Xuất hiện lần đầu vào năm 1908 với gian trưng bày “phương tiện di chuyển bay được” trong một cuộc triển lãm xe hơi tại Paris, đến nay, Triển lãm Hàng không và không gian quốc tế Bourget (SIAE) được xem là một trong những sự kiện quan trọng nhất về hàng không - không gian của thế giới. Từ sau Thế chiến 1, SIAE được tổ chức vào những năm lẻ và năm 2013 là lần thứ 50. Đến năm 1953, triển lãm này được chuyển từ trung tâm Paris ra khu vực ngoại ô phía tây bắc Le Bourget do quy mô ngày càng lớn nên cần không gian rộng hơn. Năm nay, SIAE diễn ra từ ngày 17-23.6, quy tụ 2.215 đơn vị tham gia, theo tờ Le Figaro. Ngoại trừ Hãng Northrop Grumman (Mỹ), tất cả các tập đoàn hàng không - không gian thuộc top 100 của thế giới đều có mặt.
|
Châu Âu lên tiếng
Tại các sự kiện hàng không, máy bay quân sự luôn thu hút sự chú ý của công chúng nhờ những màn trình diễn ấn tượng. Không ngoài truyền thống này, những chiến đấu cơ Rafale, máy bay huấn luyện Alpha Jet hay trực thăng chiến đấu Eurocopter Tiger H61 tiếp tục góp phần làm sôi động bầu trời Le Bourget. Tuy nhiên, 2 ngôi sao chính của châu Âu lần này là máy bay không người lái (UAV) Neuron và máy bay vận tải quân sự A400M.
Theo tờ La Tribune, Neuron là thành quả đầu tiên của chương trình hợp tác giữa 6 nước châu Âu, được phát triển bởi tập đoàn Dassault Aviation. Chương trình do Pháp khởi xướng từ năm 2003 và nhận được sự ủng hộ từ Ý, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Thụy Sĩ. Neuron có chiều dài 10 m, sải cánh 12,5 m, nặng hơn 5 tấn và sử dụng động cơ đẩy Rolls-Royce Turbomeca Adour.
Mục tiêu là ở phiên bản cuối, Neuron sẽ trở thành UAV chiến đấu siêu hiện đại có khả năng thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, phát hiện mục tiêu, không kích... Dự kiến, Neuron có thể được trang bị cho không quân các nước trong khu vực từ năm 2030. Bên cạnh đó, với Neuron, EU cũng sẽ trở nên độc lập hơn ở lĩnh vực vốn đang bị Mỹ và Israel thống trị.
Trong khi đó, sự ra mắt của máy bay vận chuyển quân sự A400M giúp các lãnh đạo Hãng Airbus Military cất được phần nào gánh nặng. Việc chế tạo và sản xuất máy bay này đã bị chậm tiến độ đáng kể, theo tờ Le Point, khi ý tưởng về A400M được các nước châu Âu thảo luận lần đầu từ năm... 1983. Nhưng đến năm 2000, Airbus Military mới được chọn để phát triển kế hoạch. Ban đầu, dự kiến A400M bắt đầu được giao cho khách hàng từ tháng 8.2009 nhưng phải hoãn nhiều lần và đến năm nay, chiếc đầu tiên mới được chuyển đến không quân Pháp.
Giá trung bình của máy bay này là 153 triệu euro/chiếc. Theo nhà sản xuất, so với một số máy bay cùng loại như C-130 Lockheed, A400M có thể tải được nhiều hàng hóa hơn và bay với tốc độ cao hơn. Ngoài ra, tùy theo nhu cầu, trong tương lai, máy bay này được trang bị thêm nhiều tính năng hiện đại. Đến năm 2017, A400M có thể được gắn thiết bị giúp phát hiện tên lửa tầm ngắn, máy quay hồng ngoại, hệ thống giúp thả được đến 25 tấn hàng...
|
|
Nga trở lại ấn tượng
Một dấu ấn quan trọng khác tại SIAE 2013 là sự trở lại sau nhiều năm vắng bóng của máy bay Nga. Đặc biệt, những pha nhào lộn “đánh bại trọng lực” của chiến đấu cơ thế hệ 4+ Su-35 được truyền thông Pháp đánh giá là một trong những phần trình diễn ấn tượng nhất tại triển lãm. Đây là lần đầu tiên dòng máy bay này được giới thiệu với công chúng tại một sự kiện quốc tế tổ chức bên ngoài nước Nga.
Theo báo La Russie d’Aujourd’hui, năm 2009, Bộ Quốc phòng nước này đã ký hợp đồng trang bị 38 chiếc Su-35, dự tính sẽ được giao trong giai đoạn 2012-2015 nhưng số lượng nhiều khả năng sẽ tăng lên gấp đôi. Hiện nay, không quân Nga đã sở hữu 11 chiếc với giá khoảng 65 triệu euro/chiếc. Trong những lần bay thử nghiệm vào cuối năm 2012, chiến đấu cơ này đã đạt vận tốc tối đa 2.500 km/giờ, trần bay 19.000 m, có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 400 km... Theo thông cáo chính thức từ Hãng Sukhoi, Su-35 được trang bị nhiều công nghệ hiện đại như hệ thống quản lý kỹ thuật số, radar đời mới giúp phát hiện mục tiêu ở khoảng cách xa, động cơ công suất cao.
Đại diện khác của Nga là Yak-130 (Hãng Yakovlev) cũng thu hút được nhiều sự chú ý tuy không nổi tiếng bằng Su-35. Loại máy bay chiến đấu 2 động cơ phản lực dành cho huấn luyện này có lợi thế là giá khá “mềm” (khoảng 15 triệu USD/chiếc). Nhờ vậy, hiện có khá nhiều nước liên hệ thương thảo hợp đồng với Yakovlev.
Israel là nước đầu tiên được Mỹ cung cấp F-35 Tờ Israel Hayom dẫn lời Phó chủ tịch Tập đoàn Lockheed Martin là Steve O’Bryan thông báo tại SIAE 2013 rằng Israel sẽ là quốc gia đầu tiên được Mỹ bán chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35. Dự kiến, những chiếc đầu tiên, thuộc hợp đồng mua 20 máy bay trị giá 2,75 tỉ USD ký năm 2010, sẽ được giao vào cuối năm 2016. Hiện Israel đã lên kế hoạch đào tạo phi công cũng như bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng để tiếp nhận F-35. Cũng trong khuôn khổ triển lãm, Lockheed Martin ký hợp đồng với Tập đoàn Mitsubishi để xây dựng nhà máy lắp ráp F-35 tại Nhật, theo Reuters. Hồi tháng 3, chính phủ Nhật thông báo các công ty nước này sẽ tham gia nhóm 10 nước chia sẻ bản quyền sản xuất các bộ phận F-35, bao gồm thân máy bay, radar, các bộ phận động cơ và sẽ xuất khẩu chúng. Trọng Kha |
Nguyễn Ngọc Lan Chi
>> Trung Quốc sẽ mua thêm Su-35 của Nga
>> Nga sẽ giới thiệu chiến đấu cơ Su-35 tại Paris
>> Nga có thể bán Su-35 cho Trung Quốc
>> Sukhoi tiến hành bay thử nghiệm Su-35
>> Venezuela muốn sắm chiến đấu cơ Su-35
>> Máy bay tiêm kích đa năng Su-35
Bình luận (0)