Máy tính thay cho ống nghiệm

10/10/2013 03:10 GMT+7

Ngày 9.10, Ủy ban Nobel thông báo trao giải Nobel Hóa học 2013 cho 3 nhà khoa học Martin Karplus (mang 2 quốc tịch Mỹ - Áo), Michael Levitt (Mỹ - Anh) và Arieh Warshel (Mỹ - Israel), theo website chính thức Nobelprize.org.


(Từ trái qua) các giáo sư Karplus, Levitt và Warshel - Ảnh: AFP

Các giáo sư (GS) này đã kết hợp thành công vật lý truyền thống với vật lý lượng tử, tạo thành nền tảng để “mô hình hóa” các phản ứng hóa học. Trên cơ sở đó, các phản ứng hóa học có thể được thực hiện, theo dõi chi tiết và thậm chí đoán trước kết quả trên máy vi tính, điều mà mắt thường dù được hỗ trợ bởi kính hiển vi hoặc máy quay siêu hiện đại không bao giờ làm được. Đối với các nhà hóa học, máy tính ngày nay có vai trò quan trọng không thua gì ống nghiệm. Các thí nghiệm “ảo” nhưng cực kỳ chính xác là một bước tiến quan trọng của ngành hóa học, mở ra vô vàn ứng dụng cho rất nhiều ngành khác, từ y dược, sinh học, môi trường đến khoa học vật liệu. Chẳng hạn như gia tăng hoạt tính của thuốc, giúp pin năng lượng mặt trời hoạt động hiệu quả hơn…
Nhờ máy tính, các nhà khoa học có thể xem rõ “đường đi nước bước” trong các phản ứng hóa học của từng nguyên tử của mỗi hợp chất. Giáo sư Warshel phát biểu sau khi được thông báo kết quả giải Nobel Hóa học 2013: “Tôi luôn tò mò muốn biết một protein hoạt động thế nào, thuốc khi uống vào cơ thể phản ứng ra sao hoặc cách thức một enzym hỗ trợ việc tiêu hóa thức ăn… Chỉ có máy tính mới giúp trả lời được những câu hỏi này”.

Lan Chi

>> Hy Lạp bỏ 'ngày phép máy tính
>> Máy tính bảng thân thiện cho trẻ em
>> Cách ngồi trước máy tính
>> Tấn công máy tính qua máy in

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.