Mẹ của cố vận động viên quốc gia Trần Thanh Ngời: 'Sau hết, con vẫn về bên mẹ'!

12/05/2019 15:09 GMT+7

16 năm sau tai nạn của cố vận động viên quốc gia Trần Thanh Ngời, có người quên, người nhớ. Nhưng mẹ anh – người chẳng bao giờ quên được những ký ức về người con trai tài giỏi tử nạn khi mới ngoài 20…

“Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học mẹ đi trường đời”.
Về với Đồng Tháp, chúng tôi nghe được những câu hò trầm lắng của mẹ Nguyễn Thị Hiền (65 tuổi) - mẹ của Trần Thanh Ngời - cố vận động viên Judo đã tử nạn trước thềm Sea Game 22 cách đây 16 năm.
Nhiều vật dụng cá nhân của con trai được mẹ Hiền giữ và bảo quản cẩn thận.
16 năm trước, mẹ Hiền luôn tự hào về 4 người con của mình, đặc biệt là Thanh Ngời, người mang về rất nhiều huy chương quốc gia khi chỉ ngoài 20 tuổi.
Mẹ  có 4 người con, tên của họ lần lượt là Du – Xuân – Ngời – Sáng. Một người học kinh tế, một người học ngữ văn, một người theo thể thao, còn một người theo nghệ thuật. Cả 4 người con đều đặc biệt như những cái tên mẹ Hiền đặt. Mẹ kể, 4 người con đều cố gắng học, tự chăm sóc cho bản thân vì biết gia đình nghèo khó. “Tuy gia đình thiếu thốn, nhưng tình thương của mẹ là không bao giờ thiếu. Mẹ luôn động viên dù tụi nó theo bất cứ ngành nghề gì, miễn sao tụi nó yêu thích”, mẹ nói.
Có lẽ theo “gen” mẹ mà 4 người con đều năng động, tài giỏi. Mẹ kể, hồi còn trẻ, mẹ làm công tác thanh niên ở xã, sau khi lập gia đình, mẹ chuyển sang làm công tác phụ nữ. “Hồi đó mẹ năng động lắm, văn nghệ, hát hò, phong trào nào mẹ cũng tham gia”, mẹ hồi tưởng.
Sau gần 16 năm, nhiều bài báo viết về con trai vẫn được mẹ Hiền lưu giữ.
Mẹ có khuôn mặt phúc hậu, dáng người nhỏ nhắn. Với mẹ, 4 người con chính là tài sản vô giá và cũng là niềm tự hào vô cùng lớn của mẹ. Nhìn những tấm hình thi đấu của cố võ sĩ Thanh Ngời, mẹ kể tiếp: “Hồi xưa, khi còn thằng Ngời, chỗ con đường vô tới đây là một con đê. Mỗi ngày 4 bận, mẹ phải bơi xuồng đưa rước 4 đứa nhỏ đi học. Đến mùa mưa, nước cao, xuồng vô tới tận cửa nhà. Sau này lớn, thằng Ngời nói, nó ráng đi Sea Game để lấy giải thưởng về xây nhà cho mẹ”. Nhắc đến đây, nét mặt mẹ hiện rõ sự tự hào, mẹ nói: “Mấy con không biết, thằng Ngời nó giỏi lắm, không hiểu linh thiêng ra sao mà đấu giải nào là có huy chương giải đó, không huy chương vàng cũng huy chương bạc, không huy chương bạc cũng huy chương đồng. Mấy lần bị chấn thương, mẹ kêu nó thôi nghỉ cái nghề này đi, tập trung học hành. Nó kêu, con nghỉ không được, tại con đam mê quá”.
“Có lần tâm sự, nó nói, thà là một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn le lói suốt trăm năm. Nó nói câu này là mẹ đã thấy không ổn, mẹ lo lắm những nó đã lỡ chọn con đường này”, mẹ Hiền rưng rưng nhớ lại.
Tủ đựng huy chương, cúp lưu niệm, đồ cá nhân của cố võ sĩ Thanh Ngời.
Sau tai nạn của cố võ sĩ Thanh Ngời, căn nhà đã được nhà nước xây dựng lại, 3 người con cũng thành tài, còn nỗi đau của mẹ thì vẫn còn đó. Mẹ chia sẻ, phải 3 năm sau đó mẹ mới bình thường trở lại. Bây giờ, nhớ thì vẫn nhớ, nhưng nhiều hơn hết là sự tự hào, như cha của cố võ sĩ chia sẻ rằng: “Có những cái chết trở nên bất tử”.

Chín tháng mười ngày rứt ruột sinh con ra, mẹ nào mà chẳng thương con, nhớ con. Mẹ Hiền cũng vậy, mỗi khi kể về con trai, nước mắt mẹ chực chờ trào ra. Trong căn nhà, bên cạnh tất cả các huy chương, hình ảnh thi đấu, mẹ còn giữ lại rất nhiều vật dụng cá nhân của cố võ sĩ Thanh Ngời, gồm ly uống nước, võ phục, thắt lưng, giày dép, điện thoại di động, chai dầu gội… Mẹ còn lưu giữ các bài báo nói về anh. Tuy vậy, mẹ rất ít khi lấy ra xem vì nhớ con.
Bây giờ, nơi anh yên nghỉ là phía sau ngôi nhà của mình. Vậy là cuối cùng, anh vẫn về bên mẹ - người mẹ tần tảo giờ  an yên tuổi già cùng nỗi nhớ con...
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.