Bộ đôi nghệ sĩ người Pháp này học những ngành chẳng hề liên quan đến nghệ thuật: Nicolas Godin học kiến trúc, Jean-Benoit Dunckel học toán. Air nổi bật ngay từ album đầu tay Moon Safari, một đĩa nhạc nhanh chóng được xếp vào hàng kinh điển của dòng nhạc electronica. Tuy nhiên, phong cách của Air khác với các nhóm electronica từ Pháp nổi lên ở Mỹ và Anh giữa năm 1990 như Daft Funk, Motorbass...
Nếu không tính đến album nhạc phim Virgin Suicides thì Pocket Symphony là album thứ 4 của Air và ngoài 2 thành viên còn có sự góp giọng của Jarvis Cocker (nhóm Pulp) trong bài One Hell of a Party và Neil Hannon (nhóm Divine Comedy) trong bài Somewhere Between Waking and Sleeping. Album khá thư giãn, kiểu âm nhạc ve vuốt như dòng nhạc chillout và sử dụng giọng nữ như trong nhạc của Moby.
Với việc viết nhạc cho bộ phim đầu tay của Sofia Coppola là The Virgin Suicides, Air xây dựng mối quan hệ gắn bó với cô con gái của Francis Ford Coppola và tiếp tục viết nhạc cho các bộ phim tiếp theo của Sofia như Lost In Translation và Marie Antoinette. Bối cảnh của Lost In Translation là Nhật Bản nên Air cũng tìm hiểu và sử dụng các chất liệu nhạc Nhật vào sáng tác. Ở album mới, Godin đã cất công bỏ một năm trời học cách chơi đàn koto (một nhạc cụ giống đàn tranh) và shamisen (giống như banjo nhưng có 3 dây) để sử dụng trong bài Mer du Japon.
Air luôn tuyên bố Serge Gainsbourg là nguồn ảnh hưởng chính đến âm nhạc của nhóm và họ đã tham gia vào album 5:55 (phát hành năm 2006) của Charlotte Gainsbourg, con gái của Serge. Từ năm 13 tuổi, Charlotte đã gây dư luận với bài Lemon Incest hát chung với cha của mình. Phong cách nhạc của Air ảnh hưởng nhiều đến album của Charlotte, hay nói cách khác, là sự cộng hưởng từ Serge Gainsbourg. Toàn bộ album được bộ đôi Air viết nhạc và Jarvis Cocker cùng Neil Hannon viết lời. Sự cộng tác Pháp - Anh này khiến gần như trọn album được hát bằng tiếng Anh (duy có Jamais và Tel Que Tu Es là tiếng Pháp) nhưng chất nhạc thì mềm mại kiểu Pháp. Dĩ nhiên cũng có bài được hòa âm thoát khỏi sự dịu ngọt cố hữu đó như The song that we sing.
|
Một album "nhạc Pháp" mới cũng khá dễ tìm là Fictions của Jane Birkin (cũng phát hành năm 2006). Thật ra Jane là người Anh nhưng những gắn bó của cô với Serge Gainsbourg khiến có cảm giác Jane là người Pháp thỉnh thoảng hát nhạc Anh (như Francoise Hardy hát Tout les garson et les filles thành Find me a boy). Album Fictions gồm một số ca khúc cover như Harvest moon của Neil Young, Alice của Tom Waits, Mother Stands for Comfort của Kate Bush và cả những bài mới hơn như My Secret của Beth Gibbons (nhóm Portishead) hay Waterloo Station của Rufus Wainwright.
Trộn lẫn giữa những bản cover là các sáng tác của những cây viết nhạc Pháp mới như Cali (bài Sans Toi), Dominique A. (bài Ou Est la Ville?), Arthur H. (bài La Reine Sans Royaume). Nhờ giọng hát đặc trưng của mình, Jane luôn mang lại những nét riêng, mơ màng và hơi bí ẩn cho các bài hát. Cũng giống như 2 đĩa nhạc trên, Fictions nhẹ nhõm và mềm mại, rất dễ chịu để thưởng thức.
Dĩ nhiên là nhạc Pháp hiện nay đã khác với thời Le Temps de l'Amour, Tombe la Neige hay Aline và dĩ nhiên là còn xa hơn với L'hymne à l'amour hay La mer nhưng bên cạnh rock (Manu Chao, Indochine) và rap (MC Solaar), nhạc Pháp vẫn còn những nét lãng mạn dịu ngọt...
Trí Quyền
Bình luận (0)