Mênh mông tình cha

24/12/2013 03:10 GMT+7

Ngoài tình yêu dành cho vợ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn dành yêu thương cho các con, thể hiện rõ qua những bức thư.

 Mênh mông tình cha
Đại tướng và hai con sinh đôi Hà - Tý ở chiến khu Việt Bắc - Ảnh: Bùi Ngọc Long chụp lại từ tư liệu gia đình

Với người con gái đầu

Sau khi người con trai đầu là Trường Sơn mất ở quê, năm 1950 lúc đang công tác ở Việt Bắc, còn vợ lại sơ tán ở Đức Thọ (Hà Tĩnh), sống trong cảnh mỗi người mỗi nơi, Đại tướng luôn lo lắng cho vợ, nhất là những tháng gần ngày sinh con gái, chị Nguyễn Thanh Hà.

Một lần, Đại tướng nhận được điện báo vợ mình đã sinh được con gái, ông vui mừng viết thư về cho vợ:

“V.Bắc 5.7.1950
Em Cúc yêu mến,

Chiều nay đi công tác về được điện văn phòng T.Ư của chị Hà đánh điện cho biết là Cúc đã sinh con gái ngày 26.6.50. Nhưng trong điện vắn tắt không rõ Cúc nằm xong có mệt không, con có khỏe không? được mấy kilo mặt mũi giống cha hay giống mẹ nó? Nóng lòng đợi thơ để biết. Vội vàng viết thơ gởi về cho Cúc một hộp gluco calcium và một ít peniciline viên của Trung ương cho anh, một tấm ảnh của anh mới chụp và gởi cho con một đồng Việt tiền vàng của Cụ cho anh nhân ngày sinh nhật của Cụ 19.5 mà anh để dành khi Cúc đẻ để gởi về cho con.

 ... Và anh cũng dặn Cúc một lần nữa nằm dậy nên ăn uống đỡ đỡ chút để cho mau bình phục nhất là có sữa đủ cho con. Không biết sữa Cúc thế nào có khá không? Cúc có phải nhọc lắm không? Ai săn sóc cho Cúc. Mợ có khỏe không? Nằm chỗ có nơi núp máy bay không? Con có biết ba nó đang chờ xem ảnh nó và mẹ không? Thôi con ơi, con hãy mau lớn để làm cán bộ phụ nữ như mẹ Cúc và làm Việt Minh như ba Thanh nhé. Ba gửi cho con đồng tiền vàng của Cụ cố Hồ cho ba nhân ngày sinh nhật của Cụ Cố. Mạ con phải gửi thư vào cho ông ngoại và bà nội mừng. Chắc ông bà mong thấy mặt cháu lắm. À Cúc, để anh đặt tên cho con nhé”.

Thế nhưng, sau đó trong một bức thư khác ghi ngày 23.9.1950, Đại tướng mới biết thông tin trong bức điện trước và những lần báo tin trước là không chính xác, ông tâm sự với vợ:

“Vừa rồi... anh lại được điện của Khu 3 gửi ra T.Ư báo tin cho anh biết Cúc đã sinh con gái ngày 3.8. Anh gì ở Thừa Thiên học lớp phân khu bị đạn ở miền ra nói dựng đứng là Cúc đã sinh con gái. Anh không tin, nhưng cũng tháng 6 được điện của chị Thanh Hà báo tin Cúc sinh con gái rồi. Anh tin và viết thư vào. Khi tối, nhận được thơ Cúc đề ngày 26.6, bảo chừng tháng nữa sẽ nằm thì anh lấy làm lạ, chắc chị Hà nghe chưa tỏ đã điện thì phải... Chưa sắm được gì, bữa Nho vào anh có gửi cho con một đồng tiền vàng Cụ cho đấy thôi. Không biết Cúc có đủ sữa cho con bú không...”.

Ngày 20.11.1950, nghe tin vợ sinh nhưng thiếu sữa, Đại tướng lại viết thư về, trong thư ông cẩn thận dặn dò: “Chắc em vất vả lắm. Nhưng cũng may, hồi sinh ở chiến khu thì có bà nội, lần này lại có bà ngoại và hai em Hảo, Thảo đỡ đần. Con thiếu sữa mẹ thật tội. Cúc cứ cho con ăn nước cháo rồi sẽ quen dần. Trong thư Thảo viết thật thà, cứ hình dung con đạp chòi mẹ cho bú. Lâu lâu anh lại đưa ảnh ra nhìn, thú vị lắm. Thì ra Cúc đặt tên con rồi! Thanh Hà, được đấy. Con của ông Thanh, đẻ ra ở Hà Tĩnh, cũng có ý nghĩa lắm. Cúc này, anh nghe khu ủy nói khu ủy có cấp tiền cho sau khi sinh. Thôi chúng ta cũng phải chịu ơn Khu ủy vậy. Rồi vì nhiệm vụ, chúng ta sẽ hết sức cố gắng hoạt động suốt đời để đền bù lại... Cúc ơi! Chắc thuê vú thì khó. Nếu có thể thì mua một con dê để lấy sữa cho con cũng tốt...”.

Dạy con qua những bức thư

Có lẽ do là con út và là con trai duy nhất, nên cu Vịnh (tức thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh bây giờ) được Đại tướng dành cho tình yêu thương dạt dào và nhiều hy vọng nhất. Chính cái tên Nguyễn Chí Vịnh cũng là tên “cúng cơm” của ông trước khi ông được Bác Hồ đặt tên mới là Nguyễn Chí Thanh. Chị Thanh Hà kể khi cu Vịnh mới 4 tuổi, ba đã thêu lên ve áo của nó hai miếng phù hiệu đỏ không sao không gạch. Ba gọi chức của nó là “Binh bét” và luôn bảo rằng khi lớn lên con đường của nó đi là bộ đội. Và từ nhỏ, cu Vịnh cũng đã tỏ ra mê làm bộ đội. Trong một bức thư đề ngày 27.7.1962, khi vợ đi chữa bệnh ở Trung Quốc, Đại tướng khoe: “Cu Vịnh độ này lớn lắm. Cậu nghịch ngợm cả ngày, chuyên bắn súng tiểu liên, và quà của mẹ gửi về thì giành lấy một mình”.

Năm 1960, trong chuyến đi công tác Liên Xô, vừa đến ga, ông liền viết thư về cho vợ và dặn các con: “Ba dặn các con phải siêng năng học tập, giúp đỡ mẹ và bà. Cu Vịnh ngoan. Đến Mạc-Tư-Khoa ba sẽ gửi quà về cho nhé”.

Ngày 18.5.1958, từ Georgia, Đại tướng lại viết thư về cho vợ và không quên dặn các con: “Các con Hà, Bé, Tý! Ba gửi thư thăm các con. Các con phải cho ngoan nhé. Ba sẽ giữ lời hứa với các con. Hôn các con!”.

Một bức thư khác viết tháng 5.1963, thời gian Đại tướng Nguyễn Chí Thanh giữ chức Trưởng ban Nông nghiệp T.Ư, ông gửi thư cho vợ, trong đó dặn dò các con: “Ba dặn các con phải ngoan hơn nữa, phải chịu khó lao động, ra sức học tập. Đối với bạn bè cho thật tốt. Thật thà, ngay thẳng, lễ độ, khiêm tốn. Người khác sao thì mình vậy!”.

Từ năm 1964, sau khi được T.Ư và Bác Hồ điều vào chỉ đạo cách mạng miền Nam, từ T.Ư Cục miền Nam, Đại tướng gửi thư ra cho vợ con, với bí danh Nam, trong vai một người đi làm ăn. Bức thư đề tháng 11.1964: “Ở đây mùa màng khá, nhờ trời lương lãnh cũng không đến nỗi, cho nên ăn uống không kém hơn hồi trước... Khí trời ấm áp, làm việc tuy nặng nhưng ít mỏi, cho nên đầu óc, chân tay có phần thư thái hơn. Đông đã đến rồi, Lý và các con giữ gìn sức khỏe…”. Và Đại tướng cũng không quên dặn các con: “Ba dặn các con đây này! Phải gắng học cho giỏi, tính nết tốt, làm việc cho khá. Ba chúc các con ngoan để sau này thành người có đạo đức. Hôn Lý cùng các con thắm thiết. Thăm bà. Chúc các chú tiến bộ. Nam”. 

Bùi Ngọc Long 

>> Những bức thư tình của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Hội thảo khoa học về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Xây nhà nhân ái trên quê hương đại tướng Nguyễn Chí Thanh 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.