Mẹ Việt ở Đức rơi nước mắt trong ngày đầu tiên con đi học

04/09/2016 10:29 GMT+7

Việt Nam các bạn nhỏ đang sắp tựu trường. Còn hôm nay không chỉ là một ngày đặc biệt trong đời của con bé mà còn với hơn 35,000 bạn nhỏ khác ở bang Rheinland-Pfalz (Đức) là ngày đầu tiên đi học.

Reng reng reng…
Tiếng chuông đồng hồ báo thức đã điểm. Không ườn oài như mọi khi, Mina bật dậy thật nhanh lao ra phòng khách và hét lên: "trời ơi, hôm nay là ngày đặc biệt trong cuộc đời của con. Thật không thể tin được phải không, papa, mama?".
Đúng thế. Hôm nay không chỉ là một ngày đặc biệt trong đời của con bé mà còn với hơn 35,000 bạn nhỏ khác ở bang Rheinland-Pfalz: ngày đầu tiên đi học. Và với tất cả các gia đình có con đi học lớp 1 ở Đức, đây thực sự là một sự kiện trọng đại.
Chữ và những con số viết ngược
Từ trước đó nhiều tháng, các bé đã được nhiều lần tới thăm trường tiểu học, nơi mình sẽ đi học để làm quen. Cô giáo chủ nhiệm lớp 1 cũng đã biết lớp mình có những trò nào và tới thăm các bé để cô và các trò có mối quan hệ gần gũi hơn.
Ở nhà trẻ, các bạn được các cô giáo chuẩn bị tâm lý kỹ càng về việc trong năm tới mình sẽ phải làm những gì, cách thức đi học bằng xe buýt ra sao. Các bạn cũng tập viết tên mình trên các bức tranh và viết ngày tháng mình vẽ. Một lần khi con rất tự hào khoe bức tranh có viết tên mình trên đó, tôi giật mình vì con đã hơn 5 tuổi rồi, sao vẫn viết số ngược, xuôi, chữ in hoa và chữ thường lẫn lộn. Nếu mà ở Việt Nam, điều này quả thực đáng lo ngại.
Hôm sau khi cầm bức tranh tới nhà trẻ, bày tỏ sự lo lắng của mình, tôi nhận được câu trả lời từ cô giáo:
- Chị đừng lo, rồi cháu sẽ tự mình viết xuôi lại thôi.
- Tôi có nên nói với cháu rằng đó là cách viết sai và dạy cháu viết lại cho đúng không?
- Chị không phải làm gì cả. Khi cho các cháu nhìn một chữ cái hay con số, chúng tôi không dạy các cháu phải viết như thế nào, ví dụ từ trên xuống dưới hay từ trái qua phải. Các cháu phải tự quan sát và mô phỏng lại chữ cái và con số đó theo cách mà mình nghĩ. Thế nên ở tuổi này, các cháu viết ngược là chuyện bình thường vì giống như khi chúng ta soi gương thấy bên phải thành bên trái và ngược lại vậy. Dần dần, não bộ các cháu sẽ tự nhận biết được điều đó và điều chỉnh lại. Hãy để các cháu tự làm điều đó mà không cần sự can thiệp của người lớn chúng ta.
- Tôi có nên dạy cháu trước một chút về bảng chữ cái hay làm toán không?
- Chị không nên làm gì cả. Tất nhiên nếu cháu hào hứng với việc học chữ hay làm toán, chị có thể chỉ cho cháu một chút nhưng chỉ như chơi trò chơi khiến bé vui vẻ hơn. Có rất nhiều trường hợp các cháu đã biết đọc, biết viết, làm toán trước khi tới trường và khi đi học các cháu không còn hứng thú gì học hành nữa vì đã biết hết rồi. Điều chúng ta cần làm nhất trong năm học đầu tiên là duy trì hứng thú học hành cho các con, có đúng vậy không ạ?
Vậy là sau buổi nói chuyện với cô giáo ở nhà trẻ, tôi hoàn toàn thoải mái, không cần lo lắng gì chuyện học hành của con nữa, muốn viết ngược, viết xuôi thế nào cũng tuỳ.
Thay vào đó, điều chúng tôi cần làm là nghiên cứu những cẩm nang dành cho bố mẹ được chính quyền bang phát cho như: con nên ăn sáng như thế nào để có sức khoẻ và sự tập trung, tiêm phòng, cách chọn một chiếc cặp sách tốt, hướng dẫn con cách buộc dây giày, đường tới trường an toàn…vv..
Bức thư của cô giáo chủ nhiệm và thiên thần hộ mệnh bé nhỏ
Thiên thần hộ mệnh giúp các bạn nhỏ vượt qua lo lắng trong ngày khai trường và những căng thẳng trong học tập
Trước ngày khai giảng hơn một tháng, mỗi bạn nhỏ lại nhận được một bức thư của cô giáo chủ nhiệm lớp 1.
Cô viết: "khi con nhận được bức thư này, có nghĩa là chỉ còn ít ngày nữa thôi chúng ta sẽ gặp nhau ở trường. Con có nhớ chú rồng Constantine mà có lần tới thăm nhà trẻ cô đã tặng con không? Trong bức thư này con sẽ nhìn thấy những vết chân của Constantine. Mỗi ngày con hãy tô màu cho một vết chân của Constantine nhé. Đến khi nào vết chân cuối cùng kết thúc, đó là chính là ngày khai trường. Cô rất mong chờ tới ngày đó và hy vọng rằng chúng ta sẽ có một ngày khai trường ngập tràn nắng ấm".
Một ngày trước khi khai giảng, bố mẹ và Mina mang sách vở tới lớp trước để ngày hôm sau con không phải mang chiếc cặp quá nặng. Sách vở chủ yếu được để ở lớp và chỉ cầm về nhà khi có bài tập về nhà của môn đó.
Trong lớp, mỗi bạn có một ngăn để đồ riêng mang tên mình. Bàn học không xếp theo hàng và dãy như ở Việt Nam mà theo hình tròn để ở bất kỳ góc nào cô giáo có thể quan sát học sinh và ngược lại.
Lớp học được trang trí vui tươi, rực rỡ giống như nhà trẻ. Trên cửa sổ, cô giáo đã viết sẵn: "chào mừng các bạn…" với tên của 18 bạn trong lớp với các màu sắc khác nhau. Góc lớp có chiếc bồn nhỏ rửa tay. Ở một góc khác là"góc thư giãn" với một chiếc sofa êm ái và giá sách xung quanh.
Cô giáo tiến lại gần Mina và hỏi: "Con có hồi hộp cho ngày mai không?"
- "Dạ, thực ra là…có ạ", Mina rụt rè trả lời.
- "Cô cũng vậy. Trời ơi, là cô giáo của 18 bạn nhỏ thì cũng hồi hộp lắm chứ. Nhưng con biết không, cô tặng con một thiên thần hộ mệnh bé nhỏ. Thiên thần này sẽ giúp con vượt qua được sự sợ hãi, lo lắng của mình. Con hãy mang về nhà và đặt lên trên bàn học nhé".
Cô nói và kéo Mina tới chiếc bàn của cô: "cô cũng có một thiên thần hộ mệnh gần giống của con này. Thiên thần này giúp cô rất nhiều để cân bằng mọi căng thẳng và sợ hãi đó’.
Chúng tôi chào cô và ra về. Mina cầm thiên thần nhỏ trong tay và thì thầm: "Mama, từ lúc có thiên thần hộ mệnh, con đã không còn sợ hãi nữa. Thật đấy!"
Ngày khai trường và câu chuyện về chú ếch
8g30 sáng, chúng tôi có mặt ở nhà thờ trung tâm. Lễ khai giảng được bắt đầu với buổi lễ thánh. Nhà thờ đông vui tấp nập vì hầu hết tất cả các thành viên của các gia đình có con đi học ngày đầu tiên đều tới đông đủ.
Ngoài bố mẹ, anh chị em của bé đi học, có gia đình còn có cả ông bà, cô dì chú bác, bố mẹ đỡ đầu tới dự. Buổi lễ thánh mặc dù ngắn gọn nhưng long trọng và ấm cúng. Mọi người cầu nguyện và hát trong tiếng đàn ghi ta và sáo.
Cha đạo mời các bạn hôm nay đi học buổi đầu tiên bước lên trên khu vực lễ. Cha đi tới từng bạn, đặt tay lên đầu và cầu nguyện những điều tốt lành dành cho các bạn trong năm học mới. Đây thực sự là một bước ngoặt mới của cuộc đời.
Chương trình văn nghệ các anh chị lớp lớn đón các bạn lớp Một - VIDEO Hoai Vu-Bender
Sau buổi lễ thánh, chúng tôi lại di chuyển tới toà thị chính, nơi có biểu diễn văn nghệ của các anh chị lớp trên chào mừng các em vào lớp một. Một đại diện của chính quyền và một đại diện của phụ huynh học sinh lên phát biểu, chúc mừng các bạn học sinh mới, ngắn gọn không quá một phút. Sau đó là bài phát biểu của cô hiệu trưởng. Cô bước lên với một chú ếch bông màu xanh trên tay và bắt đầu kể chuyện.
"Ngày xửa ngày xưa, có một vương quốc chỉ có toàn ếch xanh sinh sống. Một hôm, họ tổ chức một cuộc thi xem ai sẽ là người chinh phục được ngọn núi cao nhất. Rất nhiều thần dân trong vương quốc ếch xanh đều muốn tham gia. Một bác ếch già nói: ‘ôi, ngọn núi đó cao lắm, không leo nổi đâu’. Nghe vậy, một số bỏ cuộc. Một số khác vẫn cố leo tiếp. Trên đường đi, họ lại nghe thấy những người khác nói: ‘thật là không tưởng. Lên tới đỉnh núi thì chỉ có nước bỏ xác ở đó thôi’. Lại một số nữa quay về. Cứ như vậy, mỗi khi có thêm bình luận là đoàn lại giảm số ếch tham dự dần. Rồi một chú ếch khác bị ốm và khóc nức nở, muốn bỏ cuộc nhưng không dám quay về vì sợ bị người khác chê cười. Chú ếch đó cố leo nhưng bị ngã xuống. Cuối cùng, chỉ còn một chú ếch duy nhất vẫn miệt mài leo, leo mãi, leo mãi, lên tới đỉnh và dành chiến thắng. Mọi người ngạc nhiên lắm và hỏi nhau: ‘này, làm thế nào mà cậu ta làm được như thế nhỉ?".
Tất cả quyết định tới hỏi nhà vô địch: "làm thế nào mà cậu làm được như thế, chỉ cho chúng tớ với". Nhưng nhà vô địch chỉ im lặng.
Hoá ra, chú ếch vô địch đó bị điếc nên không nghe thấy những gì người ta bàn tán dọc đường và vẫn quyết định bước tiếp.
Các phụ huynh thân mến, câu chuyện tôi kể chỉ là hư cấu. Những chú ếch xanh đó cũng giống như con em chúng ta ngày hôm nay vậy. Đừng bao giờ có những bình luận tiêu cực với các con như: "cái này khó lắm, con không làm được đâu’. Hãy để cho con lắng nghe chính bản thân mình và tự quyết định nên dừng lại hay đi tiếp. Người lớn chúng ta cũng đừng đặt cho con sức ép quá nặng nề trong học tập kẻo một lúc nào đó con sẽ bị ngã xuống như chú ếch không đủ sức khoẻ để đi tiếp trong câu chuyện. Cho dù con quyết định thế nào, hãy ủng hộ quyết định đó. Trong một cuộc đua, không thể ai cũng về nhất. Nếu con không phải là người đứng số một, hãy tôn trọng con và khả năng của con, đừng bắt con làm những gì quá sức mình. Đội tuyển bóng đá của chúng ta dù rất mạnh nhưng cũng đâu thành công trong giải vô địch Châu Âu. Hãy để những năm tháng tới trường của con là những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ với trường lớp, bạn bè, và thầy cô chứ không phải là những áp lực về điểm số’".
Sau khi câu chuyện kết thúc, cô hiệu trưởng mời các bạn nhỏ từng lớp bước lên sân khấu. Cô giáo chủ nhiệm cầm bảng tên lớp và dẫn các bạn trở về lớp học để tham dự bài học đầu tiên. Các bạn học sinh mới bước đi theo hàng một, vừa bước đi vừa dang hai tay đập tay ‘high five’ với các anh chị lớp lớn xếp thành hàng dọc hai bên.
Trong lúc các bạn lớp 1 tham gia bài học đầu tiên với cô giáo, bố mẹ và gia đình ngồi ở hội trường ăn bánh, uống cà phê do hội phụ huynh các lớp lớn tổ chức. Không ai bảo ai, nhưng tôi thấy mắt bố mẹ nào cũng long lanh khi chứng kiến lễ khai giảng đầu tiên của con.
Ngày hội của cả gia đình
Đồ trong túi kẹo...
... và chìa khóa
Ở Đức, ngày đầu tiên đi học thực sự là một sự kiện trọng đại của một gia đình. Theo truyền thống, mỗi bé đi học ngày đầu tiên đều mang theo một túi hình nón trong đó có chứa đồ dùng học tập, bánh kẹo.
Ở vùng gia đình chúng tôi ở, ngoài những thứ này, bố mẹ còn chuẩn bị một dây đeo có chìa khoá nhà, với hàm ý rằng: con đã trưởng thành và được phép giữ chiếc chìa khoá nhà từ hôm nay.
Mina - con gái nhỏ của tôi
Những gương mặt ngời sáng, miệng cười tươi rói không có răng cửa, vai đeo cặp sách, tay cầm túi kẹo lớn là những hình ảnh cực kỳ quen thuộc của trẻ em Đức trong ngày khai giảng đầu tiên. Bất kỳ bạn nhỏ nào cũng đều có một chiếc ảnh ngày đầu tiên đi học đáng yêu như thế.
Tiệc trà ở gia đình
Sau buổi khai giảng ở trường, các gia đình tổ chức tiệc trà, mời họ hàng thân thuộc và hàng xóm láng giềng tới chia vui. Người lớn ôn lại những kỷ niệm ngày đầu tới trường của mình. Ông bà nội Mina cũng bồi hồi giở lại những album cũ, cho chúng tôi xem ảnh ngày đầu tới trường của mọi thành viên trong gia đình.
Ngoài bánh ngọt và cà phê, mỗi nhà tuỳ vào lượng khách mà đặt một loại bánh mỳ ngọt truyền thống cho ngày khai trường nặng từ 500gr tới 1kg. Sau khi tiệc trà xong, chiếc bánh mỳ ngọt này sẽ được cắt ra và đem chia cho những người đã tặng quà, gửi bưu thiếp chúc mừng tới nhân vật chính của buổi tiệc. Buổi tối, cả gia đình lại tổ chức ăn uống, nướng thịt ngoài vườn.
Mina cắt bánh bánh mì ngọt để đem chia cho những người đã gửi quà tặng và bưu thiếp chúc mừng
Từ ngày mai, Mina sẽ đi học bằng xe buýt cùng các bạn. Bố mẹ không còn phải đưa đón con như khi đi nhà trẻ nữa. Mẹ có chút ngậm ngùi và nước mắt tuôn rơi. Cô con gái bé nhỏ của tôi đã lớn thật rồi!
Tôi cảm kích những lời dặn dò của cô hiệu trưởng. Nhìn con bước đi rạng ngời niềm vui giữa các bạn, tôi tin rằng con sẽ học được nhiều thứ từ ngôi trường này. Hơn bao giờ hết, tôi hiểu điều mình mong muốn từ con mình lúc này đó là có một tuổi thơ thật hạnh phúc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.