Máy nông cụ thành đồng nát

16/12/2010 00:20 GMT+7

Chương trình 135 với sự hỗ trợ “mạnh tay” tiền bạc của Nhà nước đã có tác dụng nhất định đến sự phát triển bền vững đối với các xã đặc biệt khó khăn, nhất là những vùng có đồng bào thiểu số sinh sống. Thế nhưng, khi bắt đầu triển khai giai đoạn 2 của chương trình này đã bộc lộ nhiều “tử huyệt” mà các nhà quản lý không kịp (hoặc không muốn) điều chỉnh.

Mua sắm thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến sau thu hoạch là 1 trong 3 nội dung của Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2. Việc mua sắm máy móc nông cụ này được giao cho UBND các xã, hoặc các phòng của huyện làm chủ đầu tư. Trước khi mua sắm máy móc, các chủ đầu tư phải họp và lấy ý kiến, đề xuất của người dân vùng được hưởng lợi, chủ đầu tư làm kế hoạch, trình cấp thẩm quyền, rồi triển khai thực hiện mua sắm. “Lý thuyết” là vậy, song thực tế lại không diễn ra như yêu cầu của chương trình.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2 của Chương trình 135 (2006-2010) được hỗ trợ 335 tỉ đồng để mua máy móc phục vụ sản xuất. Sau gần 5 năm triển khai, các địa phương đã “tiêu hóa” được 288 tỉ đồng, “thừa” 44 tỉ đồng, dự kiến cho đến quí 1/2011, số tiền “thừa” trên mới giải ngân xong. Không rõ các chủ đầu tư đã lấy được bao nhiêu ý kiến đồng thuận của người dân trong vùng được hưởng lợi từ Chương trình 135 giai đoạn 2 này, song nhiều máy móc nông cụ mà các địa phương mua về để cấp cho dân, đến nay sắp thành đồng nát!

Huyện miền núi Tây Trà chỉ có 300 hecta lúa nước nhưng được đầu tư 60 tỉ đồng để mua sắm đến 255 máy sản xuất nông nghiệp, gồm 24 máy xay xát, 178 máy tuốt lúa, 47 máy cắt lúa, 67 bình phun thuốc và 626 công cụ sản xuất khác. Có xã như Trà Trung, chỉ 5 ha lúa nước nhưng vẫn được cấp 30 máy tuốt lúa và hàng chục máy bơm thuốc! Hàng chục máy cắt lúa và tuốt lúa được cấp cho đồng bào nhưng chẳng biết để làm gì vì với số diện tích lúa quá ít ỏi, họ chỉ cần cắt bằng liềm cầm tay trong vài hôm là xong một vụ lúa. Cả 24 máy xay xát được cấp cho 37 thôn của huyện này đều nằm “bất động” vì không lấy đâu ra lúa để xay.

Đồng bào thiểu số có thói quen tự xay giã, vả lại số lúa của họ quá ít nên “ăn đâu giã đó” chứ đâu có nhiều nhặn gì mà xát bằng máy? Đã vậy, máy móc với đồng bào vùng cao hiện nay là điều khá lạ lẫm. Không có ai điều khiển máy xát đã đành mà xăng dầu cũng không biết lấy nguồn tiền ở đâu để mua cung cấp cho máy. Vì thế, số máy xay xát cấp về, chỉ “nổ vài hôm cho vui tai”, sau đó là dùng lưới B40 rào lại vì sợ trẻ con tháo các bộ phận trong máy ra để cân đồng nát.

Tương tự như vậy, hàng chục máy băm đất cũng đang dần thành sắt vụn vì đặc thù của huyện vùng cao này là ruộng bậc thang, lại quá nhỏ lẻ, manh mún nên đưa máy băm đất vào, khác nào dùng dao phay để mổ ruồi!

Từ một chủ trương đúng, song những người vận hành và thực hiện nó lại quá vô trách nhiệm với dân khiến hàng trăm tỉ đồng bỗng chốc trở thành đồng nát.

Trà Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.