“Đừng lấy lý do bận”
Chị Phan Diệp Chi có con học lớp 2 Trường tiểu học Phan Chu Trinh, Q.Tân Phú, TP.HCM đặt câu hỏi: “Mỗi lần đi họp phụ huynh chúng tôi mới có điều kiện ghé ngang nhà ăn để xem, tuy nhiên thời gian đó cũng là giờ nghỉ rồi. Hằng ngày, tôi không biết con mình ăn những món gì, nguồn gốc thực phẩm được lấy từ đâu, chế biến có đảm bảo vệ sinh hay không… Nếu như đồ có ôi thiu, gạo có mốc phụ huynh chúng tôi cũng không cách nào biết được”.
tin liên quan
Chất lượng bữa ăn học đường: Tỷ lệ thuận với tâm của hiệu trưởng
Đó là nỗi hoang mang, nghi ngờ của nhiều phụ huynh có con đang theo học mầm non và tiểu học bán trú.
“Các mẹ hãy hành động đi. Hãy nấu cơm cho con mang đến trường, đừng lấy lý do bận nữa!”, chị Nguyễn Thị Thu Nga, ngụ chung cư Tôn Thất Thuyết, Q.4, TP.HCM, bày tỏ.
Theo chị Thu Nga, cha mẹ chỉ cần dậy sớm một chút cắm cơm, đồ ăn thì có thể chế biến sơ qua từ tối hôm trước. “Chỉ mất khoảng nửa tiếng là có thể làm xong suất ăn cho con rồi. Nếu thực sự muốn bữa trưa của con đảm bảo thì không có lý do gì mà các mẹ không tự mình nấu cả. Ai cũng có công việc bận rộn, nhưng nếu muốn thì vẫn sắp xếp được. Mẹ chăm một chút thì con được nhờ, mẹ mà lười thì cũng không nên kêu ca là sao con phải ăn đồ ăn không đảm bảo”, chị Nga nhìn nhận.
Phụ huynh được kiểm tra bếp ăn
Mặc dù vậy, không ít phụ huynh cho rằng để giải quyết tận gốc vấn đề, thì việc cha mẹ tự nấu ăn cho con không phải là cách tốt nhất. “Những phụ huynh là dân lao động đầu tắt mặt tối, những phụ huynh là công nhân làm sao có điều kiện để ngày nào cũng nấu cơm cho con mang đi học. Đặc biệt, không phải trường nào cũng cho học sinh mang cơm theo?...", một phụ huynh đặt vấn đề.
Cùng quan điểm này, chị Nguyễn Ngọc Lam (ngụ đường 9A, khu Trung Sơn, Q.7, TP.HCM) cho rằng phải giải quyết tận gốc bằng những quy định rõ ràng. Chẳng hạn phải có sự kiểm tra chéo, thời gian bao lâu kiểm tra một lần, khi phát hiện sai phạm thì xử lý mạnh tay... “Đồng thời phụ huynh chúng tôi cũng phải được tham gia vào việc kiểm tra bếp ăn, quy trình chế biến. Bất cứ lúc nào đại diện hội phụ huynh đều có thể tiếp cận khu vực bếp ăn trong trường học”, chị Ngọc Lam nhấn mạnh.
Không chỉ vậy, việc nâng cao nhận thức về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong phụ huynh cũng cần được nâng cao. Chị Dương Tuyết Mai có con học tại một trường mầm non quốc tế tại Q.7, TP.HCM, cho rằng: “Không ít phụ huynh chưa ý thức được đồ ăn bẩn, không có nguồn gốc sẽ gây ra những hậu quả gì cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của con. Việc thờ ơ đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc thiếu quan tâm sâu sát, phó mặc con muốn ăn gì cũng được. Khi cha mẹ nhận thức tốt thì lúc đó mới đủ mạnh mẽ và trách nhiệm để lên tiếng quyết liệt nếu như bữa ăn ở trường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Bình luận (0)