Mì rớt giá, nông dân lao đao

27/12/2013 09:45 GMT+7

Hệ lụy từ việc trồng mì (sắn) ồ ạt, thiếu quy hoạch đã khiến cho các hộ dân ở Bình Phước đang tự lâm vào tình trạng khốn đốn. Đang mùa thu hoạch nhưng giá mì trên địa bàn tỉnh đang rớt ở mức 1.200 đến 1.300 đồng/kg, thấp hơn so với mọi năm từ 300 đến 500 đồng/kg.

Mì rớt giá, nông dân lao đao

Người dân trồng mì xắt lát phơi khô để chờ giá cao mới bán - Ảnh Phước Hiệp                                     

Mùa mì đắng

Theo lịch thời vụ và tập quán canh tác hàng năm của nông dân, đây là thời điểm bắt đầu bước vào thu hoạch vụ mì. Năm nay, mì tiếp tục được mùa, nhưng đầu ra ế ẩm. Nông dân nhiều nơi trên địa bàn tỉnh không muốn nhổ mì bởi câu chuyện “được mùa mất giá” lại tái diễn.

Vụ đầu năm 2013, nhiều nông đã đưa vào gieo trồng giống mì MO và KM 95. Đây là hai giống mì cao sản ít kháng đất và cho năng suất đạt 25 tấn/ha. Trong năm qua, điều kiện thời tiết khá thuận lợi cho cây mì phát triển nên năng suất đạt cao. Những tưởng nông dân sẽ vui với niềm vui được mùa, nhưng nhiều nơi, nhiều hộ bỏ mặc hoặc chỉ thu hoạch một nửa rồi dừng lại vì giá bán ra không đủ bù lỗ cho các chi phí chăm sóc (phân bón, làm cỏ, công nhổ).

Chỉ tay vào rẫy mì của mình, ông Võ Ngọc Tân (xã Bình Sơn, H.Bù Gia Mập) than thở: “Mấy năm trước thấy trồng mì có lời nên gia đình tôi thuê 18 ha đất để canh tác, vậy mà ai ngờ lại bạc mặt vì nó. Năm nay mì đạt năng suất cao nhưng giá giảm mạnh. Thời điểm này năm ngoái giá còn được 1.700 đồng kg nhưng năm nay giảm chỉ còn 1.300 đồng/kg”.

Với mức giá này, nhiều nông dân chỉ biết ngồi đợi và hy vọng giá sẽ tăng lên chút đỉnh rồi mới thu hoạch. Cả tháng nay, mỗi lần nhìn vào rẫy mì 2 ha, anh Đào Văn Lợi (ngụ H.Bù Đốp) lại ngậm ngùi thở dài: “Hồi đầu vụ, thương lái đến vườn hỏi mua giá 1.600 đồng/kg, nhưng khi nhổ lên chỉ trả được 1.300 đồng. Bán mì tươi thì bị nhà máy trừ vào tiền tạp chất nên chả ăn thua. Mì đột ngột xuống giá nên thu chỉ đủ bù vốn, lỗ công chăm sóc”.

Cũng với tình cảnh đó, ông Hà Minh Quyền (ấp 2, xã Minh Lập, H.Chơn Thành) lắc đầu ngao ngán nói: “Giá mì cao hay thấp còn phụ thuộc vào thị trường và hàm lượng tinh bột. Với trữ lượng tinh bột 30% năm 2013 thì có giá 1.600 đến 2.000 đồng/kg nhưng năm nay giá giảm đến 30%. Gia đình tôi thuê thuê đất trồng mì xen trong vườn cao su chưa khép tán với giá 5 triệu đồng/ha, cứ đà giảm này chắc phải chọn hướng làm ăn khác thôi”.     

Vì sao rớt giá?

Giá mì thấp trong khi giá nhân công cao (150.000/1 ngày công) khiến nhiều người cứ để mì ngoài rẫy, không muốn thu hoạch. Hoặc để tiết giảm chi phí, nhiều vườn đã khoán trắng cho thương lái đến nhổ chứ không thuê thợ như mọi năm. “Do mì vụ trước được giá, nên vụ này mọi người đua nhau mở rộng diện tích, ai ngờ năm nay nó lại rớt giá thê thảm”, một người dân cho biết.

Hiện nay ở Bình Phước chỉ có nhà máy Vedan là điểm thu mua chính cho người trồng mì, còn nhà máy sản xuất Ethanol sau một thời gian hoạt động cũng đã bị giải thể khiến đầu ra bị thu hẹp.

Theo một lãnh đạo Sở NN&PTNT Bình Phước, hiện nay toàn tỉnh có 20.761 ha mì, tập trung ở các H.Bù Gia Mập, Bù Đăng, Bù Đốp. Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh cũng thường xuyên khuyến cáo nông dân không nên ồ ạt trồng mì vì dễ làm đất bạc màu, thị trường tiêu thụ không vững chắc. Nhưng, cũng theo vị lãnh đạo này, cơ quan quản lý cũng khó có thể ngăn chặn kiểu sản xuất phong trào của người dân khi thấy giá cả loại nông sản nào đó đột nhiên tăng cao.

Phước Hiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.