Miền Tây lo 'giữ' lũ

29/09/2016 10:02 GMT+7

Sau 20 năm rầm rộ đắp những tuyến đê bao khép kín ngăn lũ, đến nay miền Tây lại phải tính chuyện “giữ” lũ như một giải pháp cứu cả đồng bằng.

Không thể phủ định những thành tựu từ việc đắp đê bao ngăn lũ đưa nước ta từ một nước thiếu ăn thành xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, song những hệ lụy từ đê bao đang mỗi lúc thêm tệ hại.
Trong buổi tọa đàm “Tái cơ cấu nông nghiệp trong điều kiện thích nghi với biến đổi khí hậu” do UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức mới đây, nhiều nhà khoa học khẳng định đê bao khép kín, sản xuất lúa vụ 3 mặc dù đem lại sự tăng trưởng mạnh về sản lượng nhưng cũng tạo ra những thiệt hại nặng nề cho vùng này, đặc biệt là làm giảm đi nguồn cá, mất phù sa, đồng ruộng bạc màu, dịch bệnh phát triển, nông dân phải sử dụng nhiều phân bón, ô nhiễm môi trường...
Đê bao càng dài, mặn càng lấn sâu
Những năm 1990, khi các tuyến đê bao khép kín ngăn lũ hình thành, người dân phấn khởi vì có thể làm lúa ngay mùa nước nổi. Cùng với dự án thoát lũ ra biển Tây (An Giang, Kiên Giang), cứ thế những tuyến đê bao ngăn lũ ngày càng được đắp dài ở hai vùng trũng là Đồng Tháp Mười (phía tả ngạn thuộc các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An) và vùng Tứ Giác Long Xuyên (phía hữu ngạn thuộc An Giang, Kiên Giang).
Đến nay, hệ thống đê bao khép kín có tổng chiều dài khoảng 7.000 km, đưa hàng triệu người dân ổn định nhà cửa phía trong đê. Khắp nơi, người dân say sưa làm lúa vụ 3, thậm chí trong 2 năm làm 7 vụ lúa. Sản lượng lúa gia tăng nhanh chóng, đưa VN trở thành một trong 3 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới.

Đồng Tháp Mười là cơ may cuối cùng cho việc trữ nước, “cứu” mặn cho cả ĐBSCL vào mùa khô. Vì thế, phải bằng mọi giá giữ lại Đồng Tháp Mười, đồng thời chuyển những dự án thoát lũ ra biển Tây thành dự án giữ lũ

Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Trường ĐH Cần Thơ

Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về thủy điện và sông Mê Kông, từ xa xưa hạ lưu sông Mê Kông được thiên nhiên “ban” cho 3 “túi điều hòa nước” là Biển Hồ (Tonle Sap) ở Campuchia, vùng Đồng Tháp Mười và vùng Tứ Giác Long Xuyên. 3 túi nước này như 3 trái tim điều hòa nước cho những dòng nhánh đan xen như mạch máu của sông Mê Kông.
Hằng năm khi lũ sông Mê Kông đổ về làm cho Biển Hồ tăng diện tích chứa nước từ 300.000 ha trong mùa khô lên 1,5 triệu ha. Từ Biển Hồ nước chảy vào Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên làm cho hai vùng này ngập sâu 3 - 4 m. Từ đây, nước nhả dần dần ra sông Tiền, sông Hậu, vào mùa khô đẩy nước mặn xâm nhập từ biển vào. Thế nhưng, sau khi hình thành hệ thống đê bao khép kín, một khảo sát từ năm 2000 đến 2011 cho thấy lượng nước ở Tứ Giác Long Xuyên đã giảm từ 9,2 tỉ m3 xuống còn khoảng 4,5 tỉ m3 do diện tích khoảng 1.100 km2 ô đê bao khép kín ngăn lại.
“Điều này cũng đồng nghĩa ĐBSCL đã mất 4,7 tỉ m3 nước để đẩy mặn trong mùa khô cho vùng ven biển. Hai vùng trũng Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười không còn nước tích trữ đủ để bổ sung cho sông Tiền, sông Hậu đẩy nước mặn ra xa nên xâm nhập mặn lại càng lấn sâu. Tệ hơn khi biến đổi khí hậu càng tác động mạnh, El Nino gây hạn hán xảy ra khắp lưu vực sông Mê Kông”, ông Thiện nói.
Giữ lũ và điều hòa
Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Trường ĐH Cần Thơ, may mắn là ĐBSCL vẫn còn một Đồng Tháp Mười chưa bị “đê bao hóa” hoàn toàn. “Đồng Tháp Mười là cơ may cuối cùng cho việc trữ nước, “cứu” mặn cho cả ĐBSCL vào mùa khô. Vì thế, phải bằng mọi giá giữ lại Đồng Tháp Mười, đồng thời chuyển những dự án thoát lũ ra biển Tây thành dự án giữ lũ”, ông Tuấn kiến nghị.
Miền Tây lo 'giữ' lũ
Lũ về thấp, thủy sản đánh bắt ở vùng đầu nguồn ĐBSCL cũng dần cạn kiệt
Chung quan điểm này, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết thêm: “Hiện phía bắc của tỉnh Đồng Tháp là khu vực ngập sâu trong mùa lũ với diện tích 35.000 ha, nếu không xây dựng đê bao ngăn lũ, khu vực này đủ sức giúp cả ĐBSCL trữ nước và đẩy mặn vào mùa khô cho toàn bộ hệ thống sông Cửu Long. Nói cách khác, Đồng Tháp Mười sẽ vừa là nơi trữ nước vừa điều hòa, giữ ngọt, đẩy mặn cho cả vùng”.
Ông Thiện cũng cho rằng, cùng với việc giữ lũ thì các tỉnh thành ĐBSCL cần xem xét giảm diện tích trồng lúa vụ 3 để đất đai được nghỉ ngơi, tập trung vào chất lượng và chuỗi giá trị sản phẩm.
Trong khi đó, GS-TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho rằng câu chuyện làm đê bao ngăn nước mặn, trữ nước ngọt vùng bán đảo Cà Mau cần xem lại. Cũng như đê bao ngăn lũ, rất nhiều vấn đề nảy sinh sau đê bao ngăn mặn, như cuộc chiến lấy nước mặn - nước ngọt giữa người nuôi tôm và người trồng lúa. Rất nhiều cánh đồng lúa chết vì thiếu nước ngọt nhưng cũng không ít ao tôm thiệt hại vì thiếu nước mặn do đê bao.
Cũng trong buổi tọa đàm, các nhà khoa học của ĐBSCL đã đưa ra con số khảo sát thực tế khiến nhiều người giật mình. Cụ thể, nông dân ở TX.Hồng Ngự (Đồng Tháp) sản xuất 2 vụ lúa/năm thu nhập được 31 triệu đồng/ha; còn nông dân làm 3 vụ lúa/năm thu được 37 triệu đồng/ha. Số tiền chênh lệch giữa làm 2 vụ lúa/năm và 3 vụ lúa/năm chỉ là 6 triệu đồng/ha. Một con số quá nhỏ so với sức người và chi phí đắp đê.
Một nghiên cứu tại tỉnh An Giang còn chỉ ra rằng, cứ sau 15 năm làm lúa vụ 3, xã hội sẽ mất đi 47,8 triệu đồng/ha từ những chi phí đắp đê và những tổn thất khác như mất phù sa, thoái hóa đất, mất nguồn cá, tăng lượng phân bón... Điều này cho thấy, đê bao ngăn lũ và lúa vụ 3 không thực sự giúp nông dân khá hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.