vượt Thái Bình Dương là phần nguy hiểm nhất của hành trình vì thiếu những địa điểm để máy bay có thể hạ cánh khẩn cấp khi gặp sự cố. Hồi tháng 7.2015, máy bay Solar Impulse 2 hạ cánh tại Hawaii và buộc phải ở lại đây vì hệ thống pin bị hư hỏng do nhiệt khi bay từ Nhật Bản đến.
Trước đó, khi bay từ Nam Kinh (Trung Quốc) sang Hawaii, máy bay gặp sự cố thời tiết không thuận lợi và một cánh bị hỏng nên phải đổi hướng sang Nagoya (Nhật Bản). Máy bay này bay sang Hawaii một tháng sau đó.
|
Chiếc máy bay đặc biệt này có vận tốc khoảng 45 km/giờ, trong ngày nắng mạnh có thể tăng gấp đôi. Vì làm bằng sợi carbon nên máy bay chỉ nặng khoảng 2,2 tấn. Sải cánh của máy bay này dài hơn cả sải cánh của một chiếc Boeing 747. Máy bay còn được gắn 17.000 tấm pin năng lượng mặt trời trên mặt cánh, tiếp điện cho động cơ cánh quạt. Vào ban đêm, máy bay bay bằng năng lượng dự trữ.
Solar Impulse 2 sẽ có 3 điểm dừng nữa tại Mỹ trước khi vượt Đại Tây Dương đến châu Âu hoặc Bắc Phi. Dự án này được tiến hành từ năm 2002, ước tính chi phí hơn 100 triệu USD nhằm đề cao tầm quan trọng của năng lượng tái tạo.
Bình luận (0)