Mẹ liệt sĩ minh mẫn tuổi 120

04/10/2011 16:59 GMT+7

Hai đời chồng, sinh hạ 15 người con, suốt một đời chỉ biết làm nghề nông và dệt vải cung ứng cho bộ đội, sống khỏe mạnh tới 120 tuổi mà chưa một lần ốm đau nằm viện. Gần như là chuyện có một không hai, về nhiều kỷ lục…

Lấy chồng từ thuở 15, nay đã 120 tuổi, ngày ngày vẫn luôn miệng nhắc nhở cháu chắt học hành và chăm lo đồng áng – cụ là Nguyễn Thị Dã, sinh năm 1891 tại thôn Chánh Hội, xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.


Cụ Dã (thứ hai từ phải sang) và 3 người con dâu Ảnh: V.H

Hoa khôi của làng

Sáng 1-10, chúng tôi có mặt tại UBND xã Mỹ Cát, đúng lúc địa phương và Hội người cao tuổi tổ chức lễ cho các cụ nhân Ngày quốc tế người cao tuổi. Các cụ già và cháu con thay mặt đến nhận quà tròn xoe nụ cười, nói cười vui vẻ …

Tìm đến nhà cụ Dã vào buổi trưa. Nhận món quà nhỏ từ tay PV Tiền Phong, cụ Dã nhìn không rõ, mân mê và hỏi: “Cái gì đây con, hôm nay là ngày gì ?”. Người con dâu út, bà Nguyễn Thị Phước, 70 tuổi dẫn lời: “Hôm nay là ngày dành cho người cao tuổi đó thưa má. Năm nào cũng vậy có ai biết, để ý gì đến mấy ngày lễ nghĩa này đâu, cảnh nhà nông đầu tắt mặt tối là quên hết à”. Cụ Dã liền nhắc con dâu: “Bảo cháu nó nấu cơm, lấy mực ra kho cho các cháu từ xa đến ăn kẻo để tụi nó đói…”

Cả đời tui đã khổ, mai này có chết đi cũng chỉ mong con cháu no đủ, không thiếu ăn là được rồi. Tui hổng dám mong gì hơn nữa đâu

Cụ Nguyễn Thị Dã
Người con gái lớn tuổi nhất còn sống, bà Nguyễn Thị Sâm 95 tuổi cho biết: “Má tui nổi tiếng là người xinh đẹp ở xứ này, khi Ba lớn (chồng trước của cụ Dã - PV) mất, má vẫn còn trẻ đẹp lắm nên Ba nhỏ (chồng sau) cũng chết mê chết mệt vì má”.

Theo lời bà Sâm, 3 người anh con của Ba lớn đều mất ở độ tuổi xấp xỉ 100. Khi cụ Dã lấy người chồng sau sinh hạ thêm 12 người con thì 1 người đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hiện còn sống 5 người đều trên tuổi 70. Tổng cộng con cháu cụ Dã đến nay vẫn chưa có thống kê chính xác, nhưng mọi người đều khẳng định phải trên 100 con, cháu, chắt đang ở trong làng và các vùng xa khác.

Ông Nguyễn Thái Binh, 72 tuổi con thứ 10 của cụ Dã, nói: “Sở dĩ chúng tôi chưa thể biết hết con số cháu chắt của má là vì má còn sống khỏe mạnh nên cả gia đình chưa ai nghĩ đến việc phải thống kê lại. Giờ mọi người hỏi mới sực nhớ, nay mai chúng tôi phải nghỉ công việc để đếm lại”.

“Tui hổng dám mong gì hơn”

“Có thể nhiều chuyện tôi không nắm hết nhưng riêng về lý lịch đại gia đình họ Nguyễn (trong đó có cụ Nguyễn Thị Dã) địa phương nắm rất rõ. Cụ Dã đã mất hết giấy tờ tùy thân, còn lại mỗi cuốn sổ hộ khẩu từ ngày xưa để lại ghi rõ năm sinh của cụ và chiếu theo độ tuổi của người con trai đầu trên 100 tuổi của cụ đã mất cách đây mấy năm thì hoàn toàn khớp” - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Cát Trần Bá Bảy cho biết.

Theo lời ông Bảy, cả 3 đời nhà cụ Dã chỉ trung thành với nghề nông thuần khiết, sống đôn hậu số một trong làng, dù họ không giàu có gì nhưng kinh tế gia đình ổn định, trong dòng tộc chưa để lại điều tiếng ảnh hưởng xóm làng. Con cháu cụ Dã cũng thuộc hàng đông số một tại tỉnh Bình Định. Mặc dù không có ai nổi danh làm lớn nhưng cảnh nhà nông vẫn thể hiện sự gắn kết keo sơn, trước sau như một giữa mẹ chồng, con dâu, cháu dâu và chắt chít của cụ.

Con trai thứ 10, Nguyễn Thái Binh nói: “Chỉ mới một năm nay bà cụ chân run không đi lại được, mắt hơi mờ không nhìn thấy rõ nhưng đầu óc thì vẫn minh mẫn. Cụ luôn miệng dạy dỗ, nhắn nhủ con cháu siêng năng lao động và sống chân thực, dạy mấy đứa chắt không được nghịch ngợm khi ông bà, cha mẹ đi làm đồng”.

Ngồi một chỗ, cụ Dã vẫn hỏi con dâu út Nguyễn Thị Phước mỗi ngày ba lần về việc ruộng vườn. Nào là ruộng đồng trên cơ nước không, mấy miếng đồng dưới hợp tác xã có lấy đi chia lại không. Nếu lúa chín thì gặt về khỏi gặp bão đổ xuống ngâm nước mọc mầm… khiến bà con dâu không thể rời tay, rời mắt mỗi khi bà cụ chỉ bảo.

Cụ Dã nói: “Cả đời tui đã khổ, mai này có chết đi cũng chỉ mong con cháu no đủ, không thiếu ăn là được rồi. Tui hổng dám mong gì hơn nữa đâu”. Giọng nói cụ Dã đã có phần ngọng nghịu, thế mà nhất cử nhất động của con dâu, cháu dâu bà cụ đều để ý và nhắc nhở từng chút.

Xã đại thọ

Cụ Lê Văn Cư - Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Mỹ Cát, tâm sự: “Cụ Dã thời còn trẻ vừa đẹp người lại đẹp nết. Ngoài công việc gia đình, chồng con cụ lại thức đêm dệt vải để gửi cho các chú bộ đội làm chăn. Thời đó nhà nông khó khăn dữ lắm, thương con trai đi bộ đội thiếu thốn, bà cụ dồn hết tình thương của mình cho các chú bộ đội đóng quân trong làng. Đến khi nhận được giấy báo tử của con trai, cụ như chết lặng, vẫn ngày đêm dệt vải, đưa cơm cho bộ đội - những đứa con trai của các bà mẹ khác”.

Theo cụ Cư, hiện trong xã ngoài cụ Dã 120 tuổi, và 3 cụ thọ 103 tuổi, số cụ gần 100 tuổi khá nhiều. Thống kê của xã Mỹ Cát, xã có 1.023 người có độ tuổi từ 70 trở lên. Trong đó mới chỉ tổ chức lễ mừng thọ cho 134 người, số còn lại 889 người cao tuổi xã vẫn chưa thể tiến hành tổ chức mừng thọ cho các cụ được. Ông Phó Chủ tịch xã Mỹ Cát Trần Bá Bảy nói vui: “Tui tin chắc rằng trên đất nước này, cụ Dã đạt kỷ lục là người mẹ liệt sĩ còn sống nhận tiền tuất liệt sĩ của con trai lâu nhất !”.

Hiện cụ Dã sống với vợ chồng người con trai út Nguyễn Cảnh (70 tuổi) cùng cháu, chắt gồm 8 nhân khẩu. Hằng năm những ngày lễ, ngày truyền thống, các hội đoàn địa phương vẫn đến thăm. Cảnh nhà nông tuy nghèo nhưng cụ chưa một lần trách cứ ai, bản thân cụ và gia đình thấy mãn nguyện khi cụ đã tròn 120 tuổi mà vẫn chưa phiền hà con cháu trong việc ăn uống và vệ sinh cá nhân. Năm ngoái, cụ Dã vẫn làm được việc nhà, phơi phóng, nấu nướng thay cháu dâu, thỉnh thoảng còn ra đồng bắc nước về ruộng…

Năm 2009, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về thăm và tặng thiệp mừng thọ cụ Nguyễn Thị Dã tròn 118 tuổi. Ngày 1-10-2011, Hội người cao tuổi Bình Định đã xác lập hồ sơ xác nhận cụ bà Nguyễn Thị Dã, sinh năm 1891 là người sống thọ nhất tỉnh Bình Định từ trước tới nay.

Trăm nghe không bằng một thấy, sống được như cụ Nguyễn Thị Dã chỉ có một trên đời

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.