Mây xà cừ siêu hiếm thắp sáng bầu trời Bắc Cực: Từng xuất hiện ở Việt Nam?

25/12/2023 20:17 GMT+7

Mới đây, mây xà cừ màu cầu vồng xuất hiện ngoạn mục trên bầu trời Bắc Cực hơn 3 ngày khiến nhiều người yêu thiên văn trên thế giới và Việt Nam thích thú. Không phải ai cũng biết hiện tượng cực hiếm này từng xuất hiện ở Việt Nam trong năm nay.

Theo Live Science, những đám mây màu cầu vồng đã lấp lánh trên bầu trời Bắc Cực trong hơn 3 ngày nhờ một đợt lạnh bất thường ở tầng khí quyển phía trên. Các chuyên gia dự đoán có thể nhiều đám mây xà cừ có màu sắc sặc sỡ như vậy sẽ xuất hiện ở khu vực này trong vài tháng tới.

“Mây xà cừ, thực chất là mây tầng bình lưu vùng cực, được bắt gặp ở độ cao lớn xung quanh Bắc Cực, trên bầu trời Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Alaska, thậm chí vươn xa hơn về phía nam, tới Scotland. Chúng bắt đầu xuất hiện vào ngày 18.12 và tiếp tục hiện rõ đến ngày 20.12. Một số đám mây nhỏ và kém nổi bật hơn xuất hiện vào ngày 21.12, nhưng nhìn chung, có vẻ chúng đang dần biến mất”, Live Science thông tin thêm.

Đẹp ngỡ ngàng

Cách đây không lâu, hồi cuối tháng 6.2023, hiện tượng mây xà cừ xuất hiện trên bầu trời Tây Ninh, ở đỉnh núi Bà Đen cũng khiến nhiều người yêu thiên văn Việt Nam ngỡ ngàng khi đây được xem là hiện tượng "vô tiền khoáng hậu".

Mây xà cừ siêu hiếm thắp sáng bầu trời Bắc Cực: Từng xuất hiện ở Việt Nam?- Ảnh 1.

Mây xà cừ xuất hiện ở Tây Ninh hồi tháng 6.2023.

T.N

Một người dân làm việc tại khu vực này chứng kiến được hình ảnh mây xà cừ mô tả tia sáng mây cực kỳ ảo diệu trên đỉnh núi. Những tia sáng này không chỉ trong suốt mà còn tỏa ánh sáng lóng lánh. Đứng ở các góc khác nhau sẽ thấy tia sáng có màu khác nhau.

Mây xà cừ được cho là hiện tượng cực hiếm chỉ xuất hiện trên bầu trời ở một số khu vực khí hậu cực lạnh như Nam Cực, Alaska hay vùng Scandinavia. Theo các nhà nghiên cứu, trong điều kiện cực lạnh của mùa đông vùng cực, thì các đám mây tầng bình lưu có thể hình thành. Do độ cao lớn của chúng và độ cong của bề mặt trái đất, các dạng mây này sẽ nhận được ánh sáng mặt trời từ dưới đường chân trời và phản xạ chúng xuống mặt đất, tạo ra ánh sáng rực rỡ ngay trước rạng đông hay sau hoàng hôn.

Hiện tượng mây siêu hiếm này thường hình thành ở mức nhiệt độ âm. Vì vậy, sự xuất hiện của các tia sáng mây xà cừ trên đỉnh núi cao nhất Nam bộ được cho là “vô tiền khoáng hậu”.

Mây xà cừ chỉ hình thành ở vùng thấp của tầng bình lưu, cách bề mặt trái đất 15 - 25 km. Thông thường, mây không hình thành ở độ cao như vậy trong khí quyển vì khu vực này quá khô. Nhưng ở nhiệt độ cực thấp, dưới - 85oC, các phân tử nước rải rác xa nhau bắt đầu kết hợp lại thành tinh thể băng tí hon, sau đó phát triển thành mây.

Nhiệt độ tầng bình lưu ở Bắc Cực hiếm khi giảm xuống dưới ngưỡng cần thiết để mây xà cừ hình thành. Do đó, loại mây này thường chỉ được bắt gặp vài lần mỗi năm vào mùa đông. Đợt rét đậm khiến mây xà cừ xuất hiện vài ngày qua có thể phần nào do El Nino gây ra, vì El Nino tác động đến nhiệt độ xung quanh các cực. Tuy nhiên, theo spaceweather.com, những biến đổi khí hậu do con người gây ra cũng có thể là nguyên nhân.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.