'Mẹ đi bước nữa con nghĩ sao?'

31/12/2019 15:00 GMT+7

Sau biến cố hôn nhân, nhiều người chọn sống một mình nuôi con vì không muốn xáo trộn cuộc sống của con. Một số may mắn có cơ hội thứ hai tìm lại hạnh phúc nhưng cảm thấy thật khó xử khi phải “đặt vấn đề” với con.

Tại các nước phương Tây, cha mẹ có một quan điểm rất rõ ràng: Chỉ “nuôi” con đến khi tốt nghiệp đại học, thậm chí chỉ đến khi đủ 18 tuổi, sau đó để con tự lập xây dựng cuộc sống. Cha mẹ sẽ trích một phần tiền hưu trí hay tiền dành dụm của mình để giúp đỡ con trong những ngày đầu lập nghiệp, phần còn lại sẽ dành cho nghỉ dưỡng, du lịch hay giúp đỡ cộng đồng. Trái lại, đối với những bậc sinh thành từ các nước phương Đông, trách nhiệm làm cha làm mẹ là gần như không có điểm dừng. Họ chăm lo và trăn trở về hạnh phúc của con cho đến khi con cái trưởng thành, an bề gia thất, và thậm chí còn giúp con trông nom cháu nội, cháu ngoại.
Một phần vì nét văn hóa này, có nhiều người góa vợ hoặc góa chồng từ khi còn rất trẻ nhưng không đi thêm bước nữa, mà đã quyết định sống một mình để toàn tâm toàn ý nuôi con. Họ e ngại hôn nhân mới ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của con, sợ con sẽ chịu nhiều thiệt thòi hay cảm thấy tủi thân với tình cảnh: Con anh, con em và con chúng ta. Họ chấp nhận gạt bỏ hạnh phúc được yêu thương, chia sẻ, gạt bỏ quyền được tận hưởng những cung bậc cảm xúc tình yêu trong những năm tháng thanh xuân đẹp nhất.
Theo thời gian, những đứa con nhỏ dại cũng trưởng thành, xa rời họ để vào đại học, đi làm và có người yêu, cưới vợ, gả chồng, xây dựng tổ ấm riêng. Người cha, người mẹ trẻ trung ngày nào nay đã luống tuổi. Một số người may mắn gặp được người bạn tâm giao, chân thành và cùng chung cảnh ngộ, họ muốn tiến xa hơn để có một chỗ dựa tinh thần, để chia sẻ và bầu bạn.
Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh không biết phải bày tỏ nguyện vọng của mình như thế nào với con cái. Họ luôn lo lắng lựa chọn của mình sẽ mang đến nhiều phiền muộn, khó xử cho con và những người thân xung quanh. Cũng có nhiều người không dám theo đuổi mong muốn của bản thân vì e ngại bà con hàng xóm sẽ dị nghị, lo sợ định kiến của xã hội sẽ đánh giá việc tái hôn của mình là không phù hợp với tuổi tác, là ích kỷ, không thương con.
Cô Lan năm nay 50 tuổi và cô đã góa chồng từ khi còn rất trẻ. Vì rất thương Vinh - con trai cô, nên suốt mấy chục năm qua cô đã từ chối nhiều lời tỏ tình và ở vậy nuôi Vinh khôn lớn. Khi Vinh trưởng thành, lập gia đình, có con thì cô lại tìm niềm vui trong cảnh quây quần với con cháu. Nhìn mẹ bao năm hy sinh nuôi mình khôn lớn rồi giờ lại tất bật chăm lo cháu nội, anh Vinh thương mẹ, xót cảnh mẹ sống cô đơn không bầu bạn, anh đã nhiều đêm suy nghĩ. Anh biết trong số những người có tình cảm với mẹ thì bác Phong là một người rất chân thành và tốt bụng. Nhiều năm mẹ trốn tránh những lần ngỏ lời của bác, nhưng anh biết mẹ cũng có tình cảm thương mến đối với bác.
Sau một thời gian để ý tìm hiểu, anh đã chủ động mở lời để bác Phong có cơ hội tiếp tục “theo đuổi” mẹ. Anh thường xuyên mời bác đến nhà ăn cơm, rồi viện lý do bận để bác đến bầu bạn, làm vườn, nấu cơm cùng mẹ. Dần dần, bác Phong trở thành một thành viên thân thiết trong gia đình theo cách rất tự nhiên. Với sự “vun vào” khéo léo của con, cô Lan và bác Phong cuối cùng cũng đã có cơ hội gắn bó với một “lễ cưới” nho nhỏ, ấm áp trong sự vui mừng, chúc phúc của con trai, con dâu và các cháu.
Nói về điều này, anh Vinh chia sẻ: “Tôi biết mẹ cứ bao năm tần tảo hết chăm con lại đến chăm cháu, nhiều lúc mệt mỏi cũng rất muốn có một người để bầu bạn, để chăm sóc nhau lúc trái gió trở trời. Mẹ nhiều lần muốn tâm sự nhưng rồi lại thôi, ngại con buồn, ngại con nhớ đến bố ruột. Tôi nghĩ, ai cũng có quyền được sống hạnh phúc. Huống hồ mẹ đã hy sinh cả đời vì con vì cháu nên đi bước nữa càng tốt, miễn sao mẹ an yên, được sống đúng như ý mình muốn”.
Ngoài được sống hạnh phúc và chia sẻ với một nửa của mình, việc con cái ủng hộ cha mẹ đi bước nữa cũng mang đến nhiều lợi ích về sức khỏe và tuổi thọ. Nhiều chuyên gia tâm lý cho biết những người lớn tuổi sống cô đơn dễ có tâm lý buồn chán, chất lượng cuộc sống cũng theo đó mà giảm đi. Mặt khác, nếu sống có đôi có bạn thì sẽ rất có lợi cho sức khỏe tinh thần, họ sẽ vui vẻ hơn, yêu đời hơn.

Mỗi người có một cuộc đời để sống và một con đường để đi. Nếu yêu thương, hãy đón nhận và sẻ chia để ai cũng được “sống đúng như ý muốn” của mình - can đảm, mạnh mẽ sống cuộc sống mình mơ ước với nhiệt huyết và đam mê.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.