Người dân ngõ Văn Hương (đường Tôn Đức Thắng) khốn khổ vì mất điện (ảnh chụp tối ngày 8.7) - ảnh: M.H |
Lúc phập phù, lúc tắt ngóm
Anh N.X, ngụ ở Bùi Xương Trạch, P.Khương Đình, Q.Thanh Xuân cho biết, từ 6 - 10.7, điện dùng trong gia đình anh và các nhà xung quanh phập phù, lúc mạnh lúc yếu, khiến các thiết bị điện như tủ lạnh, điều hòa cũng “dở sống dở chết” theo.
Nhà chị Phương L. (khu đô thị mới Dịch Vọng, Cầu Giấy) bị mất điện từ 11 giờ trưa ngày 11.7 đến gần 16 giờ chiều cùng ngày mới có lại, nhưng chị không hề nhận được một thông báo nào về việc cắt điện của điện lực khu vực.
Bức xúc hơn, chị H. (ngõ 324 Thụy Khuê, P.Bưởi, Q.Tây Hồ) cho biết: “Đêm thứ tư (ngày 6.7) đã mất từ gần 23 giờ đến 3 giờ sáng, dân phải đổ hết ra đường ven hồ Tây ngồi hóng mát. Nhiều hàng xóm nhà tôi còn phải đi thuê nhà nghỉ để ngủ vì không chịu nổi. Tôi phải thức quạt cho con cả đêm. Thế mà đến hôm sau lại mất cả trưa, rồi tối cũng mất từ hơn 9 giờ đến 0 giờ . Sang đến trưa 8.7 cũng lại mất. Tại sao ngày nắng nóng khủng khiếp nhất lại cắt điện của dân? Chúng tôi gọi điện đến Điện lực Tây Hồ nóng ran cả máy mà vẫn không có điện?”.
Cùng nỗi bức xúc vì mất điện, mất ngủ, anh H., trú tại P.Phúc Xá (Ba Đình) chia sẻ, “tối 7.7, nhiệt độ 39, 40 độ C mà 23 giờ 30, chúng tôi bị cắt điện đến tận 4 giờ sáng mới có”.
Trong cái nóng của những ngày oi bức, người dân ở nhiều khu vực khác: Linh Đàm (Hoàng Mai), Phùng Khoang (Thanh Xuân), Cầu Giấy, P.Thịnh Liệt (Hoàng Mai) càng ngao ngán hơn vì mất điện. Người dân ngõ Văn Hương (đường Tôn Đức Thắng) cho biết, nhiều ngày nay phải thay đổi nếp sinh hoạt vì không đêm thì ngày, tình trạng mất điện diễn ra liên tục. Gọi đến đường dây nóng của Công ty điện lực Đống Đa nhiều lần, nhưng không thể liên lạc được.
Có thể kiện yêu cầu bồi thường
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết, chỉ nhận được báo cáo trường hợp mất điện tại Khương Thượng (Đống Đa) do quá tải, các khu vực khác chưa có thông tin. Ông Tuấn cũng lý giải, tổng thể lưới điện của Hà Nội không có vấn đề. Phụ tải ngày nóng nhất (7.7) công suất max khoảng 2.021 MW, so với thời điểm ngày nóng nhất của năm 2010 là ngày 10.7 công suất max 1.922 MW, phụ tải chỉ tăng khoảng 6%, trong khi EVN Hà Nội đã tính toán tăng trưởng nhu cầu phụ tải của năm 2011 khoảng 10%.
Nếu ngành điện cung cấp điện không đúng chất lượng (cắt điện không báo trước, điện phập phù...), người dân hoàn toàn có thể khởi kiện được |
||
Luật sư Trần Hữu Huỳnh |
||
Còn ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Điện lực Tây Hồ giải thích, việc mất điện vào đêm ngày 6.7 do sự cố lưới điện hạ thế, nắng nóng nên phụ tải tăng lên, dẫn đến hiện tượng nhảy aptomat.
Tuy cho rằng, mất điện một phần do nắng nóng gần 40 độ, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của người dân tăng vọt, nhưng ông Thắng cũng thừa nhận, phần khác do điện lực không phủ hết được phụ tải. “Năm ngoái sau đợt nắng nóng cao điểm đã nâng phụ tải lên gấp rưỡi so với năm 2009. Năm nay cũng đã nâng phụ tải tăng đột xuất trong mấy ngày nóng cao điểm lên khoảng 30% so với năm 2010, có khu vực tăng lên 50%, nhưng vẫn bị nhảy aptomat. Chúng tôi đã thay aptomat, đồng thời tăng cường đường trục, nâng công suất máy một số điểm, nhưng nếu nắng nóng tiếp tục xảy ra, vẫn có nguy cơ bị mất điện tại nhiều điểm nhu cầu phụ tải cao như khu vực Tứ Liên, Thụy Khê, Bưởi...”, ông Thắng nói.
Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Trần Hữu Huỳnh, người tham gia xây dựng Luật Bảo vệ người tiêu dùng (có hiệu lực từ 1.7) khẳng định, người dân hoàn toàn có thể khởi kiện ngành điện, yêu cầu bồi thường thiệt hại do mất điện gây ra. Cụ thể, theo ông Huỳnh, trong hợp đồng mua bán điện, thường có quy định miễn trách nhiệm cho công ty điện lực trong trường hợp bất khả kháng, trong đó có các yếu tố kỹ thuật.
“Hội Bảo vệ người tiêu dùng có thể thay mặt người dân yêu cầu Bộ Công thương xem xét lại tính hợp lý trong các điều kiện kỹ thuật mà ngành điện được miễn trách nhiệm. Nếu ngành điện cung cấp điện không đúng chất lượng (cắt điện không báo trước, điện phập phù...), người dân hoàn toàn có thể khởi kiện được. Điều 8 của luật quy định rõ quyền của người tiêu dùng được yêu cầu bồi thường khi dịch vụ (ở đây là điện) không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật về số lượng, chất lượng”, ông Huỳnh cho hay.
Mai Hà
Bình luận (0)