Máy phát điện chạy nước: Câu chuyện về hòn đá phù thủy

13/03/2012 03:58 GMT+7

Đây không phải là chuyện “nổ” của một kẻ hoang tưởng thiếu am hiểu khoa học mà là một báo cáo phát minh của một tiến sĩ khoa học trong hội thảo khoa học rất nghiêm túc vừa diễn ra ở khu Công nghệ cao TP.HCM, gây xôn xao dư luận.

Các nhà khoa học dự hội thảo được chứng kiến một sự kiện làm rung chuyển toàn thế giới nếu như đó là sự thật: Tiến sĩ (TS) Nguyễn Chánh Khê cho một chất “xúc tác” bí mật vào bình đựng nước, nước sôi lên sùng sục vì giải phóng khí hydro (H2) rồi khí H2 đó được dẫn qua một bộ phận xử lý tách electron để biến thành dòng điện và làm bật sáng ngọn đèn 50 watt.

Sau hội thảo, các nhà khoa học ngoài việc biểu lộ một chút ít hoài nghi, thì không thấy ai đưa ra một kết luận nào rõ ràng về phát minh chấn động địa cầu ấy.

Thật ra là nếu có khí H2, nghĩa là có nhiên liệu thì việc làm phát sinh ra dòng điện là chuyện xưa như trái đất rồi. Phát điện bằng cách đốt cháy H2 cũng hệt như bằng cách đốt cháy các nhiên liệu khác như xăng, dầu, than, củi... hoặc cho H2 chạy qua thanh nhiên liệu để tạo ra dòng điện. Tất cả đó là vấn đề của kỹ thuật không có gì khó khăn trong thời đại ngày nay. Từ H2 sinh ra dòng điện, tôi tin rằng TS Nguyễn Chánh Khê làm rất tốt.


Các nhà khoa học xem công nghệ phát điện bằng nước của TS Nguyễn Chánh Khê và cộng sự - Ảnh: Mai Vọng

Nhưng vấn đề cốt lõi và sự vĩ đại của phát minh của TS Khê là ở chỗ từ nước tạo ra khí H2.

Dùng phương pháp điện giải hoặc nhiệt giải thì ta có thể phân tích H2O thành H2. Nhưng phương pháp này tiêu tốn một năng lượng, trên lý thuyết, bằng năng lượng phát ra khi xử lý H2 để sinh ra điện. Trong thực tế thì năng lượng thu được khi xử lý H2 luôn luôn nhỏ hơn năng lượng tiêu tốn để sản sinh ra H2 từ nước vì sự hao hụt. Do vậy, việc sản xuất điện năng từ nhiên liệu H2 sinh ra từ điện giải hoặc nhiệt giải nước là phi kinh tế, nên từ xưa đến nay không ai làm, trừ phi làm để thí nghiệm hoặc để biểu diễn cho vui.

Một cách nữa để sản xuất H2 từ nước là dùng phản ứng hóa học. Cho các hóa chất sau đây vào nước thì H2 sẽ sinh ra: kim loại kiềm (kali, natri), hydro canxi (CaH2), hydrua borat natri (NaBH4)… Tuy nhiên, giá thành của tất cả các chất trên đều đắt hơn H2 gấp nhiều lần nên về mặt kinh tế không dại gì mà lấy một chất đắt tiền để chế ra một chất rẻ tiền để rồi lấy nó làm nhiên liệu sản xuất điện. Và hơn nữa, trong trường hợp ấy thì không thể gọi là sản xuất điện từ nước mà phải nói là sản xuất điện từ kali, natri hoặc CaH2.

Ngoài ra còn một số cách phân hủy nước ra H2 nữa, nhưng hoặc hiệu suất không cao hoặc quá tốn kém nên chưa đưa vào sử dụng trong thực tế.


Chiếc máy phát điện chạy bằng nước

Do vậy sự việc TS Khê cho một chất gì đó (khi thì gọi là chất xúc tác, khi thì gọi là chất khử) có giá thành rẻ vào nước để H2 sinh ra nhiều đến mức sôi lên sùng sục thì quả là một phát minh động trời về khoa học, nếu như chất ấy không phải là các hóa chất như tôi đã nêu lên ở trên.

Do vậy, chuyện phát minh ra máy điện chạy nước chính là ở chỗ phát minh ra cái chất xúc tác bí mật ấy. Chất ấy chạm vào nước là sinh ra H2. Nó giống như là hòn đá phù thủy của các nhà giả kim thuật thời Trung cổ, chạm vào vật gì vật đó biến thành vàng.

Vấn đề là TS Khê phải thuyết phục được mọi người tin rằng có một chất xúc tác kỳ diệu đến như vậy!

Huỳnh Ngọc Chênh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.