Các quan chức Philippines ngày 18.1 nói rằng đã bị Trung Quốc doạ nạt khi đáp máy bay xuống đảo Thị Tứ ở Trường Sa.
Đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Không quân Philippines |
Ông Eric Apolonio, quan chức Cơ quan hàng không dân dụng Philippines cho biết sự cố xảy ra khi ông và một số người khác đáp một máy bay Cessna xuống đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang bị Philippines kiểm soát) ngày 7.1. Nhóm người này đến đây để tiến hành khảo sát việc lắp đặt các trang thiết bị an toàn hàng không dân dụng trên đảo, theo AP ngày 18.1.
Khi máy bay đến gần đảo Thị Tứ, một thông báo được truyền qua kênh vô tuyến khẩn cấp nói rằng: “Máy bay quân sự nước ngoài, đây là hải quân Trung Quốc. Các người đang đe doạ an ninh của chúng tôi”.
Các phi công Philippines vẫn tiếp tục hành trình và ông Apolonio cho rằng họ đang “bay qua lãnh thổ Philippines”. Sau khi khảo sát xong tại đảo, máy bay rời đi và lại nhận được cảnh báo tương tự.
Ông Apolonio cho biết rất sợ hãi vì máy bay có thể bị bắn. Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Manila chưa bình luận gì về vụ việc.
Đại sứ Anh tại Manila, ông Asif Ahmad ngày 18.1 cho biết chính phủ Anh phản đối bất kỳ hành động nào cản trở tự do lưu thông tại khu vực này. Ông nói rằng nếu máy bay Anh, bất kể dân sự hay quân sự, bị chặn khi bay qua khu vực được coi là vùng quốc tế này, “thì chúng tôi sẽ phớt lờ nó thôi”.
Trong khi đó, ông Eugenio Bito-onon, người đứng đầu cộng đồng Philippines trên đảo Thị Tứ cho rằng lời cảnh báo của Trung Quốc là hành động hăm doạ, là mối đe doạ cho sự tự do hàng không trong khu vực. Ông nói rằng các máy bay dân sự và quân sự thường bị Trung Quốc xua đuổi khi đi qua vùng này.
Ông Apolonio cho biết chính quyền Philippines sẽ tiếp tục kế hoạch lắp đặt thiết bị hướng dẫn hàng không trên đảo nhằm đảm bảo an toàn cho các chuyến bay thương mại. Thiết bị này gọi là hệ thống giám sát phụ thuộc tự động (ADSB) giúp các máy bay xác định vị trí thông qua vệ tinh và cho phép hiển thị vị trí của máy bay.
Đảo Thị Tứ, Philippines gọi là Pagasa, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, gần với đá Xu Bi, một trong 7 bãi đá mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép và tiến hành bồi đắp thành đảo nhân tạo trong vài năm qua.
Bình luận (0)