Từ ngày 4 - 7.5, khu vực phía tây Bắc bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 36 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C.
Từ ngày 5 - 6.5, ở phía đông Bắc bộ có khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 37 độ C, có nơi trên 37 độ C.
Ở khu vực Nam bộ, từ ngày 3 - 6.5 có nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 36 độ C, có nơi trên 36 độ C.
Trong đợt nắng nóng này, nhiệt độ tại thủ đô Hà Nội dao động từ 26 - 37 độ C. Trong đó, nhiệt độ cao nhất được dự báo vào thứ bảy (ngày 6.5) với nhiệt độ từ 30 - 37 độ C.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết ở miền Bắc nắng nóng sẽ diễn ra từ tháng 5 đến nửa đầu tháng 8, ở miền Trung từ tháng 5 đến hết tháng 8. Trong khi đó, miền Nam nắng nóng kéo dài từ nay đến giữa tháng 5.
Theo ông Lâm, thời gian nắng nóng gay gắt nhất ở miền Bắc là từ tháng 6 đến tháng 7, ở miền Trung từ tháng 6 đến đầu tháng 8. Đáng chú ý, nắng nóng năm nay gay gắt hơn, các đợt kéo dài hơn năm 2022. Thậm chí các đợt nắng nóng có thể kéo dài lên 7 ngày, riêng miền Trung có thể trên 7 ngày.
Các chuyên gia cảnh báo do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió tây nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao; nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Bình luận (0)