Giảm dần
"Trong tháng 7, việc mua điện Trung Quốc đã ngừng lại và tháng 8 này cũng vậy. Những tháng tiếp theo trong mùa lũ, khả năng nối lại việc mua điện là rất thấp", đại diện EVN cho biết.
Một trong những lý do quan trọng nhất được đưa ra để giải thích cho việc ngừng nhập điện từ nước láng giềng là nhờ bổ sung một số nguồn điện quan trọng tại phía Bắc cũng như việc huy động từ thủy điện nhỏ tốt hơn do mùa lũ đã bắt đầu.
EVN dẫn chứng, về nguồn điện tại khu vực phía Bắc đã được bổ sung đáng kể khi tổ máy 2 với công suất 400MW của Thủy điện Lai Châu và 260MW của thủy điện Huội Quảng vừa đi vào vận hành chính thức.
Lãnh đạo EVN cho biết thêm, bên cạnh việc công suất nguồn tăng lên thì giá điện của thủy điện rẻ hơn giá mua điện từ Trung Quốc nên Tập đoàn quyết định tạm thời ngưng mua điện từ nước bạn.
Theo báo cáo của EVN, khi xây dựng kế hoạch hồi đầu năm thì doanh nghiệp dự kiến tổng sản lượng điện trong năm 2016 mua từ Trung Quốc khoảng 1,44 tỉ kWh. Việc này được giao cho công ty mua bán điện làm đầu mối thực hiện với đối tác là Công ty TNHH Quốc tế Vân Nam (thuộc Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam, Trung Quốc).
Trong khi đó, báo cáo sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng công bối hồi đầu tháng 7, doanh nghiệp cho biết trong tổng sản lượng điện 84,75 tỉ kWh mà EVN mua và sản xuất được thì điện mua từ Trung Quốc giảm mạnh, chỉ chiếm 1,38%, tương đương 1 tỉ kWh.
"Con số này đã giảm đáng kể trong 5 năm trở lại đây do hệ thống điện quốc gia được bổ sung bởi các nguồn điện mới trong nước. Nếu phải kể thời điểm mua nhiều nhất thì đó là năm 2010, khi mà vào mùa khô, có thời điểm EVN đã mua điện Trung Quốc với công suất max lên tới hơn 1.000 MW và tổng sản lượng mua cả năm đó là 5,6 tỉ kWh", một lãnh đạo ban thuộc EVN nói.
Trong khi đó, lãnh đạo Công ty Mua bán điện (EPTC) cho hay, trong trường hợp phía Việt Nam cần mua điện lại từ Trung Quốc thì chỉ cần thông báo trước cho phía Trung Quốc trước 10 ngày. Dù ngừng mua điện từ Vân Nam nhưng EVN cũng đã lập phương án vận hành lưới điện với hai kịch bản: trong trường hợp mua và không mua điện từ Trung Quốc trên nguyên tắc hạn chế chuyển đổi tránh ảnh hưởng đến phụ tải.
Giải quyết thiếu điện cho 13 tỉnh
Trong giai đoạn từ 2004 - 2008 hệ thống điện Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu điện đe dọa đến thu hút đầu tư nước ngoài, tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm.
Đặc biệt miền Bắc đang đứng trước nguy cơ thiếu điện trầm trọng do các nguyên nhân như tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện lên đến trên 17%/năm; tiến độ xây dựng và phát triển các dự án nguồn điện không theo đúng quy hoạch đã được lập nhằm đáp ứng tốc độ tăng trưởng của nhu cầu tiêu thụ.
Do vậy, thực hiện chỉ đạo của thủ tướng chính phủ về việc đảm bảo ổn định cung cấp điện cho nền kinh tế giai đoạn 2004 - 2008, từ năm 2003 Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn) đã lập đề án nhập khẩu điện từ Trung Quốc. Đề án đã được báo cáo các bộ, ngành và được Chính phủ chấp thuận thể hiện rõ trong Quy hoạch điện 6 và ngay lập tức được Tổng Công ty Điện lực Việt Nam gấp rút thực hiện. Một năm sau đó (tức từ 2004) EVN bắt đầu nhập khẩu điện ở cấp điện áp 110kV và tới năm 2006 nhập khẩu ở cấp điện áp 220kV để cung cấp điện cho 13 tỉnh phía Bắc.
"Việc nhập khẩu điện từ năm 2004 đã giải quyết được tình trạng thiếu điện trầm trọng ở giai đoạn 2004 - 2008 và đặc biệt là giai đoạn 2008 - 2010, góp phần quan trọng trong việc cung cấp điện ổn định cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là khu vực miền Bắc khi các dự án nguồn điện trong nước đang ở giai đoạn đầu tư xây dựng", báo cáo của EVN nhìn nhận.
Trong khi đó, thống kê của Trung tâm hệ thống điều độ điện Quốc gia cho biết, từ năm 2006 đến hết 2015, EVN đã mua từ Trung Quốc sản lượng 24,128 tỉ kWh.
Bình luận (0)