Mc Đỗ Thụy và câu chuyện 'bỏ nhà' ra đi

07/07/2016 08:00 GMT+7

Ba năm trước, ít ai ngờ MC quen thuộc và tên tuổi đang 'hot' - Đỗ Thụy có thể trở lại làm sinh viên. Thế mà, Đỗ Thụy - người đang tự tin, thành công với vai trò MC trong những chương trình nhiều người biết đến như Trúc xanh, Ngôi nhà mơ ước lại gác hết mọi công việc, rời khỏi quê nhà để đi học thạc sĩ ở Anh quốc.

Gần đây, Đỗ Thụy vừa trở lại khi chương trình học kết thúc với thành tích bỏ túi là bộ phim tốt nghiệp đoạt giải thưởng của Anh - Royal Television Society Student Awards 2016.
Mc Đỗ Thụy & câu chuyện 'bỏ nhà' ra đi 1
Vai trò mới
Là một khán giả từng yêu mến Đỗ Thụy thời bạn làm MC, tôi thật sự ngạc nhiên và tò mò về bộ phim The heart’s scar mà bạn vừa làm nhà sản xuất vừa làm đạo diễn…
Đó là phim tốt nghiệp của tôi. Bộ phim được giải của Royal Television Society Student Awards 2016. Giải thưởng này của Anh, đã có tuổi đời hơn 80 năm. Phim kể về Tình - một cô bé ở Việt Nam bị mẹ bỏ rơi, bị bệnh tim và phải đi bán vé số. Có rất nhiều phim tài liệu kể về cuộc đời của các cô bé nghèo. Nhưng lần này tôi làm khác một chút về hình thức thể hiện. Tôi làm theo kiểu mới, kiểu mình được học. Tôi đi quay theo một nhóm nhỏ, càng ít người càng tốt. Không gian phải để tự nhiên, trống trải để nhân vật quen với máy quay. Phải làm bạn với họ một thời gian dài thì mới bắt đầu quay. Điều thú vị của phim tài liệu là ta không thể tiên liệu được chuyện gì sẽ xảy ra. Cứ theo đuổi họ, tìm hiểu họ thì mới có thể bắt được những khoảnh khắc đắt giá. Trước khi bắt tay vào công việc, tôi tưởng tượng sẽ quay cuộc đời của bé này theo kiểu phải chơi trò chơi này, phải đi làm chỗ kia... Nhưng đến khi cầm máy đi quay thì lại xuất hiện những tình huống không thể tưởng tượng nổi. The heart’s scar - dịch nghĩa là “vết sẹo trái tim” hay còn có thể hiểu rằng đó là vết sẹo cuộc đời của bé khi bị bỏ rơi, bé phải sống cô đơn, sợ hãi…
Lý do gì khiến Đỗ Thụy chọn đề tài này và chọn bé Tình để quay phim tài liệu? Bởi để chọn hình ảnh một em bé bán vé số thì ở Việt Nam không phải là hiếm?

Tôi vẫn đang mơ ước. Để có ngôi nhà mơ ước thì phải có người ở trong đó, mà để có người ở trong đó thì phải có tình yêu. Mà tình yêu không thể muốn là có hay lên kế hoạch trước là được

Ban đầu, tôi chọn đề tài mùa hè - trẻ em. Tôi muốn làm phim về những trò chơi dân gian, về một mùa hè bị thiếu thốn, bị thiệt thòi, không có thư viện, không có nơi giải trí… của những đứa trẻ ở vùng nông thôn. Nhưng sau đó cô giáo của tôi nói rằng: “Chọn nhiều người không bằng chọn một người”. Quả thật, trước khi nghe cô giáo nói, tôi đã nghĩ khác. Tôi nghĩ nếu chọn đề tài có nhiều người thì tiếng nói sẽ khách quan hơn. Nhưng khi suy nghĩ thấu đáo tôi lại thấy chỉ cần làm kỹ về cuộc đời của một người là đủ để diễn tả hết. Tôi tìm được 10 em bé, 10 hoàn cảnh khác nhau và cuối cùng chọn bé Tình. Khi chưa gặp bé Tình, tôi nghĩ rằng những em bé có cuộc đời gắn với cảnh biển, làng chài hay đồi cát thì khi quay lên hình sẽ đẹp hơn. Nhưng khi gặp được bé Tình - cũng là em bé cuối cùng tôi gặp gỡ trong chuyến đi tiền trạm, thì tôi cảm thấy mình hiểu và muốn gắn bó với bé. Nhìn thấy tôi và bé Tình, Tiago Espirito Santo - bạn quay phim và cũng là bạn cùng lớp với tôi lúc ấy mới nói: “Thôi, còn chọn ai được nữa! Đây là người mà bạn cần tìm”.
Phim tài liệu rất khén khán giả, đặc biệt là tại Việt Nam, Đỗ Thụy nghĩa sao về chuyện này? Bạn có muốn gắn bó với việc làm phim tài liệu không?
Có chứ! Tôi rất thích phim tài liệu. Bây giờ, ở Việt Nam hiếm có ai đầu tư vào thể loại phim này. Nhưng đến lúc nào đó, tôi nghĩ phim tài liệu sẽ được đánh giá và quan tâm nhiều hơn. Chúng ta từng có những bộ phim tài liệu rất hay như Mê Kông ký sự hay Ký sự Hỏa xa - Hành trình xuyên lục địa. Nếu được đầu tư tới nơi tới chốn thì Việt Nam cũng có thể sản xuất được những bộ phim có chất lượng. Như đợt vừa rồi có phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng rất hay... Với bản thân, tôi chưa từng buộc mình phải làm điều gì ghê gớm. Tôi chỉ nghĩ mình nên làm cái mình thích. Lâu lâu thấy đề tài nào hay thì tôi sẽ làm và theo đuổi nó chứ không tự đặt ra áp lực rằng phải theo đuổi sự nghiệp này.
Từ lúc còn làm MC đến lúc làm phim, chị vẫn đeo đuổi các đề tài về cộng đồng, làm hoài có bị bão hòa hay bị chai sạn về cảm xúc hay không?
Tôi muốn gắn bó với những chương trình làm về cộng đồng. Tôi cũng thích những chương trình giải trí vì nó mang đến cho con người những phút giây vui vẻ, thoải mái. Nhưng ở góc độ khác thì các chương trình làm về cộng đồng lại có một ý nghĩa và chỗ đứng nhất định trong lòng tôi. Có thể trong nhiều năm gần đây, các chương trình này không còn ăn khách như thời 10 năm trước. Nhưng nếu mình thay đổi trong cách làm thì tôi tin rằng mọi người sẽ thích xem. Đó là còn chưa kể đến lợi ích chương trình cộng đồng có thể mang đến cho mọi người. Tôi không sợ bị bị bão hòa, tôi chưa từng bị chai sạn cảm xúc. Nếu đi theo cách làm cũ, dĩ nhiên sẽ đi vào lối mòn, còn nếu làm theo cách mới thì lại khác. Nhiều chương trình làm về cộng đồng không quảng cáo, không PR rầm rộ, không phải vì không có khán giả. Mà vì nó làm về cộng đồng thì nó không thể có những chiến dịch PR như các chương trình giải trí. Các chương trình cộng đồng vẫn đứng đó, vẫn có khán giả riêng đấy chứ, thường thì những chương trình như vậy tồn tại rất lâu. Giống như chương trình Ngôi nhà mơ ước đã tồn tại 11 năm. Một số chương trình khác rất vững vàng và có lượng khán giả riêng như: Vượt lên chính mình, Lục lạc vàng, Như chưa hề có cuộc chia ly.
Sắp tới mọi người sẽ được gặp lại Đỗ Thụy trong vai trò MC chứ?
Tôi chưa dám nói gì nhiều. Nhưng hy vọng sắp tới, nhanh nhất là cuối năm nay, trễ nhất là đầu năm sau sẽ ra mắt được một chương trình về cộng đồng. Tôi sợ! Vì nếu nói nhiều quá mà không có gì cho khán giả xem thì kỳ quá! Tôi tự tin nhưng còn nhiều yếu tố khách quan nữa. Nếu được trở lại sân khấu, sẽ run lắm vì có quá nhiều cảm xúc, bởi đúng là lâu rồi tôi không xuất hiện trước khán giả. Tôi thật sự rất mong chờ ngày đó.
Mc Đỗ Thụy & câu chuyện 'bỏ nhà' ra đi 2
“Đến một nơi khác biệt để thách thức bản thân”
Ngày xưa, Đỗ Thụy đã nghĩ gì khi quyết định bỏ tất cả: gia đình, sự nghiệp để đi du học. Bởi rõ ràng, khi ấy Đỗ Thụy đang có một công việc đáng mơ ước và còn được rất nhiều khán giả yêu mến?
Có người nói là tôi can đảm, có người lại nói tôi khùng. Có người nói tôi nên đi du học, có người thì bàn ra. Nhưng quan trọng là tôi thích đi du học. Làm việc đến một lúc nào đó sẽ cảm thấy bản thân cần phải thay đổi. Với lại, nếu cứ đóng khung mình mãi trong một cái hộp thì sẽ bị đầy rồi chẳng thể bỏ thêm cái gì vô được nữa. Cho nên, tôi cần phải thay đổi, tôi đi học để mở mang kiến thức. Việc này giống như chuyện tôi đang dọn dẹp lại căn phòng trong đầu óc, trong trái tim của tôi để thêm được những điều mới mẻ cho bản thân.
Đã bao giờ chị thấy nuối tiếc vì quyết định của ngày ấy?
Nếu không dứt ra khỏi guồng máy thì không thể nào làm mới bản thân được. Nếu năm đó tôi không dứt ra thì có lẽ tôi chẳng thể đi được đâu. Cứ ngồi mãi một chỗ, đầu óc mình sẽ bị cũ, bị ù lì. Cảm thấy mình chẳng thể gia tăng được giá trị bản thân. Ngày còn đi học tôi từng ước mơ mình sẽ đi qua Anh để học. Đến khi đi làm, tình cờ tôi gặp một anh làm về chương trình du học ở nước ngoài. Lúc đó tôi nhớ lại giấc mơ của mình, vậy là tôi đi học. Lúc đó, tôi có suy nghĩ chuyện mình phải bỏ hết công việc để đến một nơi khác biệt liệu có ổn không? Nhưng mà tôi muốn xem mình già chưa, chậm chạp chưa, mình có còn có thể tiếp cận được cái mới không. Đi du học là một cơ hội để tôi thử thách mình.
Vậy bao năm qua, chị chiêm nghiệm được những điều gì?
Mỗi nơi đều có thú vị riêng. Tôi đã học được rất nhiều điều trong thời gian đi du học ở Anh. Ở trường của tôi, mọi người làm việc quyết tâm và luôn đi đến cùng của sự viêc. Tôi còn học được rằng mọi việc đều có cách giải quyết. Mọi người làm việc theo nhóm tức là cùng làm việc, cùng sáng tạo, chứ không “kè” nhau rằng ai phải hơn ai và luôn sẵn sàng hợp tác với nhau. Tôi đã tự tin hơn trong việc đưa ra ý kiến của bản thân, không quan trọng rằng ý kiến đó đúng hay sai, thẳng thắn mới là điều cần trân trọng. Thói quen tự nghiên cứu được hình thành và tôi ý thức được chuyện “không có khái niệm làm cho xong”.
Như bao du học sinh khác, lần đầu tiên qua nước ngoài học học thì thấy vui lắm. Nhưng một thời gian sau mới bắt đầu thấy buồn vì không có bạn thân. Ba bốn tuần sau, tôi rơi vào tình trạng trống vắng vì không có ai để tâm sự. Sau đó, tôi nghĩ mình phải tìm bạn. Tôi có tính mắc cỡ nên hay ngại, nhưng nếu không thể tìm được bạn bè thì chắc chắn tôi sẽ bị trầm cảm. Vì vậy kết được bạn là mục tiêu hàng đầu trong những ngày tôi mới đi du học. Thế là tôi lên mạng tìm hiểu cách để có thể kết bạn mới như thế nào rồi làm theo. Sau cùng cũng có thể kết thêm được nhiều bạn. Đến khi kết bạn được rồi thì mình thấy thoải mái, vui lắm, vì mình đã vượt qua được rào cản do chính mình đặt ra. Tôi bỏ đi nhiều thứ, nhưng có lại được nhiều thứ.
Sau bao năm gặp lại, tôi rất tò mò về “ngôi nhà mơ ước” của chị?
Tôi vẫn đang mơ ước. Để có ngôi nhà mơ ước thì phải có người ở trong đó, mà để có người ở trong đó thì phải có tình yêu. Mà tình yêu không thể muốn là có hay lên kế hoạch trước là được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.