Nhưng đó chỉ là hiệu quả bước đầu từ chủ trương tập trung phát triển du lịch - ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp bao gồm du lịch biển, du lịch văn hóa, lịch sử gắn kết chặt chẽ với các dịch vụ nông nghiệp; thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng hiện đại…
Tiềm năng du lịch sinh thái
Một ngày tuần cuối tháng 10, PV Thanh Niên cùng ông Lê Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạnh Hải (H.Thạnh Phú, Bến Tre), thị sát hoạt động du lịch tại khu du lịch biển Cồn Bửng thì quả thật tiếng đồn không ngoa chút nào. Bởi mới hơn 9 giờ sáng đã có hơn 1.000 người từ khắp nơi đổ về đây vui chơi trên bãi biển. “Vào 2 ngày cuối tuần, bãi biển luôn khá đông du khách, còn trong các dịp lễ, tết thì kẹt xe liên tục trên các tuyến đường dẫn xuống đây. Sự thật đã là như thế, nhưng chắc khó có ai tưởng tượng nổi khoảng hơn 10 năm trước, tại khu vực cồn Bửng, cồn Tra chỉ có hơn 10 hộ gia đình sinh sống, heo hút, khó khăn...”, ông Tiến hồi tưởng.
|
Tuy địa phương đã thu hút mạnh mẽ được các nhà đầu tư về đây nhưng căn bản bãi biển cồn Bửng vẫn được giữ nét hoang sơ trước khi có chủ trương khai thác phát triển du lịch. Theo Sở VH-TT-DL Bến Tre, bãi biển cồn Bửng là mặt tiền của “Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến A101 - Cồn Bửng”. Dự án khởi công đầu năm 2013, chia làm 3 giai đoạn đầu tư với đa phần là những hạng mục hướng đến phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, tâm linh. Quy mô dự án lên đến diện tích 630 ha (từ Cồn Bửng đến vàm Khâu Băng - xã Thạnh Phong), dự kiến hoàn thành vào năm 2030.
Ông Trần Thành Khiêm, nhà đầu tư đến từ TP.HCM - người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn tại tỉnh Bình Dương, cho biết do tiềm năng lớn về du lịch sinh sinh thái, dịch vụ thương mại của H.Thạnh Phú còn rất lớn nên ông quyết định “ngắt” một số dự án đầu tư ở Bình Dương để mang về đây.
Theo ông Khiêm, điều kiện tự nhiên ở đây rất thuận lợi như nguồn hải sản tươi sống vô tận được cung cấp từ người dân địa phương, bờ biển dài và thơ mộng bởi sự nguyên thủy của nó. Bãi biển cồn Bửng nối dài tận các bãi biển Ba Tri, Bình Đại và có vị trí trung tâm giữa các bãi biển du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu, bãi biển du lịch Ba Động (Trà Vinh) cũng là một thuận lợi lớn để kết nối. Bên cạnh đó, nhờ địa phương quan tâm đầu tư nên hệ thống đường bộ ngày càng thông thoáng. Tuy vậy, hạ tầng chung nơi này hiện vẫn khó lòng giữ chân được du khách qua ngày.
“Theo tôi, địa phương đang thiếu một trung tâm thương mại để phục vụ việc mua sắm, một đô thị với nhiều dịch vụ phát triển… đủ hấp dẫn giữ chân du khách lưu trú. Vấn đề này, các nhà đầu tư chúng tôi đã có nhiều cuộc trao đổi với lãnh đạo H.Thạnh Phú và lãnh đạo địa phương cho biết sẽ phát triển đô thị TT.Thạnh Phú lên loại 4 và cùng các chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ của huyện sẽ giải quyết được vấn đề lưu trú cho khách du lịch, nhưng đến nay vẫn chưa thấy nhiều tín hiệu đáng mừng”, ông Khiêm phân bày.
Điều chỉnh cục bộ quy hoạch TT.Thạnh Phú
Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Công Thương, Chủ tịch UBND H.Thạnh Phú, cho biết việc triển khai thực hiện theo Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ Huyện ủy nhiệm kỳ 2016 - 2021 về thu hút đầu tư để phát triển đô thị TT.Thạnh Phú “đúng chất” một trung tâm hành chính - kinh tế - xã hội của huyện đang được tập trung thực hiện. “Ban chấp hành, Ban thường vụ Huyện ủy đã kết luận nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của cả hệ thống chính trị huyện là triển khai các quy trình cụ thể để điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung tại khu vực TT.Thạnh Phú. Đó là một tiền đề quan trọng để địa phương có đủ điều kiện tiến lên xây dựng đạt chuẩn Đô thị loại 4. Đây vừa là nhiệm vụ chính trị quan trọng bậc nhất vừa là giải pháp thu hút đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ để giữ chân du khách lưu trú, gia tăng doanh thu từ du lịch...”, ông Thương khẳng định.
Theo ông Thương, sở dĩ phải tiến hành điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung tại khu vực đô thị thị trấn là để hoàn chỉnh đồ án quy hoạch phát triển đô thị hiện đại. Điều chỉnh cục bộ quy hoạch trước là để tạo quỹ đất cho thị trấn xây dựng được công viên cây xanh, đường giao thông đô thị nội bộ cần thiết, thu hút dân vào các khu dân cư đã quy hoạch... và sau là để sắp xếp khu vực kinh doanh, buôn bán của các tiểu thương vào nề nếp, hoạt động an toàn, bền vững lâu dài.
|
Ông Trần Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND TT.Thạnh Phú, cho biết chính quyền địa phương đang phối hợp với HĐND, UBND, UBMTTQ huyện để lấy ý kiến cộng đồng toàn bộ cư dân 8 ấp - khu phố tại khu vực xung quanh chợ và các tiểu thương trong chợ Giồng Miễu về việc chuyển toàn bộ khu vực của tiểu thương chợ Giồng Miễu hiện hữu vào Khu dân cư - Trung tâm thương mại H.Thạnh Phú (lùi về phía sau khoảng 150 m). Chợ mới đã được bố trí theo phong cách thương mại hiện đại, đảm bảo cho các tiểu thương tiếp tục được an toàn, thuận lợi buôn bán, làm ăn. Hiện một số khu vực được lấy ý kiến thể hiện sự đồng tình cao với chủ trương di dời, chỉ một số tiểu thương đang buôn bán trong tại khu vực trung tâm chợ Giồng Miễu phản ứng dù chưa lấy ý kiến tới khu vực cư dân này.
“Chợ Giồng Miễu đã xuống cấp nghiêm trọng rồi và việc tổ chức buôn bán trong đó cũng đã tồn tại nhiều bất cập. Mặt khác, quỹ đất công đủ để làm công viên cây xanh, đường nội bộ khu vực thị trấn không còn nữa. Tuy vậy, để bà con tiểu thương an tâm vào chỗ mới buôn bán, chắc chắn cần phải được vận động, giải thích thêm nhiều lần mới được”, ông Nghĩa cho biết.
Du lịch ổn định nhờ dịch vụ và hạ tầng thương mại
Theo tổng kết 9 tháng đầu năm 2019 của UBND H.Thạnh Phú, hoạt động du lịch tiếp tục diễn ra khá sôi nổi. Lượng du khách ước khoảng 446.100 lượt, tăng 110.900 lượt so cùng kỳ, tổng doanh thu ước đạt 89,22 tỉ đồng. UBND huyện thường xuyên ra quân chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh, mua bán và đảm bảo an ninh trật tự cho du khách tại Khu du lịch Cồn Bửng trong các cao điểm du lịch. Công tác quảng bá du lịch, đảm bảo an toàn cho du khách tiếp tục được quan tâm, việc buôn bán trên bãi biển được sắp xếp tương đối ổn định, không còn tình trạng cắm cây, dựng bạt, che lều buôn bán trên bãi biển; giá cả hàng hóa phục vụ khách du lịch ổn định, phần lớn du khách hài lòng với điểm du lịch của địa phương và thái độ phục vụ của người dân địa phương. Huyện đã thành lập và ra mắt Chi hội Du lịch H.Thạnh Phú với 18 thành viên; tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá, kết nối và hợp tác phát triển du lịch “Cù lao Minh, một hành trình bốn điểm đến”; lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận Khu du lịch “Di tích đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre” là khu du lịch cấp tỉnh.
|
Bình luận (0)