Mê thể thao nhưng ba mẹ bắt thi kiến trúc, phải làm sao?

18/02/2023 05:35 GMT+7

Học sinh lớp 12 đam mê thể thao nhưng ba mẹ lại bắt học ngành kiến trúc là câu chuyện tiêu biểu của nhiều gia đình khi mùa tuyển sinh gần kề. Các chuyên gia đưa ra lời khuyên gì đối với những trường hợp này?


Cách GenZ chọn ngành có gì mới

Cách để dung hòa ước mơ cá nhân và nguyện vọng phụ huynh

Trong chương trình Tư vấn mùa thi lần thứ 25 của Báo Thanh Niên sáng 17.2, Phạm Minh Quân, lớp 12A5 Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) đặt vấn đề làm thế nào để thuyết phục hoặc dung hòa giữa sở thích cá nhân và nguyện vọng phụ huynh liên quan đến ngành học.

"Em có tình yêu lớn với thể dục thể thao nhưng ba mẹ lại bắt học kiến trúc. Bản thân em cũng phải học luyện vẽ từ lớp 10 dù không có năng khiếu...", nam sinh trải lòng.

Mê thể thao nhưng ba mẹ bắt thi kiến trúc, phải làm sao? - Ảnh 1.

Phạm Minh Quân bày tỏ băn khoăn về việc chọn ngành học tương lai khi nguyện vọng trái với định hướng của ba mẹ

ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc, giảng viên Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM, đây không phải là trường hợp cá biệt mà khá phổ biến trong mỗi mùa tuyển sinh. "Ba mẹ luôn trông mong con thành công nên muốn con chọn ngành nghề khi tốt nghiệp có công việc ổn định, thu nhập cao. Điều này đôi khi mâu thuẫn với ước mơ cá nhân của con", cô Ngọc lý giải.

Để tìm được tiếng nói chung, nữ thạc sĩ cho rằng phụ huynh và học sinh cần có buổi đối thoại nghiêm túc mà ở đó, con nên chia sẻ rõ ràng nguyện vọng, đam mê và cơ hội thành công với con đường bản thân sẽ lựa chọn, từ đó thuyết phục ba mẹ tin tưởng lựa chọn của mình. Một cách khác để trung hòa 2 quan điểm khác nhau là học văn bằng 2 hoặc song ngành, cô Ngọc nhận định.

Từng gặp nhiều trường hợp thí sinh băn khoăn liệu có nên học 2 trường hay 2 ngành cùng lúc, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cho biết bà luôn khuyến khích học sinh không nên thực hiện vì mất nhiều thời gian, công sức và "việc học tốt 1 ngành đã là nỗ lực rất lớn". "Để tránh đột ngột thay đổi ngành học, công tác định hướng, tư vấn rất quan trọng để thí sinh có thể chọn đúng ngành ngay từ đầu", bà Thủy lưu ý.

Mê thể thao nhưng ba mẹ bắt thi kiến trúc, phải làm sao? - Ảnh 2.

PGS-TS Nguyễn Thu Thủy 'hiến kế' chọn ngành học hợp lý cho học sinh lớp 12

ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo PGS-TS Thủy, quy chế của Bộ GD-ĐT cho phép sinh viên được chuyển ngành hoặc chuyển trường khi việc học còn dang dở, nhưng đi kèm với nhiều điều kiện và quá trình phức tạp, vì thế sẽ gây ra những phiền toái và hệ lụy nhất định. Để hạn chế điều này, bà Thủy gợi ý thí sinh có thể cân nhắc đến việc học song bằng trong cùng trường ĐH để tiết kiệm thời gian, chi phí. Tuy nhiên, thí sinh cần có thời gian nghiên cứu thấu đáo về khả năng cá nhân và năng lực tài chính đối với lựa chọn này.

Lưu ý gì với những ngành hút thí sinh?

Trước thực tế lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật đang ngày càng phát triển mà nổi bật gần đây là hệ thống phản hồi tự động ChatGPT, các chuyên ra nhìn nhận những ngành liên quan đến lĩnh vực này như công nghệ thông tin, cơ điện tử hay logistics đều có điểm xét tuyển cao và luôn được nhiều thí sinh quan tâm, đăng ký.

Ở ngành logistics, theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, vì liên quan đến kiến thức kinh doanh, quản lý lẫn kỹ thuật như sử dụng phần mềm nên sinh viên sẽ được giảng dạy thiên về hướng kinh doanh hoặc công nghệ tùy vào trường dự định đăng ký. Đây là điều thí sinh cần lưu ý và có thể tham khảo chương trình đào tạo từ trước để định hướng phù hợp.

Mê thể thao nhưng ba mẹ bắt thi kiến trúc, phải làm sao? - Ảnh 3.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng học sinh cần thẳng thắn đối thoại với phụ huynh về ngành học bản thân đam mê

ĐÀO NGỌC THẠCH

Còn nếu hứng thú với lĩnh vực máy tính, thí sinh cần phải phân biệt rõ giữa ngành khoa học máy tính và điện-điện tử hoặc công nghệ thông tin. Đó là vì lựa chọn thứ nhất thiên về phần mềm trong khi 2 ngành còn lại là về phần cứng, PGS-TS Nguyễn Quốc Hưng, Trưởng khoa Kỹ thuật Trường ĐH Việt-Đức, nói.

Riêng đối với lĩnh vực công nghệ sinh học, thí sinh không đủ điều kiện vào ngành y vẫn có cơ hội trở thành bác sĩ nếu theo đuổi chuyên ngành hóa dược. "Sinh viên sẽ được đào tạo để sản xuất dược phẩm và thực phẩm chức năng để phục vụ sức khỏe con người. Nếu học thêm nghiệp vụ thì các bạn có thể trở thành bác sĩ chuyên về phân tích và xét nghiệm", ông Nguyễn Đỗ Tùng, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, lý giải.

Mê thể thao nhưng ba mẹ bắt thi kiến trúc, phải làm sao? - Ảnh 4.

Nhiều học sinh lớp 11 như Trần Thiên Bảo, lớp 11A4 Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (Đồng Nai) đã sớm đặt câu hỏi về nghề nghiệp để có sự chuẩn bị tốt nhất

ĐÀO NGỌC THẠCH

Ngoài ra, chuyên gia cũng nhận định các ngành truyền thông như quan hệ công chúng, báo chí, tiếp thị số cũng luôn có sức hút với thí sinh Gen Z vì sự sáng tạo và cơ hội việc làm đa dạng.

Khi học ngành quan hệ công chúng, sinh viên sẽ được đào tạo theo định hướng ứng dụng liên quan đến hoạt động báo chí và truyền thông hiện đại, cách xử lý khủng hoảng truyền thông cũng như các thể loại báo chí khác nhau từ báo in, báo nói, báo truyền hình..., thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Vân, Phó trưởng bộ môn khoa Kế toán Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM), cho hay.

Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, thì cho rằng thị trường lao động đang "khát" nhân lực ở ngành tiếp thị số vì đây là hoạt động giúp hàng hóa "ăn sâu" trong suy nghĩ của người tiêu dùng.

Mê thể thao nhưng ba mẹ bắt thi kiến trúc, phải làm sao? - Ảnh 5.

Đông đảo học sinh đến tham dự ngày hội Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 17.2

ĐÀO NGỌC THẠCH

"Ngành tiếp thị truyền thống đã không còn tồn tại mà thay vào đó là truyền thông trên các trang mạng xã hội, công cụ tìm kiếm như Facebook, TikTok, Google... Vì thế, người học cần phải có tố chất hoạt ngôn, giao tiếp nhiều và chăm trải nghiệm", ông Tư nêu quan điểm trong chương trình Tư vấn mùa thi lần thứ 25 của Báo Thanh Niên, thu hút hơn 7.000 học sinh.

Cần làm gì lúc này?

Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính-Marketing, cho biết thời gian dự kiến thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ sớm hơn các năm trước, vào tuần cuối của tháng 6. Do đó, thí sinh chủ động ôn luyện sớm và chọn ngành phù hợp ngay từ bây giờ. "Các em cần tìm hiểu rõ phương thức xét tuyển dựa vào học bạ vì mỗi trường ĐH sẽ có yêu cầu khác nhau. Bên cạnh đó, hầu hết các trường đều có ưu tiên cho chứng chỉ ngoại ngữ trong nước và quốc tế", tiến sĩ Đạo thông tin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.