“Mây đĩa bay” như xuất hiện trên đỉnh núi Bà Đen hôm qua 24.11 được giới khoa học gọi là mây dạng thấu kính, đó là những đám mây cố định hình thành chủ yếu ở tầng đối lưu, thường song song với hướng gió. Nhìn bên ngoài ta thấy giống như một chiếc thấu kính hoặc đĩa bay.
Đám mây dạng thấu kính (trung tích) trên đỉnh núi Bà Đen lúc 6 giờ ngày 24.11 (trên) và ảnh chụp sáng ngày 25.11 do người dân cung cấp |
Đỗ Vinh Quan, Bùi Tấn Bảo Huy, Nguyễn Thùy Linh, Nguyễn Thị Yến |
Giải mã hiện tượng ‘mây đĩa bay’ siêu hiếm bao phủ đỉnh núi Bà Đen |
Có ba loại mây dạng thấu kính chính: mây trung tích (Altocumulus) dạng thấu kính đứng, là các khối mây có cấu tạo hình cầu thành lớp hay các đường; mây tầng tích (Stratocumulus), giống thấu kính phẳng hoặc quả hạnh nhân. Loại mây này hình thành do sóng hấp dẫn từ gió đi qua chướng ngại vật tạo ra; mây ti tích (Cirrocumulus) là những đám mây mịn có dạng thấu kính. Chúng thường hình thành ở các đỉnh của sóng, có thể khá dài và thường có ranh giới rất rõ ràng, đôi khi nảy sinh hiện tượng mống mắt. Loại mây này hình thành khi không khí ổn định bị đẩy lên trên; phần lớn là do địa hình tạo ra (ví dụ như ngọn núi).
Loại mây dạng thấu kính mà ta thấy trên đỉnh núi Bà Đen ở Tây Ninh thuộc loại mây trung tích, tiếng Latin là Altocumulus lenticularis. Nó là một đám mây dạng thấu kính, có thể giống đĩa bay hoặc bị nhầm với “vật thể bay không xác định”.
Ngoài loại này, mây trung tích còn có các loại khác: dạng tầng (Ac str), bao gồm các tấm hoặc các đám mây dạng tầng tích tương đối bằng phẳng; dạng tháp (Ac cas), một đám mây hình tháp ở giữa, có thể phát triển theo chiều dọc đáng kể, báo hiệu cho sự gia tăng bất ổn định của khối không khí; dạng búi (Ac flo), là một đám mây ở giữa có dạng búi cho thấy sự bất ổn định lớn hơn.
Mây trung tích dạng thấu kính thường hình thành khi không khí ẩm, ổn định va chạm với một vật thể đứng yên lớn, chẳng hạn như một tòa nhà hoặc một ngọn núi. Chúng có nhiều khả năng hình thành nhất khi hướng chúng di chuyển vuông góc với hướng gió.
Mây dạng thấu kính hình đĩa bay ở thành phố Dublin, Ireland (30.6.2015) |
Kildare Weather (twitter.com) |
Đám mây xuất hiện trên bầu trời Dublin, thủ đô của Ireland và mây ở Tucson, Arizona, Mỹ (trên). David Roberts cũng đã chụp được ảnh mây dạng thấu kính ở núi Rainier, Washington, Mỹ |
earthsky.org |
Nhìn chung, hiện tượng mây giống đĩa bay trên núi Bà Đen ở Tây Ninh là điều không có gì bất thường. Ta thấy lạ vì thỉnh thoảng mới thấy mây dạng này. Các nhà khoa học cho rằng khi không khí di chuyển dọc theo bề mặt trái đất, thì thường gặp các chướng ngại vật như núi, đồi hoặc các cấu trúc nhân tạo (nhà cao tầng, các công trình xây dựng). Điều này làm gián đoạn luồng không khí khiến chúng “xoáy”, hoặc rơi vào khu vực nhiễu loạn.
“Mây đĩa bay” trên thế giới
Trên thế giới có nhiều nơi xuất hiện mây “kiểu UFO” (vật thể bay không xác định), ví dụ đám mây xuất hiện trên bầu trời Dublin, thủ đô của Ireland (ngày 30.6.2015). Chúng trông giống những chiếc đĩa bay trong các bộ phim cũ của thập niên 1950.
Ngày 14.9.2021, trên máy bay, lúc qua ngọn núi lửa Rainier ở bang Washington (Mỹ), Terri Jonas đã chụp được bức ảnh đám “mây đĩa bay” này, trông khá giống mây trung tích trên núi Bà Đen, một hình ảnh mà Terri cho biết là “trông siêu thú vị với tôi!". David Roberts cũng đã chụp được ảnh mây dạng thấu kính ở núi Rainier, Washington.
Ngày 18.1.2021, Jill Phipps ở Tucson, Arizona (Mỹ) cũng chụp được hình ảnh mây tương tự. Cô nói: “Những đám mây này lọt vào mắt tôi khi đang lái xe về nhà vào đêm qua… Chúng trông giống như những chiếc đĩa bay hay những chồng bánh kếp”.
Hình ảnh mây vòm đỉnh núi Bà Đen "gây bão" mạng |
TẤN HUY |
Ảnh chụp ở bãi biển Qualicum, British Columbia, Canada; ở biển Tasman giữa Úc và New Zealand (trên). Mây dạng thấu kính trên Roque del Conde, hòn đảo Tenerife và ở Dublin, Ireland |
earthsky.org |
“Mây đĩa bay” có nguy hiểm không?
Nhìn chung, loại mây như xuất hiện trên đỉnh núi Bà Đen vừa rồi không nguy hiểm, song các phi công sử dụng máy bay có động cơ thường tránh bay gần các đám mây dạng thấu kính này. Họ lo ngại sự nhiễu loạn và không khí chìm của cánh quạt tạo ra ở rìa đuôi của những đám mây này. Tuy nhiên, các phi công tàu lượn thì rất thích. Họ tích cực tìm kiếm chúng để leo lên vùng không khí chuyển động hướng lên ở rìa phía trước. Và vị trí chính xác của khối không khí đang bốc lên thì khá dễ dự đoán, chỉ cần quan sát hướng của các đám mây. Theo Wikipedia, “sóng nâng” loại này thường rất êm và mạnh, cho phép tàu lượn bay lên độ cao đáng kể và bao quát khoảng cách lớn. Tính đến năm 2020, các kỷ lục thế giới về trượt ván cho khoảng cách (hơn 3.000 km) và độ cao tuyệt đối (22.657m) đã được thiết lập bằng cách sử dụng lực nâng như vậy.
Bình luận (0)