Hàng ngàn hecta mía nhiễm bệnh trắng lá mía (TLM) đang khiến người trồng mía tại tỉnh Khánh Hòa đứng ngồi không yên. Điều lo lắng nhất hiện nay là bệnh TLM chưa có thuốc đặc trị nên nguy cơ lây bệnh trên diện rộng là rất cao.
Mía chết trắng đồng
Chúng tôi tìm về các ruộng mía tại xã Ninh Thượng (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), nơi có diện tích mía nhiễm bệnh TLM nhiều nhất cả tỉnh Khánh Hòa tính đến thời điểm này. Anh Nguyễn Đình Sơn, người dân trồng mía thôn Ninh Thượng 1 cho biết: Bệnh TLM xuất hiện khoảng 3 tháng nay. Ban đầu dân phát hiện lác đác vài cây mía bị trắng lá, điểm trắng nhiều nhất là phần lá ở đọt mía. Do chưa có phương thức điều trị bệnh, người dân chỉ biết phun thuốc tăng trưởng, rắc vôi bột, xịt thuốc sâu, bón đạm... để cứu mía nhưng không có tác dụng. Xã Ninh Thượng hiện là xã có diện tích mía nhiều nhất TX.Ninh Hòa, với 513ha nhưng đã có 313ha bị bệnh TLM.
|
Theo người trồng mía, đến nay mía trồng được 2-4 tháng, đã đầu tư khoảng 40 triệu đồng/ha. Do đến thời điểm này các ngành chức năng chưa có giải pháp ngăn, trị bệnh, nên hầu hết diện tích mía nhiễm TLM đã bị tiêu hủy, thiệt hại rất lớn… Vì thế, đi đến bất cứ vùng trồng mía nào cũng thấy mía chết trắng đồng; hàng trăm đống mía bị đốt còn lại tro, số còn lại cũng đang chất thành đống chờ tiêu hủy. Theo ông Tống Trân, Phó chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, bệnh TLM xuất hiện lần đầu trên cây mía ở Khánh Hòa nên địa phương cũng bị động trong công tác phòng ngừa. Thị xã đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) kiến nghị tỉnh xem xét hỗ trợ, đặc biệt với các hộ bị nhiễm nặng, buộc phải tiêu hủy toàn phần; đồng thời làm việc với các nhà máy đường bàn việc cùng chia sẻ khó khăn với nông dân...
Chưa có giải pháp
Người trồng mía tại Ninh Hòa nói riêng và Khánh Hòa nói chung đang rất hoang mang khi tình hình mía nhiễm bệnh TLM chưa có dấu hiệu dừng lại, nguy cơ lây lan khắp các vùng trồng mía là rất cao. Theo Chi cục BVTV Khánh Hòa, hiện nay toàn tỉnh có 3 địa phương xuất hiện bệnh TLM là thị xã Ninh Hòa, huyện Khánh Vĩnh và huyện Diên Khánh, trong đó riêng Ninh Hòa có khoảng 1.200ha mía nhiễm bệnh TLM. Thời gian qua, Chi cục BVTV Khánh Hòa đã nỗ lực cứu mía, nhưng do bệnh này chưa có thuốc đặc trị nên chỉ còn cách hướng dẫn người dân nhổ bỏ, tiêu hủy diện tích mía nhiễm bệnh. Hiện Chi cục BVTV Khánh Hòa đang phối hợp với các ngành thống kê diện tích mía bệnh nặng buộc phải xử lý tiêu hủy; đồng thời đề nghị hỗ trợ người dân có diện tích mía bị tiêu hủy.
Theo Chi cục BVTV Khánh Hòa, nguyên nhân gây nên bệnh TLM là do Phytoplasma gây ra. Đây là một dạng bệnh nằm trung gian giữa vi khuẩn và virút nên rất khó tìm phác đồ điều trị. Cách đây khoảng 15 năm, bệnh TLM xuất hiện tại tỉnh Đồng Nai khiến khoảng 2.000 ha mía bị thiệt hại, tuy nhiên sau đó bệnh này không xuất hiện từ đó đến nay. Theo nghiên cứu, bệnh TLM lây lan qua 2 đường: đường giống mía (hom mía) và lây lan qua một loại rầy có tên là Matsumuratettix hiroglyphicus Mats. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện chưa tìm thấy loại rầy này. Một cán bộ Chi cục BVTV Khánh Hòa cho biết, đa số diện tích mía nhiễm bệnh TLM tại Ninh Hòa là giống mía Suphaburi 7, có nguồn gốc giống nhập khẩu từ Thái Lan đã 3-4 năm nay. Trong khi đó, ở Thái Lan bệnh TLM đã từng xuất hiện. Theo cán bộ này, có thể mầm bệnh TLM bắt nguồn từ các lô mía giống được các công ty đường nhập khẩu về; trong quá trình nhân giống và qua thời gian, bệnh TLM tiềm ẩn trong giống mía phát bệnh khi gặp điều kiện thuận lợi, nhất là khi cây mía sinh trưởng kém. Hiện nay, cách phòng tránh mầm bệnh lây lan ra các vụ mùa tiếp theo chỉ có cày bỏ diện tích mía nhiễm bệnh, sau đó cải tạo đất và trồng giống mía mới, có sức đề kháng và không nhiễm bệnh TLM.
Hiền Lương
>> Liên tiếp xảy ra các vụ cháy mía
>> Nông dân đua nhau bỏ mía
>> Khốn khổ với mía
>> Hàng trăm tấn mía bỏ khô ở Thanh Hóa
>> Mía… đắng
Bình luận (0)