Chị đã vô tình đem đến cho con những mất mát, tổn thương bởi những việc làm vi phạm pháp luật của mình. Nhưng có một sự thật không thể phủ nhận, chị là một người mẹ rất mực thương yêu con.
“Thật lòng mà nói, phải đem bệnh tật của con ra để biện minh cho hành vi sai trái của cha mẹ đó là việc rất đáng hổ thẹn. Tôi biết mẹ cháu không bao giờ muốn làm như vậy. Nhưng những gì vợ tôi khai trước tòa lại là sự thật cô ạ…’’. Anh N.H (SN 1969, ngụ tỉnh Đồng Nai) mở đầu câu chuyện về bi kịch của gia đình mình bằng việc đưa tập hồ sơ bệnh án dày cộp của con gái cho tôi xem.
Nghĩ quẫn, làm liều
Anh chị có 3 người con, cháu thứ hai là N.Q.H có dấu hiệu sức khỏe không tốt từ năm lên 4. Nhiều lần anh chị đưa con đi khám nhưng vẫn không phát hiện được Q.H bị bệnh gì. Năm 2007, khi Q.H lên 10, bỗng dưng mắt không nhìn thấy, chân bị liệt, nhiều lần ngất xỉu, anh chị quyết định đưa con lên TPHCM chạy chữa. Xét nghiệm nhiều lần, cuối cùng, bác sĩ kết luận Q.H bị viêm thần kinh thị, teo thần kinh thị hai bên.
|
Anh làm thợ mộc, chị buôn bán nhỏ tại nhà, có một ít tiền dành dụm, anh chị đổ vào tiền thuốc cho con nhưng chút vốn liếng ít ỏi đó cũng chỉ có thể giúp họ cầm cự một thời gian. “Bác sĩ nói bệnh này không chữa trị dứt điểm được, phải uống thuốc cả đời, vào ra bệnh viện liên miên... Cô xem, uống mãi mấy thứ thuốc ấy, bây giờ cơ thể cháu phù cả lên, nhìn tròn trĩnh nhưng mà mập bệnh đấy…’’- anh H. nhìn con đau xót.
Năm 2009, Q.H phải nhiều lần nhập viện vì bệnh trở nặng. Trong lúc tiền bạc cạn kiệt, tình cờ chị nghe người bạn tên C.T.T nói chuyện đang giữ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của anh trai, trong đầu chị lóe lên một ý nghĩ liều lĩnh. Chị bàn bạc cùng T. làm giả hai loại giấy tờ trên đem đi thế chấp vay tiền. Có giấy tờ nhà đất giả, chị giới thiệu người để T. thế chấp vay 150 triệu đồng, chị lấy 100 triệu đồng chữa bệnh cho con, T. lấy phần còn lại.“Cô ấy giấu tôi chuyện tày đình này, chỉ nói tiền mượn của bạn bè, cho đến khi sự việc vỡ lở. Nghe cô ấy vừa khóc vừa nói mà tôi run sợ, không biết phải làm sao để cô ấy không phải ở tù. Cuối cùng, chúng tôi quyết định qua nhà mẹ vợ ở nhờ, bán căn nhà nhỏ - tài sản duy nhất của hai vợ chồng - để trả lại tiền cho người ta, còn lại thì trả nợ, thuốc men chữa bệnh cho con. Nhưng rồi cô ấy vẫn bị bắt…’’. Anh H. nhìn chăm chăm vào người vợ đang ngồi phía sau vành móng ngựa, thở dài như muốn trút đi đắng cay và cả sự âu lo, hồi hộp khi chờ đợi sự phán quyết của tòa phúc thẩm.
Cơn bão đã qua
Suốt 1 năm 3 tháng 16 ngày chị bị tạm giam, cháu Q.H nhập viện đến 5 lần, hai mắt không nhìn thấy, hai chân hoàn toàn bị liệt. Gửi 2 con nhỏ cho mẹ vợ đã gần 80 tuổi chăm sóc, anh vừa lo kiếm sống vừa cùng Q.H chiến đấu với bệnh tật. “Cháu nằm một chỗ, phải mặc tã giấy, không có mẹ cháu nên mọi việc tôi phải làm. Khổ nhất là những ngày cháu hành kinh, tôi thì lúng túng, còn cháu thì xấu hổ…’’- anh H. thở dài.
Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt chị bằng thời gian tạm giam, tuyên trả tự do ngay tại tòa. Trở về nhà, nhìn cảnh con ngồi xe lăn, mắt trái đã mù, mắt phải chỉ nhìn thấy mờ mờ, chị bật khóc vì thương con và giận mình. Bỏ qua mặc cảm, chị mở quán cơm tại nhà mẹ, cùng anh ngày ngày tập vật lý trị liệu cho con. Ngày Q.H đi được lẫm chẫm, chị nhận được kháng nghị của VKSND tỉnh Đồng Nai đề nghị tăng hình phạt đối với chị. Cả nhà lại sống trong phập phồng lo sợ. Nếu tòa phúc thẩm chấp nhận kháng nghị, Q.H sẽ ra sao? Cháu vẫn chưa khỏe hẳn và rất cần sự chăm sóc chu đáo của người mẹ.
“Vì sao biết sai mà bị cáo vẫn không dừng lại?’’ - vị chủ tọa tòa phúc thẩm hỏi. “Dạ, vì T. nói không có tiền đóng lời, sự việc lộ ra sẽ bị bắt cả đám, bị cáo lo sợ nên đã nghe theo…’’- chị lập cập khai. Sau lần đó, thấy dễ kiếm tiền, T. dùng áp lực buộc chị nhờ người lần trước làm giả 2 bộ hồ sơ khác chiếm đoạt tổng cộng hơn 460 triệu đồng. Số tiền ấy chị hoàn toàn không được hưởng một đồng nào. Nhưng chính hành vi giúp sức này đã khiến chị và gia đình phải khốn khổ.
Hôm tòa xử phúc thẩm, Q.H một hai đòi đi theo cha mẹ, nói là sợ mẹ bị bắt đi tù lần nữa. Chưa đủ tuổi để có thể hiểu hết về nội dung phiên tòa nhưng Q.H cứ nhấp nhổm không yên, khuôn mặt dại đi mỗi khi mẹ bị thẩm vấn. Chồng chị cũng không giấu được nỗi âu lo, căng thẳng dõi theo diễn biến phiên tòa và từng lời tuyên án. Để rồi khi HĐXX tuyên bác kháng nghị, giữ nguyên án sơ thẩm, cả nhà họ ngẩn ra, đứng bất động cho đến khi được nhắc nhở phiên tòa đã kết thúc, họ chạy đến ôm chầm lấy nhau, bật khóc vì quá đỗi vui mừng.
Trước pháp luật, người mẹ ấy có tội nhưng với Q.H, “mẹ không phải là người xấu” bởi đã yêu thương cháu bằng một tình yêu vô bờ.
Không cần thiết tăng án Nhận định rằng với vụ lừa đảo đầu tiên, bị cáo T.T.A (SN 1972, tỉnh Đồng Nai) giữ vai trò chủ mưu; 2 vụ sau, bị cáo A. giữ vai trò đồng phạm giúp sức, phải liên đới chịu trách nhiệm hình sự về việc C.T.T (đã bị tuyên phạt 7 năm tù) chiếm đoạt 460 triệu đồng (dù bị cáo A. không hưởng số tiền này), VKS đề nghị áp dụng khoản 4 điều 139 BLHS, tuyên phạt bị cáo A. từ 2-3 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. HĐXX cấp phúc thẩm nhận định đối với 2 vụ sau, bị cáo A. có hành vi giúp sức cho C.T.T nhưng không có ý thức chiếm đoạt tiền của người bị hại và thực tế bị cáo A. không có hưởng lợi cùng T., không cần thiết phải quy trách nhiệm hình sự để xử lý A. về hành vi này. Hơn nữa, xét hoàn cảnh bị cáo thực sự khó khăn, con đang bệnh vì vậy không cần thiết phải tăng án. |
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)