Cùng con đối đầu thử thách
Gần 2 giờ sáng, khu vực sân đấu tại cổng chính Ngee Ann City - một trong những trung tâm thương mại cao cấp ở Singapore, đã vãn người qua lại, bà Nguyễn Thị Quyền với mái tóc đã lấm chấm bạc vẫn kiên nhẫn nán lại. Đôi tay chai sần vịn chặt vào khung sắt của rào chắn, cặp mắt bà đăm chiêu hướng về góc sân. Ở đó, bên cạnh chiếc Subaru Forester màu trắng, Mai Hồng Phát - cậu con trai của bà vẫn đang vật vã với cơn buồn ngủ cùng đôi tay bắt đầu tê mỏi sau gần 2 ngày thi đấu.
Phát là một trong 10 thí sinh đại diện Việt Nam tham gia vòng chung kết Subaru Palm Challenge 2019. Cuộc thi về sức bền có quy mô và thách thức lớn bậc nhất châu Á, được hãng xe Nhật Bản tổ chức thường niên từ năm 2002 đến nay. Điểm đặc biệt của cuộc thi này nằm ở chỗ, để thắng cuộc, người chơi trước hết phải chiến thắng bản thân mình và vượt qua những giới hạn thể chất và ý chí. Thoạt nghe qua, có lẽ nhiều người vẫn không thể hình dung và càng không thể tin vào điều này. Bởi lẽ cứ theo thể thức thi đấu, nếu chỉ đứng cần một chỗ và giữ yên bàn tay tại vị trí quy định thôi thì có gì là thử thách… đến mức “đánh đố” cả thể chất lẫn ý chí?
|
Nhưng thực tế là như vậy. 4 ngày tận mắt chứng kiến và theo sát Phát cũng như các đồng đội thi đấu, chúng tôi đã “thấm thía” phần nào sự khắc nghiệt của cuộc thi này. Có thể khái quát cho dễ hiểu. Khi bạn ghé qua Ngee Ann City và xem thí sinh thi đấu ngày đầu tiên, sẽ hoàn toàn lý trí khi bạn nhận định Subaru Palm Challenge “quá bình thường”, thậm chí dễ dàng. Nếu trở lại vào ngày thứ 2, bạn cũng sẽ chép miệng và đơn giản cảm thấy các thí sinh “thật bền bỉ”. Nhưng, khi bạn có thêm thời gian và quay lại sân đấu vào ngày thứ 3 hoặc thứ 4, hẳn bạn sẽ phải trầm trồ và thốt lên: “thật phi thường!”. Là bởi khi đó, bạn sẽ không thể tin vào mắt mình vì ý chí sắt đá của những con người còn sót lại, sau hơn 3 ngày dãi nắng dầm sương, và gần như không ăn không ngủ. Những đôi mắt quầng thâm, một vài đôi chân sưng tấy vì tụ máu, và quan trọng hơn, những bàn tay gân guốc mỏi nhừ vẫn gắng gượng bám trụ.
Đó mới là cái khắc nghiệt của thử thách “sức bền và ý chí”, như cách mà Suburu nói về giải đấu thường niên của họ. Sự khắc nghiệt giống như những cơn mưa dầm buốt lạnh, càng lâu càng thấm. Nó cũng lý giải vì sao, từ 400 thí sinh dự thi ban đầu, đến những ngày thứ 3 chỉ còn lại khoảng 30 người đủ sức chịu đựng. Và cũng thật tự hào vì trong đó vẫn còn 2 đại diện của Việt Nam là Phạm Hồng Phát (con trai bà Quyền) và người đồng đội Lê Văn Quốc.
|
Đứng tựa cằm vào rào chắn ở sân đấu, nhìn con trai mái tóc rối bù, đôi mắt ngoi ngóp gắng gượng, bà Quyền lại xót xa. Theo quy định từ Ban tổ chức, mỗi ngày người nhà có 5 phút được vào thăm thí sinh. Trong ngần ấy thời gian ngắn ngủi, nhìn cảnh con ngấu nghiến nhai vội trái chuối, xoa bóp đôi chân rã rời cho con mà nước mắt bà cứ chực chờ. Từ ngày cùng con tham gia cuộc thi, bà Quyền không đêm nào chợp mắt được vì thương và lo cho con. “Phát hắn ý chí và nghị lực lắm, ban đầu nghe nó tham gia thử thách này cô cũng ngăn cản nó vì sợ ảnh hưởng sức khỏe, nhưng thấy nó quyết tâm, cô cũng chỉ biết động viên con cố gắng, hi vọng nó vượt qua thử thách”, bà quyền bùi ngùi kể.
Khát khao chiến thắng bản thân
Để có thể trụ vững hơn 50 giờ đồng hồ, bên cạnh ý chí sắt đá, Mai Hồng Phát và Lê Văn Quốc đã trải qua quá trình tập luyện gian nan và khắt khe. Phát kể, trước khi sang Singapore tham dự vòng chung kết, dù bận rộn công việc, mỗi ngày anh đều cố gắng “luyện công”. Ban đầu là tập chạy bền, đá bóng để rèn đôi chân dẻo dai. Tiếp đến, mỗi đêm sau khi vợ yên giấc, Phát tự mình vẽ hình bàn tay lên tường và tập “đứng tấn” để quen tay và rèn khả năng thức khuya. Thậm chí, nhiều hôm Phát còn “nhờ vả” người quen cho cho phép leo lên ngọn hải đăng ở Long Hải để “dầm mưa” và rèn khả năng chịu đứng với thời tiết khắc nghiệt.
|
Trong khi đó, Lê Văn Quốc mới thực sự là một “chiến binh” bền bỉ. Lần thứ 4 tham dự cuộc thi, Quốc gần như vẫn còn giữ nguyên khát khao chiến thắng bản thân mình. Quốc kể, mục tiêu lớn nhất của anh là chinh phục được thử thách của Subaru Palm Challenge. “Chiến thắng thử thách mới là chiến thắng bản thân”. Với khát khao mãnh liệt đó, suốt nhiều năm qua, mỗi mùa thi đấu, Quốc lại tự lên “giáo án” tập luyện thật khắt khe.
|
Theo chia sẻ của Quốc, khó khăn nhất đối với thí sinh khi tham gia Subaru Palm Challenge chính là ảo giác. Bởi lẽ, việc đứng và giữ yên bàn tay một chỗ nhiều ngày đòi hỏi thí sinh phải duy trì trạng thái tập trung cao độ, và thậm chí nhiều đêm cũng không được ngủ. Điều này sẽ khiến thần kinh căng thẳng khi phải làm việc không ngừng nghỉ, dễ dẫn đến ảo giác và tự bỏ cuộc. Chính vì vậy, để chinh phục được mục tiêu, bên cạnh tập luyện đôi chân dẻo dai, Quốc còn tự thách thức chính mình với những màn “thi thử” khắc nghiệt chẳng kém gì vòng chung kết. Đó là những lần nhốt mình trong phòng suốt nhiều ngày, thức xuyên đêm và đặt bàn tay lên tường để cơ thể học cách thích nghi.
Chính sự nỗ lực và kiên trì tập luyện, ở giải đấu năm nay, Lê Văn Quốc trở thành thí sinh Việt Nam xuất sắc nhất và là á quân của Subaru Palm Challenge 2019, với kết quả phi thường gần 77 giờ “chạm tay vào ô tô”, chỉ chịu thua đối thủ đến từ Thái Lan Siripong Toosadee. Trước đó, Phạm Hồng Phát đã dừng bước ở ngày thứ 3 vì đôi chân sưng tấy và thần kinh bắt đầu sinh ảo giác.
|
Mặc dù không thể vô địch và chạm tay đến giấc mơ ô tô, nhưng những nỗ lực của Phạm Hồng Phát và Lê Văn Quốc xứng đáng được trân trọng. Họ là những “chiến bình” Việt với hoài bão lớn. Và hơn hết, những con người luôn khao khát xây dựng ước mơ từ chính nghị lực, ý chí của mình.
"Tổ chức lần đầu từ năm 2002, Last Palm Standing – Mediacorp Subaru Car Challenge là một trong những cuộc thi về sức bền có quy mô và thách thức lớn nhất tại châu Á. Cuộc thi này được tổ chức thường niên tại Singapore và đều đặn mỗi năm thu hút hàng trăm thí sinh tham dự, đến từ nhiều quốc gia khu vực bao gồm: chủ nhà Singapore, Campuchia, Trung Quốc, Hồng Kong, Malaysia, Phillippines, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.
Năm nay giải ghi nhận có 400 thí sinh tham dự vòng chung kết, diễn ra từ ngày 02-05.11.2019, trong đó có 10 thí sinh đến từ Việt Nam. Theo thể lệ cuộc thi, các thí sinh phải đặt bàn tay phải của mình vào vị trí decal hình bàn tay trên xe Subaru Forester theo số bốc thăm ngẫu nhiên, đồng thời đứng và giữ nguyên bàn tay không được rời khỏi xe. Đặc biệt thí sinh chỉ được nghỉ ngơi 5 phút để ăn uống và đi vệ sinh sau mỗi 6 giờ thi đấu. Giải thưởng cho người thắng cuộc là tiền mặt và một chiếc xe Subaru trị giá gần 1 tỉ đồng." |
Bình luận (0)