Mệnh lệnh trái tim - Kỳ 2: Cứu người trong đêm

28/11/2011 10:30 GMT+7

“Tới giờ vẫn có hàng xóm hỏi tui: đêm đó bà sợ không? Lỡ người đó chết trong nhà bà hay tụi lưu manh vô đâm chém loạn xạ thì sao? Tui trả lời rằng thiệt bụng lúc đó tui cũng chẳng biết mình có sợ hay không, nhưng chỉ thấy có mạng người đang nguy hiểm mà mình ngó lơ thì coi sao đặng.

“Tới giờ vẫn có hàng xóm hỏi tui: đêm đó bà sợ không? Lỡ người đó chết trong nhà bà hay tụi lưu manh vô đâm chém loạn xạ thì sao? Tui trả lời rằng thiệt bụng lúc đó tui cũng chẳng biết mình có sợ hay không, nhưng chỉ thấy có mạng người đang nguy hiểm mà mình ngó lơ thì coi sao đặng.

>> Mệnh lệnh trái tim - Kỳ 1: Không thể làm ngơ

 

Dạy con cháu bà Khiết chỉ nói “mạng người quý lắm” - Ảnh: Quốc Việt

Còn chuyện giúp đúng, sai thế nào chắc là chỉ do trái tim mình mách bảo thôi, chứ lúc đó đầu óc đâu mà nghĩ ngợi gì nữa” - ngồi nhìn nước lũ đang lé đé dâng cao, bà Lê Thị Khiết tâm sự. Cũng chính tại bờ kênh này, bà vừa cứu mạng một thanh niên không quen biết trong cái đêm không nhìn thấy mặt người.

Cái đêm hôm ấy...

Miệt bưng Thạnh Hóa Long An lũ ngập trắng. Từ TP.HCM, tôi về xã Thạnh Phú bằng xe máy, rồi phải len lỏi bằng xuồng nhỏ mới vào được ấp Ông Hiếu. Người lái đò hỏi: “Anh đi tìm ai mà vô sâu dữ?”. “Bà Khiết, người đàn bà vừa cứu mạng anh thanh niên...”. Chưa nghe tôi nói dứt câu, người lái đò đã vui vẻ cắt ngang: “À, bà Khiết phải hông? Bà ở cuối ấp Ông Hiếu chứ gì. Ở đây ai mà hổng biết, bà già này thẳng tính lắm à nghen”. Nói xong, người lái đò dứt khoát không lấy tiền công.

Lúc tôi cặp xuồng lên nhà, bà Khiết đang ngồi co chân trên giường, bỏm bẻm nhai trầu. “Trời, chuyện nhỏ nhít, có gì đâu mà nhắc chú em”. Ban đầu bà Khiết nhất định không chịu nói chuyện ơn nghĩa cũ. Đến khi trưởng ấp và mấy hàng xóm dẫn đám con nít ghé chơi, nói bà kể chuyện để sắp nhỏ nghe mà học làm người thì bà mới chịu dừng nhai trầu.

“Hôm đó khoảng 12 giờ đêm, điện cúp mà trời lại chuyển mưa tối đen. Tui đang thiu thiu ngủ chợt nghe góc phòng con dâu có tiếng lục đục, chồng nó lại không ở nhà. Nghe lạ, tui cầm đèn pin qua rọi thử thì giật bắn người thấy một thanh niên cởi trần, máu me đỏ lòm đang nằm mọp trên sàn nhà, còn con dâu tui thì mất hồn, ngồi chết trân không nói được tiếng nào”. Bà Khiết kể lúc đó anh thanh niên này còn hơi tỉnh, thấy bà liền năn nỉ cho trốn trong nhà. Bà đang ú ớ chưa kịp nói gì, anh ta lại cầu khẩn rằng hay cho ra ở góc sân cũng được, rồi lết tới đống gạch. Máu me nhỏ giọt trên người.

Bà lập cập cầm đèn pin đi theo và thấy người lạ này bắt đầu lên cơn mê sảng, co giật, bên ngoài lại có tiếng chân chạy tới lui huỳnh huỵch như đang truy tìm ai đó. Tình hình nguy hiểm, bà ráng đỡ anh thanh niên ngồi dựa tường cho đỡ ra máu, rồi lấy chiếc áo ở nhà mặc vội lên người anh ta.

Máu vẫn ra đầm đìa, người lạ càng lúc càng co giật nhiều hơn và hoàn toàn mê sảng, không biết gì nữa. Thấy anh ta như sắp chết, bà luống cuống chạy ra nhìn thấy chiếc vỏ lãi của mình vẫn còn cặp bờ kênh. Lúc quay lại vô nhà, người thanh niên bà vừa đỡ ngồi dựa tường đã ngã sấp xuống sàn, nằm mê man, bất động trong lúc máu vẫn chảy nhỏ giọt. Cố kéo anh ta xuống vỏ lãi để chở đi cấp cứu, nhưng sức bà già 60 tuổi không thể kéo nổi anh thanh niên nông dân này. Đêm lại tối đen như mực, bà sợ một mình điều khiển vỏ lãi chạy đường kênh nhiều cây cối, cầu thấp sẽ nguy hiểm thêm cho tính mạng người đang bị thương tích.

Lóe lên suy nghĩ phải tìm thêm người giúp, bà bước vội sang nhà anh Trần Văn Chính, trưởng ấp và mặc kệ những thanh niên bặm trợn đang hậm hực ngoài đường. Hình như thấy bà già ốm yếu, chúng cũng không thèm để ý. Khi anh thanh niên bị thương được chở lên Bệnh viện Thạnh Hóa, bác sĩ cấp cứu nói anh bị chấn thương đầu, nếu chậm thêm một chút sẽ rất nguy hiểm. Đến lúc nghe báo tính mạng anh ta đã an toàn, bà mới thở ra nhẹ nhõm. Cả đêm căng thẳng, thức trắng, nhưng bà không hề có cảm giác mệt mỏi.

Trời vừa tang tảng sáng, người bị nạn này tỉnh lại và công an đến làm việc thì lại báo bị mất tiền. Có hai nơi nghi ngờ mất tiền là chỗ anh ta bị đánh và lúc nằm ở nhà bà Khiết. Thấy làm ơn có thể mắc oán, bà quay lại vỏ lãi định về nhà tìm xem tiền có bị rớt ở đâu trong đêm tối, chợt phát hiện gói tiền hơn 10 triệu đồng đang nằm kẹt dưới sạp tre đáy vỏ lãi. Thì ra trong lúc đưa người thanh niên này đi cấp cứu trong đêm tối, tiền từ túi anh ta rớt xuống vỏ lãi mà không ai thấy để giữ giúp.

Cầm trả lại tiền cho người mình vừa cứu mạng mà lúc này bà mới biết tên là Nguyễn Văn Tưởng, quê ở huyện Thủ Thừa, Long An, sang Thạnh Hóa đốn tràm mướn. Gói bạc đó là số tiền công mần mướn mấy tháng của anh ta. Tối anh bị nạn cũng là hôm anh mới lĩnh lương, bị đám thanh niên say rượu địa phương gây gổ, hành hung. Trời tối nên họ không phát hiện được gói tiền trong túi Tưởng. Còn Tưởng cố chạy thoát đến nhà bà Khiết thì gục xuống. May là anh còn lết vào được nhà bà, nếu nằm gục ở ngoài đường chắc tính mạng đã không giữ được. Tỉnh lại ở bệnh viện, Tưởng chưa kịp lí nhí lời cảm ơn ân nhân cứu mạng, bà Khiết đã nói “Chuyện nhỏ nhít, có gì đâu”, rồi lên vỏ lãi đi mất.

“Tôi chỉ tham của trời”

Ngồi tâm sự với bà Khiết suốt buổi chiều trong căn nhà bên bìa lung tràm mùa nước lũ, tôi nghe bà miên man kể chuyện đời mình như đang dạy cho chính sắp nhỏ đang ngồi hóng hớt chuyện người lớn. “Mấy đời ông cha tui đã ở miệt bưng này rồi. Hồi đó Thạnh Hóa là rừng tràm hoang vu, dân cư nghèo rớt, ba hột cơm còn không có đủ mà ăn. Học hành chưa được mấy chữ, tui đã phải bỏ ngang vì chiến tranh, nơi này trở thành bãi cho bom thừa, pháo dư trút bỏ. Nhà nghèo nhưng cha tui hay dạy con cái sống ở đời phải giữ đạo làm người. Mình có tham thì nên tham của trời, chứ đừng tham của người”.

Bà Khiết vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa tâm sự lời dạy của cha đã theo mình suốt cuộc đời 60 tuổi. Đời bà không may mắn được bỏ vào đầu mấy chữ. Gặp chuyện này chuyện nọ, hay giúp đỡ người khác, bà chỉ nghĩ đơn giản họ là người mà mình cũng là người, vậy không giúp nhau thì giúp ai bây giờ!

Ngồi bó gối tư lự ngó nước lũ đang chuyển màu vàng đỏ trong bóng chiều dần khuất sau rặng tràm, bà Khiết tâm sự cũng chẳng thể nhớ được đã từng giúp ai, cứu ai vì đời mình không để lòng chuyện đó. Nhưng cũng có những kỷ niệm đặc biệt thì bà không thể nào quên. Một đêm về nhà chồng, bà đang ngủ bỗng nghe như có tiếng người hớt hải kêu cứu dưới sông. Bà cuống quýt chống xuồng lao ra cứu người gặp nạn, nhưng đêm tối bà cố gắng tìm mãi vẫn không thấy ai. Đến sáng ra mới biết hai người đi buôn khoai mì bị lật xuồng. Nhìn hai xác người bất hạnh cứng đờ trong nước sông lạnh lẽo, bà bật khóc như khóc chính người thân mình. Về nhà, bà còn mất ngủ cả tháng vì hình ảnh đau thương của người không quen biết cứ trĩu nặng lòng mình.

Bà giờ đã có năm người con và lít nhít sắp cháu đến 11 đứa. Dạy sắp nhỏ, bà chỉ chân chất: “Sinh mạng con người quý lắm. Thấy người ta hoạn nạn mà mình ngó lơ coi sao đặng!”.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.