Miễn học phí THCS là tất yếu
|
Ông Nhạ cho biết theo tính toán sơ bộ, bên cạnh bậc tiểu học, nếu miễn thêm mầm non 5 tuổi thì ngân sách chi cho cả nước sẽ cần khoảng 2.000 tỉ đồng, nếu miễn thêm THCS thì sẽ lên khoảng 3.000 tỉ đồng, nếu miễn tất cả mầm non 3 - 4 tuổi thì khoảng 4.000 tỉ đồng… “Cố gắng nếu đến năm 2020 mà miễn học phí hết các cấp học phổ cập thì chúng tôi sẽ rất thanh thản, vì thực ra nếu giáo dục phổ cập mà vẫn thu tiền học phí là điều không nên”, ông Nhạ chia sẻ.
GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng nhiều lần đề cập việc miễn học phí tới cấp THCS là điều tất yếu cần thực hiện, nhất là khi đất nước đã phát triển như hiện nay. Thậm chí, khi góp ý sửa Hiến pháp năm 2013, GS Hạc từng đề nghị cần đưa vào Hiến pháp quy định “Tất cả các bậc học phổ cập thì được miễn học phí”.
tin liên quan
Miễn học phí tới bậc THCS, lo phát sinh khoản phí khác?Ngay sau khi, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục hiện hành trong đó có điều luật miễn học phí tới bậc THCS, có nhiều phụ huynh thay vì ủng hộ lại xin được đóng học phí và chỉ học phí thôi. Vì sao có sự ngược đời này?
Ông Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng THCS Chu Văn An (Q.Tây Hồ, Hà Nội), cho rằng việc miễn học phí ở cấp THCS hoàn toàn khả thi vì mức thu học phí hiện nay chưa đủ bù chi, chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Cụ thể, với Hà Nội, mức thu học phí từ năm học này tăng đến 110.000 đồng/tháng/HS, tổng thu 1 năm học (9 tháng) là 990.000 đồng/HS, nhà trường được giữ lại 40%. Trong khi đó, thực chi từ ngân sách nhà nước (cụ thể là ngân sách TP.Hà Nội) cấp tới 7,2 triệu đồng/HS/năm học.
Bước tiến lớn nếu luật được thông qua
|
GS Thi phân tích mặc dù phần nhân dân đóng góp qua học phí sẽ không nhiều, chỉ khoảng 10 - 15% so với tổng chi cho giáo dục, nhưng nếu miễn học phí cho THCS nghĩa là sẽ phải giảm đầu tư cho các bậc học khác. Đồng thời, miễn học phí hoàn toàn cũng sẽ gây khó khăn ít nhiều cho các nhà trường. “Tuy nhiên, trong mọi trường hợp thì đây là chính sách nhân văn nhất cho HS, đối tượng mà chúng ta cần quan tâm. Do vậy, theo tôi nếu chính sách miễn học phí cho HS THCS được Quốc hội thông qua thì đây sẽ là một bước tiến lớn”.
Cần minh bạch các khoản thu khác
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, bên cạnh việc hoan nghênh chính sách miễn học phí cũng chỉ ra rằng để thực hiện được chính sách này thì ngân sách nhà nước sẽ phải tập trung vào giai đoạn giáo dục phổ cập nhiều hơn và phải bớt ở những bậc học khác, trình độ đào tạo khác. Cụ thể là sẽ phải xem lại chế độ, chính sách với cấp THPT, bậc CĐ, ĐH, với giáo dục nghề nghiệp... Vì nếu miễn học phí cấp tiểu học, THCS mà vẫn bao cấp cho các cấp học, trình độ đào tạo khác thì ngân sách nhà nước không thể làm nổi.
Ngoài ra, GS Thuyết cho rằng miễn học phí nhưng phải đi đôi với những yêu cầu chặt chẽ khác để người dân không phải đóng góp các khoản khác để bù vào học phí. Luật Giáo dục hiện hành quy định ngoài học phí, người học không phải nộp khoản nào khác, nhưng thực tế phụ huynh vẫn phải nộp nhiều khoản thu khác.
tin liên quan
Sửa luật Giáo dục: Miễn học phí tới cấp THCS* Lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bảng lương
Bộ GD-ĐT mới công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục hiện hành, đáng chú ý là cho phép một số bộ sách giáo khoa, miễn học phí tới cấp THCS, lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương...
GS Thuyết đề xuất: "Nên làm rõ và tách bạch khối dịch vụ giáo dục để minh bạch các khoản thu mang tính dịch vụ giáo dục. Ngân sách nhà nước chỉ có thể cấp để đảm bảo giáo dục ở mức cơ bản, nếu phụ huynh có yêu cầu những dịch vụ, những trang thiết bị giáo dục ở mức cao cấp hơn thì người học phải đóng góp hoặc theo hình thức 'vay có trả' từ phụ huynh HS…".
Ông Thuyết cho rằng nên theo hướng tập trung cho giai đoạn giáo dục cơ bản; tăng học phí và các khoản đóng góp ở các lĩnh vực để đảm bảo thu đủ bù chi. Dần dần phải để dành kinh phí xứng đáng cho giáo dục mầm non vì bậc học này rất quan trọng, cần sự quan tâm, đầu tư lớn hơn từ ngân sách nhà nước.
“Lương nhà giáo cao nhất...” cần đưa vào luật để thực thi
GS Đào Trọng Thi cho biết Nghị quyết T.Ư 2 khóa 8 (năm 1996) đã nêu lương nhà giáo phải được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên sau đó, chúng ta chỉ có thể tạo ra một phụ cấp giảng dạy mà nói nôm na là “phụ cấp đứng lớp”, chỉ áp dụng với những người trực tiếp giảng dạy và dạy đủ giờ. Trong khi đó, nếu chúng ta áp dụng được vào lương của nhà giáo thì nhà giáo sẽ được hưởng hơn gấp 3 lần so với khoản phụ cấp đứng lớp đó. Hơn nữa, sau này khi nghỉ hưu thì khoản phụ cấp đứng lớp không còn mà lương thực lĩnh cũng sẽ giảm, rất thiệt thòi cho giáo viên. Nghĩa là lương của nhà giáo từ hơn 20 năm nay vẫn chưa được thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết T.Ư 2 khóa 8. Chính sách về lương được đưa vào luật thì sẽ đảm bảo về tính thực thi, ổn định và bền vững.
Tuyết Mai
|
Bình luận (0)