Máy bay Vietjet hạ cánh trượt: Lỗi do phi công hay thời tiết?

16/06/2020 06:15 GMT+7

Cục Hàng không Việt Nam cho biết khoảng 6 giờ 30 ngày 15.6, máy bay VJ322 của Vietjet gặp sự cố ngày 14.6 khi trượt khỏi đường băng ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đã được kéo về sân đỗ.

Khoảng 8 giờ 50 ngày 15.6, chuyến bay đầu tiên đã hạ cánh an toàn tại đường băng 25L/07R của sân bay Tân Sơn Nhất sau hơn 20 tiếng tạm đóng cửa. Cùng với đó, đường bay 25R/07L được mở lại tạm thời hôm 14.6 sẽ tiếp tục đóng từ 9 giờ ngày 15.6 để phục vụ công tác khảo sát nâng cấp.

Tạm giữ bằng lái 2 phi công, đình chỉ phi hành đoàn của máy bay Vietjet trượt đường băng

Liên quan yếu tố thời tiết mưa lớn tại Tân Sơn Nhất trưa 14.6 khi sự cố xảy ra, theo ông Đoàn Hữu Gia, Tổng giám đốc Tổng công ty quản lý bay Việt Nam (VATM), thời điểm trước khi chuyến bay VJ322 gặp sự cố hạ cánh trượt có vài chuyến bay cất và hạ cánh bình thường tại Tân Sơn Nhất.
“Máy bay của Vietjet tiếp cận đường băng bình thường, trong điều kiện thời tiết đảm bảo. Thông thường theo quy định, kiểm soát viên không lưu sẽ thông báo tình trạng khí tượng, trần mây… đủ điều kiện hạ cánh, việc quyết định hạ cánh hay chuyển sân bay khác do phi công quyết định”, ông Gia nói và cho biết, nguyên nhân cụ thể sự việc phải chờ Cục Hàng không Việt Nam điều tra.
Trao đổi với báo chí bên lề hành lang Quốc hội chiều 15.6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định sự cố máy bay Vietjet trượt khỏi đường băng sân bay Tân Sơn Nhất là sự cố hàng không đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên nhân ban đầu có thể nhận định lỗi lớn ở phi công. Khi máy bay hạ cánh, phi công thực hiện theo lệnh cấp phép của cơ quan quản lý bay, nhưng phi công có quyền thực hiện hạ cánh hoặc không.

Máy bay Vietjet trật đường băng, hành khách vật vờ ở sân bay Tân Sơn Nhất

Với diễn biến thời tiết phức tạp, phi công cần đánh giá đúng tình hình để đảm bảo an toàn cho chuyến bay. Kể cả khi nhận lệnh hạ cánh thì phi công cũng có thể xin chuyển hướng và thực hiện hạ cánh ở sân bay dự bị hoặc phải bay chờ. Tuy nhiên, trường hợp chuyến bay VJ322, phi công đã quyết định hạ cánh trong điều kiện thời tiết bất lợi và sự cố đã xảy ra. Tổ điều tra sẽ đọc thông tin hộp đen để làm rõ, đặc biệt là quyết định hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất của phi công Vietjet. Nếu kết luận xác định là lỗi của hãng và phi công hay do bên nào đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định; đồng thời, cũng sẽ làm rõ vai trò điều hành bay của cơ quan không lưu trong sự cố này.

Máy bay trượt khỏi đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, Vietjet nói gì?

Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên, một phi công kỳ cựu có kinh nghiệm lái máy bay Boeing 787-9 nhiều năm, nhận xét: tại các nước hệ thống kiểm soát an toàn rất hiện đại, đặc biệt là hệ thống radar phát hiện gió giật (WindShear). WindShear là hiện tượng gió giật xoáy đột ngột, nguy hiểm nhất trong ngành hàng không, không chỉ xảy ra khi trời mưa giông mà ngay cả trời trong cũng có thể xảy ra. Theo ông này, các hãng hàng không phải có quy định giới hạn WindShear, vì các nhà sản xuất máy bay như Boeing hay Airbus chỉ đưa ra các giới hạn WindGust, nhưng không đưa ra WindShear. Trong khi đó, với WindShear trong hàng không yêu cầu cấm cất hạ cánh.
“Ngoài kỹ năng của phi công, cần xem lại các hệ thống cảnh báo nguy hiểm tại các sân bay Việt Nam đã đầy đủ chưa”, cựu phi công này cho hay.
Chuyến bay VJ322 của Vietjet chở 217 hành khách (trong đó 6 trẻ em) và 8 phi hành đoàn. Cơ trưởng là ông Harish Solanki (quốc tịch Ấn Độ), cơ phó Vaheeson Subramaniam (quốc tịch Sri Lanka).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.