Máy phun thuốc trừ sâu tự động

10/09/2016 10:28 GMT+7

Với niềm đam mê sáng tạo, một nhà nông ở An Giang đã sáng chế thành công máy phun thuốc trừ sâu tự động, giúp bảo vệ sức khỏe cho người nông dân.

Sáng chế của anh nông dân
Tác giả của chiếc máy trên là anh Trần Thanh Tuấn (38 tuổi, ngụ ấp Trung Bình Nhì, xã Vĩnh Trạch, H.Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Anh Tuấn cho biết anh vốn là con nhà nông nên hiểu nỗi vất vả của người trồng lúa. Đặc biệt, nông dân rất dễ mắc bệnh do liên tục hít phải hơi thuốc trừ sâu khi xịt thuốc theo phương pháp thủ công. Nhiều đêm băn khoăn, trăn trở tìm cách giảm bớt ảnh hưởng độc hại của thuốc trừ sâu, anh đã nảy ra ý định sáng chế một chiếc máy phun thuốc trừ sâu tự động để thay thế con người.


Dù đứng xa hàng chục mét vẫn có thể điều khiển cho máy phun thuốc, nên nông dân không lo bị ngộ độc do tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu.


Anh Trần Thanh Tuấn



Dự định đó lớn dần, thôi thúc anh bắt tay vào chế tạo chiếc máy dù biết trước chẳng dễ dàng gì đối với một nông dân rặt như anh. Năm 2010, anh phác thảo kiểu máy trên giấy rồi bắt đầu đi tìm nguyên vật liệu lắp ráp. Tuy nhiên, mấy năm làm đi làm lại mà chiếc máy phun thuốc sâu tự động vẫn chưa thành công. Lúc thì máy chạy trên bờ ruộng bị lật ngã, lúc thì xuống ruộng bị lún bùn chết máy, rồi vòi phun thuốc không sử dụng được… Kiên trì sửa đi sửa lại 3 năm trời, cuối cùng chiếc máy phun thuốc trừ sâu tự động sử dụng điều khiển từ xa của anh đã hoàn thành.
Hôm anh Tuấn đưa máy phun thuốc trừ sâu tự động ra cánh đồng của gia đình chạy thử, bà con kéo đến xem rất đông. Anh bấm remote điều khiển hướng nào thì máy phun thuốc theo hướng đó. Anh bấm nút cho máy từ từ chạy xuống ruộng thì không hề bị lún sình gây chết máy.... Nhìn chiếc máy hoạt động, nhiều bà con trước đây còn tỏ ý hoài nghi đã không khỏi thán phục.
Không lo ngộ độc thuốc sâu
Năm 2013, chiếc máy phun thuốc trừ sâu tự động đã đoạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng chế do Bộ KH-CN phối hợp Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức. Theo suy nghĩ của nhiều người, giải thưởng trên là kết quả mỹ mãn cho một nông dân ít học nhưng anh Tuấn vẫn chưa hài lòng mà muốn tiếp tục cải tiến để máy đạt hiệu quả cao hơn. Anh đã từng bước nâng cao tính năng của các bộ phận để có được chiếc máy phun thuốc trừ sâu tự động hoàn chỉnh như ngày hôm nay.
“Dù đứng xa hàng chục mét vẫn có thể điều khiển cho máy phun thuốc, nên nông dân không lo bị ngộ độc do tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu”, anh Tuấn cho biết. Qua nhiều lần cải tiến, kích thước máy được thu gọn; bánh xe là loại bánh xích nên có khả năng di chuyển trên nhiều địa hình, qua vùng đất bùn không bị lún, lật; khi di chuyển trên đồng ruộng không làm gãy nhánh lúa. Máy có thể phun được 10.000 m2/ngày và tốn chưa tới 1 lít xăng trong vòng 1 giờ. Ngoài phun thuốc trừ sâu cho lúa, máy còn được sử dụng để phun xịt cho đất rẫy trồng rau màu như đậu, cà chua, ớt, rau cải… Năm 2016, anh đem sáng chế này dự thi và đạt giải nhất hội thi sáng tạo kỹ thuật do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh An Giang tổ chức.
Đến nay, anh Tuấn đã bán khoảng 10 máy cho nông dân các nơi với giá 32 triệu đồng/máy. Tuy nhiên, do vốn ít nên anh chưa đủ điều kiện sản xuất rộng rãi để cung ứng ra thị trường. Một tin vui vừa đến trong năm nay khi anh được Sở KH-CN tỉnh An Giang hỗ trợ 247 triệu đồng để tiếp tục thực hiện mô hình chế tạo máy. Thành quả trên mở ra cho anh bước ngoặt mới, giúp anh tự tin hơn trong việc theo đuổi đam mê của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.