Chia sẻ tại talk show “Làm mẹ liệu có là gánh nặng cản trở sự nghiệp của người phụ nữ?” do Women of Influence Asia tổ chức, chị Bùi Cẩm Vân kể: “Thời gian đầu mới sinh con tôi luôn có tâm lý tự ti về ngoại hình. Tôi không ra ngoài gặp gỡ mọi người và thấy mình càng ở nhà lâu sức ỳ càng lớn. Tôi nhớ tha thiết con người trước kia của mình”.
|
Lo sợ nếu đi làm thì là người mẹ không tốt, không cho con đủ thời gian; nếu làm mẹ toàn thời gian lại bị đồng nghiệp coi thường, thua kém bạn bè… chính là tự “dán nhãn” cho bản thân, không trân trọng bản thân. “Người đầu tiên nên trân trọng mình chính là mình”, thạc sĩ Tham vấn hướng nghiệp Phoenix Hồ cho biết.
Chị Vân đã chọn cách chia sẻ với chồng, vạch ra kế hoạch sắp xếp lại cuộc sống, trở lại tập luyện, lấy lại tự tin để quay trở lại với công việc. Từ kinh nghiệm của bản thân, chị cho rằng người mẹ khi trở lại với công việc sẽ cần học cách tin tưởng và trao quyền cho người hỗ trợ, phân chia thời gian hợp lý và chọn lựa ưu tiên, chủ động trong suy nghĩ, tiết chế được cảm xúc và đồng thời tìm kiếm sự đồng cảm chia sẻ từ gia đình và đồng nghiệp. “Điều quan trọng nhất, bạn phải thực sự biết mình muốn gì?”, chị Vân chia sẻ.
Phoenix Hồ kể: “Khi bắt đầu làm mẹ, có rất nhiều người bị giằng co giữa hai vai trò: người mẹ và người lao động. Chúng ta nghĩ mình có thể làm tốt cả hai, mình có thể sắp xếp mọi chuyện. Tuy nhiên sự ra đời của một đứa trẻ có thể làm đảo lộn mọi kế hoạch. Vì thế, cần xác định vai trò chính và vai trò kia phải lùi lại một bước”.
Phoenix đã xác định và lựa chọn làm mẹ là ưu tiên số một trong giai đoạn 5 năm đầu đời của con. Chị chấp nhận việc sự phát triển trong nghề nghiệp của bản thân sẽ chậm lại. Và trên thực tế, kế hoạch của Phoenix đã kéo dài đến 10 năm.
|
Ngoài ra, để sự ra đời của những đứa con không ảnh hưởng quá nhiều đến sự nghiệp cũng như cuộc sống của người mẹ, cần thiết có sự bàn bạc và ra quyết định từ cả hai vợ chồng. Nếu người mẹ chọn lùi lại thì vấn đề tài chính trong gia đình sẽ như thế nào, người mẹ phải có toàn quyền sử dụng quỹ gia đình. Nếu người mẹ chọn đi làm thì ai sẽ là người đồng hành (ông bà, bảo mẫu…). Người phụ nữ nên cùng bạn đời ra 1 bản kế hoạch và khi “có chuyện” thì cùng nhau giải quyết, cùng vượt qua, tránh tình trạng trách cứ đổ lỗi cho nhau.
Và trước khi quyết định có con, hãy tự hỏi bản thân có sẵn sàng trở thành người mẹ, người cha suốt đời hay không? Có đủ tài chính để nâng đỡ một đứa bé trong 5 năm đầu đời mà không cần đi làm quá nhiều hay không? Và cuối cùng, hãy trò chuyện để xem bạn đời của bạn có muốn/thích hợp làm cha mẹ hay không?