HỘ NGHÈO CŨNG PHẢI ĐI SAO Y GIẤY TỜ CHỨNG MINH MÌNH LÀ HỘ NGHÈO
Chị Lê Thị Thúy (28 tuổi, Q.Bình Tân, TP.HCM) là công nhân, do hiện các doanh nghiệp đang khó khăn nên chị chỉ làm được một thời gian ngắn thì phải nghỉ việc. Trong quá trình tìm việc làm mới, cứ mỗi lần nộp hồ sơ xin việc, chị lại phải mất một buổi sáng để photo rất nhiều giấy tờ tùy thân như bằng cấp, thẻ căn cước công dân (CCCD), trước kia chị còn photo thêm cả hộ khẩu…, rồi ra UBND phường tiến hành thủ tục làm bản sao có chứng thực (sao y bản chính - SYBC). Để tránh mất thời gian đi lại nhiều lần và khi cần thì có ngay, chị Thúy SYBC mỗi thứ 10 bản phòng hờ.
"Ước tính tiền photo, SYBC tôi tốn khoảng 300.000 đồng, tương đương gần 2 ngày tiền công lao động. Đã vậy, các công ty còn yêu cầu tôi phải nộp giấy tờ SYBC có thời hạn trong 6 tháng. Thế là tôi đành phải bỏ đi một mớ hồ sơ đã SYBC dự phòng trước đó. Xót tiền lắm. Bằng cấp không thay đổi được nội dung, vậy quy định 6 tháng để làm gì?", chị Thúy băn khoăn.
Tương tự, bà Trần Thị Sáu (60 tuổi, Q.6, TP.HCM) đã hết tuổi lao động. Vì gia cảnh khó khăn, bà phải đi làm thủ tục lãnh lương hưu một lần được hơn 50 triệu đồng để đưa cho con làm ăn. Vì thế, bà Sáu không có lương hưu hằng tháng. Để có tiền trang trải hằng ngày, mấy năm nay, bà đạp xe đạp đi khắp nơi xin việc làm thời vụ, ai thuê gì làm đó. Ấy vậy mà đi đến đâu người ta cũng lắc đầu chê bà già, hết tuổi lao động.
"May mắn lắm mới có một quán ăn nhỏ nhận tôi vào làm rửa chén. Tôi vẫn phải nộp hồ sơ xin việc, gồm các giấy tờ tùy thân có SYBC. Lần trước, khi đi SYBC, sẵn tiện tôi đem tất tần tật các loại giấy tờ có con dấu của cả gia đình đi làm một lượt, đâu hết tầm 500.000 đồng", bà Sáu cho hay.
Cũng như chị Thúy, bà Sáu không biết về quy định pháp luật liên quan, chỉ biết là các nơi nhận bà vào làm việc đều yêu cầu nộp giấy tờ SYBC có thời hạn trong vòng 6 tháng. Thế là bà đành phải đi photo và ra UBND địa phương sao y.
Một công chứng viên thuộc Phòng Công chứng số 1 TP.HCM cho biết người dân đi sao y, chứng thực hồ sơ quá nhiều, gây lãng phí thời gian và tốn kém rất lớn. Công chứng viên này còn cho biết thêm trường hợp một người dân nằm trong diện hộ nghèo cũng phải đi sao y giấy tờ chứng minh mình là hộ nghèo để bổ túc hồ sơ. "Họ đã nghèo rồi mà lại còn phải tốn tiền sao y, thương cho hoàn cảnh họ, phòng công chứng của tôi làm miễn phí, không lấy tiền", vị công chứng viên chia sẻ.
THU TIỀN TỈ TỪ SAO Y
Ông Nguyễn Hồ Phương Vinh, Phó trưởng phòng Công chứng số 1 TP.HCM, cho biết trung bình 1 ngày, đơn vị ông tiếp nhận khoảng 300 trường hợp yêu cầu về sao y, chứng thực. Năm 2022, Phòng Công chứng số 1 tiếp nhận hơn 78.500 trường hợp về sao y, chứng thực, thu được gần 1,2 tỉ đồng. Trong năm 2023, phòng này tiếp nhận gần 80.200 trường hợp, thu về hơn 1,17 tỉ đồng; từ đầu năm 2024 đến nay tiếp nhận hơn 30.700 trường hợp, thu gần 550 triệu đồng.
Theo điều 5 Nghị định 23, UBND xã, phường, thị trấn và các tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền và trách nhiệm sao y, chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của VN cấp, hoặc chứng nhận.
Ngoài sao y, chứng thực bản sao từ bản chính như UBND cấp xã, thì Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, còn có thẩm quyền và trách nhiệm sao y, chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của VN liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận.
Ông Vinh cho hay Phòng Công chứng số 1 nhận được yêu cầu sao y tất cả thể loại từ bằng cấp, giấy tờ tùy thân như CCCD, hộ chiếu, giấy chủ quyền nhà đất, hồ sơ dự án, giấy phép kinh doanh, bản vẽ...
Cũng theo ông Vinh, hiện các tổ chức hành nghề công chứng không yêu cầu người dân nộp bản SYBC, mà thực hiện đối chiếu bản chính. Cho nên hồ sơ lưu tại công chứng chỉ là bản photo chứ không phải bản SYBC, góp phần giảm bớt phiền hà cho dân.
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ ĐỂ TRÁNH BẢN SAO Y BỊ GIẢ
Th.S Nguyễn Nhật Khanh, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, nhìn nhận: "Để bảo đảm độ tin cậy của hồ sơ nên nhiều cơ quan, tổ chức yêu cầu phải cung cấp bản sao có chứng thực từ bản chính. Từ đó hình thành nên thói quen đi chứng thực bản sao từ bản chính vô tội vạ như hiện nay, gây phát sinh nhiều chi phí, tiêu tốn thời gian không cần thiết".
Để khắc phục tình trạng này, theo Th.S Khanh, một số cơ quan, đơn vị đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng không cần yêu cầu cá nhân, tổ chức phải cung cấp "bản sao có chứng thực từ bản chính", mà chỉ cần yêu cầu xuất trình "bản gốc" để đối chiếu với bản sao. Tuy nhiên, Th.S Khanh cho rằng: "Đây chỉ là giải pháp tạm thời, còn muốn giải quyết dứt điểm lạm dụng việc sao y, chứng thực vô tội vạ, thì cần phải thay đổi nhận thức của toàn xã hội". Đặc biệt, các cơ quan, tổ chức khi quy định về thành phần hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, hoặc thực hiện giao dịch cần loại bỏ yêu cầu bắt buộc về hồ sơ có sao y chứng thực đối với một số loại giấy tờ, văn bản không cần thiết.
Đối với những trường hợp pháp luật có quy định rõ ràng là không yêu cầu cung cấp bản sao có chứng thực, nhưng bên tiếp nhận là các tổ chức công (cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập…) vẫn yêu cầu, thì cá nhân, tổ chức có thể khiếu nại, hoặc khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, theo Th.S Khanh, nếu trong các loại giao dịch tư và không có pháp luật quy định rõ ràng, thì người bị yêu cầu cung cấp hồ sơ không thể khiếu nại hay khởi kiện.
Thông thường, việc yêu cầu bản sao có chứng thực do bên tiếp nhận hồ sơ đưa ra, cá nhân, tổ chức nếu muốn xác lập giao dịch thì buộc phải "nhượng bộ", vì nếu không cung cấp sẽ không được giải quyết công việc.
"Thực tế cho thấy để được việc, khi bị yêu cầu cung cấp bản sao có chứng thực thì các cá nhân, tổ chức hay chọn "ngậm đắng nuốt cay" mà chấp thuận theo. Lý do là người dân thường có tâm lý cam chịu với mong muốn công việc được suôn sẻ, chứ không nghĩ đến khiếu nại, hay khởi kiện các yêu cầu vô lý đó vì sẽ càng thêm mất thời gian của họ", Th.S Khanh chia sẻ.
Bên cạnh đó, chuyên gia này đề nghị áp dụng công nghệ trong việc cấp văn bản, giấy tờ, ví dụ CCCD có gắn chip hoặc giấy tờ, văn bản có gắn mã QR… Từ đó, khi cơ quan, tổ chức cần kiểm tra độ tin cậy của giấy tờ, văn bản thì có thể xác thực bằng công nghệ mà không cần phải sử dụng bản sao có chứng thực như cách làm truyền thống từ trước đến nay. Bởi đôi khi, bản sao có chứng thực cũng không hoàn toàn bảo đảm được độ tin cậy của giấy tờ, văn bản trước hiện tượng làm giả hết sức tinh vi.
Trao đổi với PV Thanh Niên về thực trạng chứng thực bản sao tại TP.HCM, ông Nguyễn Văn Vũ, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, thông tin nhu cầu chứng thực bản sao từ bản chính của người dân có xu hướng ngày càng tăng. Riêng giai đoạn 2020 - 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu chứng thực bản sao từ bản chính có giảm. Trong năm 2023, TP.HCM chứng thực bản sao từ bản chính hơn 12 triệu bản. Người dân chứng thực đa dạng các loại giấy tờ như CCCD, bằng cấp, giấy tờ nhà đất…
Theo quy định tại khoản 1 điều 6 Nghị định số 23 năm 2015 của Chính phủ, trường hợp pháp luật quy định nộp bản sao thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận bản sao, không được yêu cầu bản sao có chứng thực, nhưng có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.
"Như vậy, chỉ những trường hợp pháp luật quy định nộp bản sao có chứng thực thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận mới được yêu cầu người dân nộp bản sao có chứng thực", ông Vũ khẳng định.
Những loại giấy tờ nào không được chứng thực sao y ?
Theo ông Nguyễn Hồ Phương Vinh, Phó trưởng phòng Công chứng số 1 TP.HCM, hiện có quá nhiều loại giấy tờ mà người dân yêu cầu chứng thực, sao y.
UBND và các tổ chức hành nghề công chứng chỉ được từ chối chứng thực bản sao từ bản chính gồm các loại giấy tờ, văn bản như: bản chính đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được sao chụp; bản chính có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức.
Ngoài ra, đối với bản chính do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại khoản 1 điều 20 của Nghị định 23, thì cũng không được sao y. Đặc biệt, đối với giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập nhưng không có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cũng không được sao y.
Không có quy định thời hạn sử dụng bản sao y
Theo ông Nguyễn Văn Vũ, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, tại khoản 2 điều 3 Nghị định số 23 năm 2015 của Chính phủ quy định bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại nghị định này có giá trị pháp lý sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật quy định khác. Theo đó, pháp luật không quy định về thời hạn sử dụng của bản sao có chứng thực.
"Trên thực tế, do nhiều nguyên nhân, phần lớn các cá nhân, tổ chức vẫn phải nộp bản sao có chứng thực giấy tờ, văn bản. Từ đó dẫn đến tình trạng sử dụng bản sao có chứng thực đã vượt quá sự cần thiết", ông Vũ nhấn mạnh.
Để đáp ứng nhu cầu chứng thực của người dân, thời gian qua, các phòng tư pháp, UBND cấp xã và tổ chức hành nghề công chứng tại TP.HCM đã phải chứng thực số lượng lớn bản sao các giấy tờ, văn bản, gây ra "quá tải công việc".
Cũng theo ông Vũ, để giải quyết tình trạng trên, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17 và UBND TP.HCM cũng ban hành Chỉ thị số 30 năm 2014 về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính. Sở Tư pháp cũng tăng cường công tác tuyên truyền để cơ quan tiếp nhận hồ sơ hành chính không lạm dụng yêu cầu bản sao có chứng thực, chủ động đối chiếu bản sao với bản chính.
Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) cũng khẳng định căn cứ vào Nghị định 23 và Thông tư số 01 năm 2020 của Bộ Tư pháp, không có quy định về thời hạn sử dụng bản sao chứng thực từ bản chính.
Năm 2014, để thực hiện Chỉ thị số 17 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện trên toàn quốc. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai.
Hằng năm, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tập huấn cho các tỉnh, thành trực thuộc T.Ư về việc thực hiện các quy định pháp luật về chứng thực, đồng thời chấn chỉnh các địa phương để hạn chế tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực. Mục đích nhằm cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao có chứng thực thì không được yêu cầu xuất trình bản chính. Trừ trường hợp có căn cứ về việc bản sao giả mạo, bất hợp pháp thì yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc tiến hành xác minh, nếu thấy cần thiết.
Cũng theo Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, pháp luật về chứng thực không quy định các trường hợp phải nộp bản sao có chứng thực. Việc nộp bản sao có chứng thực, bản sao và đối chiếu bản chính trong thủ tục hành chính do pháp luật chuyên ngành của từng lĩnh vực quy định.
Bình luận (0)