"Vé số đây cô bác ơi, vé số chiều xổ đây bà con ơi"…
Tiếng rao run run của bà cụ U90 trên đường hẻm dưới trời nắng đứng bóng xua tan đi không khí yên ắng của buổi giữa trưa. Nhưng cả khu phố này, cụ bà Trần Thị Hường (84 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) đã không còn xa lạ gì vì họ chính là khách quen của bà cụ.
Bán không ngày nghỉ
Trên giấy tờ, cụ Hường sinh năm 1939, nhưng theo lời cụ kể, cụ sinh năm 1933, tức là đã 90 tuổi – 90 năm gắn bó với đất Q.8. Cụ có 3 người con, nhưng chồng, con đầu và con út đều mất khi ngoài 50, giờ đây, cụ sống với bà Vũ Thị Huệ (62 tuổi, là người con giữa).
Tiếng rao vé số tuổi xế chiều của mẹ già U.90
30 năm trước, vì nhiều biến cố trong gia đình, cụ bán nhà và bắt đầu kiếp ở trọ dai dẳng đến ngày hôm nay. Ngày còn khỏe, cụ Hường đẩy xe bún riêu đi bán dọc đường Ba Đình, người dân quanh đây quen gọi là "bà Sáu bún riêu". Hai chục năm trở lại đây, truyền nghề cho con gái, cụ chuyển qua bán vé số.
Tóc bạc trắng, da nhăn nheo chi chít vết đồi mồi, giọng run run, cụ bà kể, bà lãnh 50 tờ vé số đi bán mỗi ngày kiếm 50.000 đồng vì muốn phụ con tiền nhà trọ. "Con chim có tổ, con người phải có cái nhà. Mà mình không có nhà, chỉ có hai bàn chân bàn tay nên phải tự kiếm cuộc sống. Mục tiêu của tôi tháng nào là phải kiếm đủ tiền để phụ con đóng tiền nhà tháng đó chứ để trễ, người ta nói tội nghiệp", cụ bà nói.
Không muốn là gánh nặng cho con, cụ bà luôn nói với con rằng ăn cơm với mắm, nước tương cũng được, miễn là có cơm vào bụng
Vũ Phượng
Dù một bên mắt đã không còn thấy đường, một bên tai không nghe được và mắt còn lại chỉ nhìn thấy 30%, cụ Hường vẫn đều đặn mò mẫm đi bán quanh xóm. Cụ thường mặc đồ bộ, xăn ống quần, đội chiếc nón lá vừa đi vừa rao. Tiếng rao nhỏ xíu, run rẩy cùng bóng dáng lưng còng của bà cụ nặng chỉ 29 kg khiến nhiều người xót xa.
"Tôi cứ đi vậy đó, mệt thì kiếm chỗ ngồi nghỉ. Bán từ 9 giờ sáng đến 12 giờ, 1 giờ trưa hết vé số thì về. Cuộc đời khổ tôi không trách ai hết, mình còn khỏe là còn làm thôi. Mùng 1 tết trong nhà còn nửa ký gạo, hai mẹ con vẫn nấu ăn rồi mùng 2 đi bán, ngày nào cũng bán", cụ Hường tâm sự.
Ước mơ của mẹ…
Gần 4 năm trước, con gái út của bà nhập viện vì bị lao, thần kinh tọa, tim,… rồi mất ở bệnh viện. Bao nhiêu tiền trong nhà đã dồn hết cho viện phí, khi đó cụ bà lại đi từ đầu hẻm tới cuối hẻm xin tiền hàng xóm để lo đám tang cho con.
Nhà theo Công giáo, cụ Hường nhớ rõ được ai giúp đỡ đều đọc kinh nguyện cầu bình an cho sự chia sẻ của bà con xung quanh. "Tôi vẫn hay nói với con gái, ít tiền cũng không sao, hấp cơm lại ăn được rồi, má không cần gì hết, má cần miếng cơm ăn cho no bụng thôi, nước tương, nước mắm có gì ăn cái đó", cụ bà kể lại.
Bà Huệ cũng cho hay, nối nghiệp mẹ, giờ đây bà đẩy xe đi bán bún riêu từ 15.000 – 25.000 đồng/tô. Mỗi ngày bán được 5 – 6 kg bún, lời khoảng 200.000 đồng. Ngoài tiền nhà trọ, cơm nước, hai mẹ con thỉnh thoảng tốn thêm tiền thuốc men.
Mái tóc cũng đang bạc hết nửa đầu, bà Huệ tâm sự: "Nhìn mẹ già mà phải đi bán tôi cũng đau lòng lắm mà biết sao bây giờ. Tôi khuyên má ở nhà vì trời nắng quá, mà má nói đi bán cho khuây khỏa người, lại có thêm tiền đóng tiền nhà".
Cụ Hường đang sống cùng con gái 62 tuổi trong nhà trọ ở Q.8
Vũ Phượng
Hàng tháng, cụ Hường được hưởng trợ cấp người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo với mức hỗ trợ 720.000 đồng/tháng. Hai mẹ con cũng được phường tặng bảo hiểm y tế để thăm, khám sức khỏe.
Trong căn nhà trọ vừa chuyển đến từ trước tết, cụ bà thờ nhìn di ảnh con gái cầu nguyện, rồi lại len lén lau nước mắt. Ngồi bệt xuống đất, cầm tô cơm với miếng cá khô, cụ bà móm mém nhai chậm rãi cùng ly nước lọc. Vậy mà thấy thợ đến xóm trọ sửa ống nước, cụ bà vẫn nhiệt tình ra hỏi: "Con uống cà phê không bà mua cho".
Bà Trương Kim Phụng (71 tuổi, tổ phó tổ 9, KP.1, P.8, Q.8) cho biết, cả xóm đã không còn xa lạ gì với hình ảnh cụ Hường đi bán vé số. Mỗi tháng, bà Phụng có đại diện nhóm từ thiện tặng cụ Hường 500.000 đồng và 5 kg gạo, mì gói, sữa, đường, dầu ăn.
"Thấy bà thương lắm, nhìn lớn tuổi vậy rồi mà suốt ngày đi bán. Thấy bà đi nắng quá tôi nói thôi bà nghỉ ở nhà đi mà bà kêu quen rồi cô ơi", bà Phụng chia sẻ.
Bình luận (0)