Máy bay Singapore Airlines gặp nhiễu động chết người: Có thể biết trước nhiễu động trời trong?

Quý Hiên
Quý Hiên
24/05/2024 09:04 GMT+7

Nhận định của nhà khoa học Anh, chuyên gia nghiên cứu khí quyển thế giới về sự kiện máy bay của Hãng hàng không Singapore Airlines gặp nhiễu động chết người hôm 21.5.

Mới đây, trên trang tin của Tạp chí Nature, một tạp chí khoa học lâu đời của Anh, đã có bài nêu ý kiến của các nhà nghiên cứu khí quyển thế giới, dự đoán các nguyên nhân gây nhiễu động không khí gây ra tai nạn làm chết một hành khách trên máy bay của Hãng hàng không Singapore Airlines. 

Trong bài viết, một nhà khoa học của Anh chuyên nghiên cứu khí quyển đã đề cập hiện tượng nhiễu động trời trong (Clear Air Turbulence- CAT), một hiện tượng mà máy bay không thể phát hiện qua radar.

Máy bay Singapore Airlines gặp nhiễu động chết người: Có thể biết trước nhiễu động trời trong?- Ảnh 1.

Mặt nạ dưỡng khí và một số thiết bị rơi xuống từ trần máy bay của chiếc máy bay Boeing 777-300ER của Hãng hàng không Singapore Airlines

REUTERS

Như Báo Thanh Niên đã đưa tin, chuyến bay SQ321 của Hãng hàng không Singapore Airlines khởi hành từ London (Anh) vào 22 giờ 30 (giờ địa phương) ngày 20.5, dự định hạ cánh tại sân bay Singapore. Nhưng chiếc máy bay Boeing 777-300ER chở 211 hành khách và 18 thành viên phi hành đoàn này đã phải chuyển hướng hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Suvarnabhumi, Bangkok (Thái Lan) lúc 15 giờ 45 (giờ địa phương). Trước đó, chiếc máy bay đã gặp nhiễu động không khí, gây ra tai nạn khiến một người chết và 71 người bị thương.

Nhiễu động sẽ gia tăng, đi máy bay có đáng lo?

Máy bay Singapore Airlines gặp loại nhiễu động nào?

Theo bài viết trên trang tin của Tạp chí Nature, đây là sự cố gây tử vong đầu tiên của Hãng hàng không Singapore Airlines sau 24 năm. Vụ việc mặc dù rất hiếm gặp nhưng đặt ra câu hỏi về nguyên nhân gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng cho chuyến bay. 

Sự cố này cũng đặt ra một số câu hỏi cho các nhà khoa học, chẳng hạn như liệu có thể giúp phi công dự đoán trong mọi trường hợp nhiễu động?

Theo các nhà nghiên cứu khí quyển, sự cố mà chiếc máy bay của Hãng hàng không Singapore Airlines vừa gặp là do nhiễu động không khí, nhưng là loại nhiễu động nào thì phải mất vài tuần lễ mới xác định được. Nhà nghiên cứu khí quyển Paul Williams tại ĐH Reading, Vương quốc Anh, cho biết: "Sự nhiễu động nghiêm trọng sẽ biến bạn thành một viên đạn". Ông nói: "Đối với bất kỳ ai không thắt dây an toàn, điều đó sẽ giống như đang đi trên tàu lượn siêu tốc mà không có bất kỳ sự kiềm chế nào".

Cũng theo GS Paul Williams, hầu hết các chuyến bay đều trải qua một số mức độ nhiễu động. Chẳng hạn, gió mạnh xung quanh sân bay có thể gây ra nhiễu động khi máy bay cất cánh hoặc hạ cánh. Ở độ cao cao hơn, các luồng không khí đi lên và đi xuống trong các đám mây bão có thể gây ra nhiễu động từ mức độ nhẹ đến nghiêm trọng khi máy bay bay qua hoặc đến gần chúng.

Các luồng không khí di chuyển lên trên các dãy núi cũng có thể tạo ra nhiễu động. Sự nhiễu động thường xảy ra ở rìa của các dòng khí phản lực, vốn là những dòng không khí mạnh bay vòng quanh địa cầu.

Trong đó, bất kỳ sự nhiễu động nào xảy ra bên ngoài các đám mây đều được gọi là nhiễu động trời trong (Clear Air Turbulence- CAT).

Nhưng để xác định loại nhiễu động nào gây ra sự cố cho máy bay của Singapore Airlines thì các nhà khoa học cần thêm thời gian để nghiên cứu. Có vẻ như cũng có một cơn bão gần đó, nhưng cũng không loại trừ nhiễu động do các nguyên nhân khác.

Nếu là nhiễu động trời trong, máy bay có tránh được?

Theo Nature, hiện nay, các phi công sử dụng các dự báo nhiễu động để lập kế hoạch đường bay. Các nhà nghiên cứu tại các trung tâm thời tiết có thể dự đoán tình trạng nhiễu động dựa trên dữ liệu được thu thập từ các cảm biến và vệ tinh trên mặt đất và truyền đạt dự đoán cho phi công. Trên máy bay, phi công sử dụng radar để xác định các đám mây bão để tránh. Điều này nhờ vào sóng vô tuyến được phát ra từ máy bay, sau đó được phản xạ trở lại các cảm biến.

Nhưng radar không thể phát hiện được nhiễu động trời trong. Tuy nhiên, công nghệ LiDAR có thể giúp ích cho phi công trong việc này. GS Williams cho biết, LiDAR tương tự như radar nhưng sử dụng bước sóng ánh sáng khác. LiDAR "nhìn thấy" được sự nhiễu động "vô hình". Tuy niên, thiết bị này rất đắt tiền, kích thước cồng kềnh và nặng nề.

Nếu chiếc hộp đựng thiết bị này được thu nhỏ lại và giá thành thiết bị được giảm xuống thì có thể nó sẽ được các hãng hàng không sớm sử dụng.

"Tôi đã chứng kiến một số chuyến bay thử nghiệm, và nhận thấy người ta có thể thấy rõ nhiễu động ở khoảng cách 20 dặm phía trước máy bay," GS Williams nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.