Trong căn phòng trọ nhỏ xíu, ngập mùi ẩm mốc, bà Đông Man Mười (80 tuổi, tên thường gọi là bà Tư, ở H.Bình Chánh, TP.HCM) vẫn miệt mài dỗ dành đứa con trai không tỉnh táo. Bà mắt đã mờ, tai không còn nghe rõ nhưng vẫn thường xuyên ngước lên gác xép phòng trọ vì con trai đang ở trên đó. Ông Liêu Cuốn Quốc (44 tuổi) con trai bà dù không còn trẻ nhưng vẫn phải nhờ mẹ chăm bẵm.
Cuộc trò chuyện giữa PV Thanh Niên với bà Tư thường xuyên phải ngưng lại vì những tiếng la hét không rõ nghĩa của người con trai. Gạt giọt nước mắt lăn dài trên má, bà Tư mong chúng tôi thông cảm vì phải chịu những tiếng hú hét đó. Nắm lấy tay bà Tư, người viết càng đồng cảm hơn cho hoàn cảnh bà bởi lẽ người mẹ này đã quá khổ rồi.
Mẹ già 80 tuổi nuôi con trai tâm thần: ‘Ngày xưa hiếu thảo lắm, không bỏ được’
"Mẹ nào bỏ được con"
Cách đây 14 năm, ông Quốc gặp phải một biến cố lớn trong đời nên mất đi khả năng nhận thức. Người đàn ông không còn tỉnh táo, chỉ trốn trong phòng, gặp người lạ sẽ la hét, rượt đuổi.
Sau nhiều năm đưa con đi khắp nơi chạy chữa nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm, bà đành bỏ cuộc vì không đủ chi phí trang trải. Chồng mất đã lâu, một mình bà nuôi nấng, chăm lo đứa con trai kém may mắn.
"Tôi chưa bao giờ đánh con, dù con có lì lợm, la hét thế nào. Lúc bực mình, tôi chỉ dọa là mẹ sẽ bỏ đi. Tôi nói vậy thôi chứ con có thể bỏ mẹ chứ mẹ nào mà bỏ được con", bà Tư nghẹn ngào.
Ông Quốc là con út trong gia đình có 3 anh em. Hai người con trai đầu đã có gia đình riêng nhưng vì cũng chỉ đi làm thuê, làm mướn nên cũng không phụ được mẹ nuôi em.
Đã có lúc, bà Tư muốn lên rẫy trồng cà phê hay làm bà vú cho các gia đình khá giả để có thêm đồng ra, đồng vào. Tuy nhiên, nghĩ lại ngày trước ông Quốc hiền lành, hiếu thảo, bà lại thương ở lại với con đến tận giờ.
Đã lâu lắm rồi, bà Tư không có được một giấc ngủ trọn vẹn. Đêm nào bà cũng khóc vì tủi thân, vì thương đứa con rơi vào hoàn cảnh đó. Bà trằn trọc vì lo sau này bà nhắm mắt, con sẽ bơ vơ, không nơi nương tựa.
"Tôi sợ khi nghĩ đến cảnh mình đi trước con. Tôi đang tính gửi gắm con ở một ngôi chùa tại Tây Ninh. Nếu tôi có đi trước sẽ nhờ họ chăm lo con phần đời còn lại", bà vừa nói vừa rưng rưng nước mắt.
Con trai ở trên gác xép nên bà thường xuyên lên thăm
DƯƠNG LAN
Bà Phạm Thị Nhã (43 tuổi), con dâu bà Tư cho hay, gia đình mình cũng khó khăn nên dù thương nhưng đành "lực bất tòng tâm". Thỉnh thoảng, bà Tư vẫn sang nhà các con chơi cho khuây khỏa.
"Mẹ thương con út dữ lắm. Chú có chửi cỡ nào mẹ cũng ráng chịu đựng. Mẹ nói sống được với chú ngày nào hay ngày đó chứ nhất quyết không bỏ. Hằng ngày, mẹ đi lượm ve chai, đổi lấy chén cơm nuôi con sống qua ngày", người con dâu chia sẻ.
Mẹ con nương tựa vào nhau
Bà Tư cho biết, mỗi ngày ông Quốc thường mất kiểm soát nặng, la hét vào sáng sớm và chiều tối. Rồi cứ đến giờ ăn mà chưa có cơm, ông càng la hét dữ dội hơn nữa. Hàng xóm nhiều người rất khó chịu nhưng nghĩ đến cảnh mẹ già nuôi con, họ cũng cảm thông.
Từ khi trở bệnh, ông Quốc chỉ biết trốn trên gác, chờ mẹ đi lượm ve chai về lấy cơm cho ăn. Có thể ông đã lãng quên cả thế giới nhưng riêng lời mẹ dặn, ông vẫn nhớ như in.
Bữa trưa đơn giản, thức ăn được người khác cho
THÁI THANH
Những ngày mưa, dù sợ nhưng ông vẫn chạy ra sân lấy quần áo vào vì sợ ướt khi thấy mẹ đi lượm ve chai chưa về. Khi thấy mẹ không ăn, để phần cho mình, ông liền hỏi: "Sao bà già không ăn?". Đây cũng là niềm vui hiếm hoi trong cuộc sống của bà Tư.
Ông Đặng Đình Tiến, chủ trọ nơi bà Tư và con trai sinh sống cho hay, nếu giờ không cho bà Tư thuê, hai mẹ con sẽ không biết ở đâu.
"Thấy bà chăm con vất vả, nhiều người trong dãy trọ cũng đồng cảm, thương xót. Chúng tôi cũng thường xuyên thăm hỏi, lâu lâu cho chén cơm, hộp sữa…", ông nói.
Ông Lại Văn Trước (tổ trưởng tổ 5, ấp 2C, xã Vĩnh Lộc, H.Bình Chánh) chia sẻ: "Cả tổ ai cũng biết hoàn cảnh đáng thương của mẹ con bà Tư. Mỗi khi có đoàn từ thiện, chúng tôi đều làm phiếu, nhắn bà đi lãnh quà. Tôi cũng rất xúc động trước tình thương bà dành cho con".
Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp bà Đông Man Mười, quý độc giả vui lòng gửi về:
- Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên
- Số tài khoản 10006868
- Ngân hàng Eximbank - chi nhánh Sài Gòn.
Nội dung ghi: Giúp đỡ bà Đông Man Mười; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến nhân vật trong thời gian sớm nhất.
Bình luận (0)