Nhật báo Le Monde uy tín của Pháp ngày 8/12 có bài giới thiệu của Thomas Sotinel tựa đề "Mê Thảo - Thời vang bóng của Việt Linh - Sự quyến rũ đắm chìm trong thế giới xa lạ - Làm sống lại một quá khứ đã mất...". Tác giả viết: "Lấy một tiểu thuyết làm nền, tác phẩm này quyến rũ người xem chính ở thế giới xa lạ của nó. Những cảnh đồng quê VN vào đầu thế kỷ trước; âm nhạc bác học mà các nhân vật chính đàn hát hay thưởng thức; mối tương quan phức tạp giữa chính quyền thuộc địa - vắng mặt trên màn ảnh nhưng hiện diện rất rõ - và giới thượng lưu; tất cả làm thành chất liệu truyện phim và càng mê hoặc khi nó hoàn toàn mới lạ đối với khán giả Pháp. Nhờ đó mà Mê Thảo ít bị ảnh hưởng bởi sự khô cứng trong phần đạo diễn - khung hình chăm chút điệu nghệ nhưng đôi khi bóp nghẹt tính năng động của các trường đoạn, cách điều khiển nhân vật để lộ ra những diễn viên không vững vàng - cũng như vài sai sót về gu đáng ngạc nhiên (các bài hát biểu diễn trong phim mê hồn bao nhiêu thì âm nhạc cận đại sáng tác cho phim càng chói tai bấy nhiêu). Chủ đề chính của phim - khát khao vô vọng làm sống lại một quá khứ không ngừng trôi mất - tạo nên một cảm xúc hoài niệm dịu dàng, biến Mê Thảo thành một thú vị thoáng qua và hiếm có"...
Les Inrockuptibles, tạp chí văn hóa - xã hội của giới thanh niên Pháp, ngày 8/12 cũng có bài của tác giả Vincent Ostria với tựa đề "Mê Thảo - Thời vang bóng - Một bộ phim mélo chống thực dân đầy những sắc thái quá đẹp". "Cho dù cách chiếu sáng trực tiếp làm cho hình ảnh bị giả tạo, bộ phim mélo khúc khuỷu này đã tạo dựng nên đủ loại hình ảnh ấn tượng. Ví như việc lặp lại một cách độc ác sự ghen tình: phẫn nộ thấy chủ làm tình với tượng gỗ - thay thế người yêu đã mất - người đầy tớ gái mang vứt nó xuống hồ; để trả thù, người chủ bắt cô chịu số phận tương tự và tái diễn y hệt các hành động ghen tức của cô. Một điều quan trọng khác mà bộ phim nói lên một cách tương đối tế nhị: bước đầu của chủ nghĩa chống thực dân - mầm mống của cuộc chiến tranh Đông Dương. Quyến rũ"...
Telerama, tuần báo chuyên luận văn hóa nghệ thuật, ngày 8/12 có bài Mê Thảo - Thời vang bóng của tác giả Jacques Maurice. "Nữ đạo diễn người VN (đây là bộ phim thứ bảy của bà) mô tả một thế giới xã hội và tình cảm đóng kín, không muốn nghe tiếng gọi của văn minh hiện đại - một thế giới trong đó chủ cũng như tớ đều bám vào những giấc mơ đã mất... Căn bệnh tình yêu và tâm hồn này, tình trạng đờ đẫn từ từ lây lan ra cả cộng đồng này không thể không mê hồn người xem, cho dù cái nhìn hơi xa cách, có xu hướng làm cho các hoàn cảnh phim bất động. Dù sao, giữa cảnh thả đèn trời tuyệt vời và màn đàn hát song đôi hoàn thiện trong cái chết, bộ phim cũng dành cho người xem nhiều mảnh chớp thơ ca...".
Một số báo khác cũng đưa thông tin trong ngày 8/12. Nhật báo Le Figaro nhận xét: "Một câu chuyện đẹp nhưng đạo diễn và diễn xuất chật vật...". Nhật báo L'humanité: "Một chủ đề khá tinh tế vì ẩn kín trong bức tranh của phong kiến suy đồi là những suy tư về chủ nghĩa thực dân...". Zurban - tuần báo văn hóa giải trí viết: "Xa cách với tính chất bồng bột của một mảng điện ảnh châu Á, bộ phim quyến rũ bởi ngôn ngữ dung dị và thanh nhã...". Aden - đặc san văn hóa giải trí, ngày 9/12: "Một cách nhìn khá ác nghiệt, đôi lúc với chất thơ trong trẻo như pha lê, giống như giọng ca cứu rỗi của cô đào hát..." .
Ngô Thị Kim Cúc
Theo tổng kết của trang web Allocine.com, sau 2 ngày ra mắt, Mê Thảo đã được 13 tờ báo đánh giá như sau: "Trên thang điểm cao nhất 4 sao, bộ phim được 6 lần 3 sao, 6 lần 2 sao và 1 lần 1 sao".
Bình luận (0)