Ông chủ siêu máy bơm lý giải đường ngập, máy bơm tắc do có người cố ý phá hoại.
Đề nghị công an vào cuộc
Ông Nguyễn Tăng Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn công nghiệp - đơn vị cung cấp vận hành siêu máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh, lý giải đêm 1.6, mưa lớn khiến đường ngập nhưng nước không về máy bơm như mọi khi.
Trên đồng hồ đo của trạm, lượng nước về chỉ là âm 2,7 -2,8 m, quá nhỏ nên máy bơm không hoạt động được. Theo ông Cường, chỉ có một nguyên nhân khiến nước không về là do tắc đường ống dẫn. Tuy nhiên, trước đó Trung tâm chống ngập đã tổ chức nạo vét 2 hệ thống cống dẫn nước về máy bơm trong vòng 23 ngày, mỗi ngày thu được trung bình 8 - 8,5 m3 rác, tổng thu được gần 200 m3 rác thải, bùn đất các loại.
|
“Gần 200 m3 rác thải được vớt lên, đảm bảo tuyến cống này đã thông thoáng, đủ dẫn nước. Tắc cống chỉ có thể do tác động của một hay một nhóm đối tượng phá hoại cố tình cản trở hoạt động của máy bơm. Đây là lần thứ 2 xảy ra hiện tượng bất thường như vậy tại khu vực máy bơm. Chúng tôi đề nghị cơ quan công an phải vào cuộc đề làm sáng tỏ, không để mang tiếng cho máy bơm, mang tiếng doanh nghiệp (DN) và ảnh hưởng cuộc sống của người dân TP”, ông Cường nói và cho biết theo hợp đồng chống ngập, trách nhiệm thông tắc cống, thu rác thuộc Trung tâm chống ngập TP, DN chỉ phụ trách vấn đề bơm. Tắc cống, nước không về thì máy bơm không bơm được, đường tắc không phải lỗi do DN.
|
Ngay sau sự việc xảy ra, ngày 2.6, Trung tâm chống ngập đã cùng các nhân viên của Tập đoàn Quang Trung kiểm tra hệ thống cống thoát nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Tại buổi kiểm tra, các nhân viên công ty cấp thoát nước đã phát hiện nhiều loại rác thải với kích thước lớn như gạch, đá, tấm ván dài hơn 1 m cùng nhiều khúc cây nằm chắn ngang dưới cống. Ngoài ra, lực lượng kiểm tra còn phát hiện nhiều bao tải chứa cát, rác, sợi dây dù quấn thành bó gây nghẽn cống, nước không thoát được. Hiện sự việc đã được trình lên UBND TP.HCM để xem xét, giải quyết.
Do máy bơm quá “khủng”
Trước nghi ngờ có kẻ phá hoại hệ thống máy bơm của Tập đoàn Quang Trung, nhiều chuyên gia nói khó xảy ra và nhận định dù toàn bộ hệ thống cống này có được nạo vét thông thoáng thì nước vẫn khó về cho máy bơm hoạt động.
Cụ thể, kỹ sư Lê Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH thiết kế tư vấn xây dựng D & C, phân tích máy bơm đang được Tập đoàn công nghiệp Quang Trung đưa vào vận hành có công suất tối đa lên tới 96.000 m3/giờ. Với công suất rất lớn như vậy, nếu lượng nước chảy vào ít, miệng hút máy bơm còn hở, còn không khí lọt vào thì máy bơm chưa thể hoạt động được. Còn nếu để nước dâng lên vừa đầy miệng hút, khởi động máy bơm hút hết luôn nước, không khí lại lọt vào sẽ không thể tiếp tục bơm được nữa. Như vậy vẫn phải chấp nhận ngập trong một mức độ nhất định. Đồng thời, nhược điểm lớn nhất của hệ thống cống ở TP.HCM hiện nay là các mối nối cống không kín, việc sử dụng máy bơm tạo áp lực quá lớn lên các mối nối như vậy chắc chắn về lâu dài sẽ gây sụt lún dọc các tuyến cống thu nước về.
tin liên quan
“Siêu máy bơm” thất thủ vì gạch đá, chủ đầu tư nghi do phá hoạiĐồng tình, TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu WACC - Đại học Quốc gia TP.HCM, nhận định với kích thước ống như hiện nay, cần máy bơm nhỏ chỉ bằng 1/10 công suất máy bơm khủng đang sử dụng mới có thể đem lại kết quả. Đồng thời, đối với lưu lượng nước cao, cột nước thấp như trong đô thị, sử dụng bơm ly tâm và thiết kế công suất quá lớn sẽ gây hao phí năng lượng rất nhiều. Dùng bơm hướng trục để vừa tiết kiệm chi phí, vừa đạt hiệu quả cao hơn.
Bình luận (0)