Mỗi năm tôi có một vài chuyến đi về, đường đi và phương tiện so với trước đây đã thuận tiện hơn rất nhiều. Nhưng tôi nhớ hơn cả chính là ký ức về những chuyến đi về miền Tây ngày tôi còn bé.
Quê ngoại tôi thuộc miền sông Hậu. Nghe mẹ tôi kể, ngày nhỏ mẹ bơi ở sông, bơi như rái cá. Con sông mênh mang nhưng chảy trôi hiền hòa. Con sông đó cũng là nơi ông bà ngoại tôi gặp nhau, dắt díu về Sài Gòn tìm kế sinh nhai, nhưng rồi cũng chưa khi nào có thể dứt lòng với miền sông nước.
Tôi không biết mình có sự gắn kết với miền Tây ở mức độ nào, chỉ biết mình có sợi dây với một vùng đất thuộc về con sông 9 khúc... |
chí nhân |
Tôi nhớ những chuyến xe đò vào cuối những năm 1980. Xe khá thô sơ, luôn ám đặc bụi đường. Trên mui xe luôn chất rất nhiều hàng hóa, chủ yếu là những cái thúng, những bồ, được ràng bằng những sợi dây. Hàng hóa còn chất đầy ở dọc lối đi. Xe rời bến, hàng hóa trên mui cũng lắc lư, tròng trành. Hành khách trên xe có rất nhiều những người đàn bà đầu vấn khăn rằn, mặc áo túi, tay xách bị đệm đặc sệt cung cách người miền Tây.
Thời gian chuyến đi khá dài, phải qua 2 lần phà. Khi phà dừng, có nhiều người hàng rong tràn lên bán, nem Lai Vung, bánh tráng sữa, chả lá... Nhưng tôi ấn tượng là món bánh canh, với những sợi trắng như hình con sâu, ăn với thịt heo xắt lát mỏng.
Mẹ tôi gần như chẳng có tiền để mua gì. Mẹ đút cơm cho tôi từ lon gi-gô đem theo. Tôi nhớ tôi đã hoảng hốt khi mẹ để tôi lại trên xe khi xuống phà!
Xuống tới nhà cóc ngoại thì trời đã sụp tối. Nhà cóc ngoại ở ngay trục lộ chính, xuống xe là tới trước cổng nhà. Nhà có vườn tre bao quanh, với mấy cây dừa. Tôi nhìn thấy mương nước ở bên hông nhà, cũng là nguồn nước sinh hoạt chính: vo gạo, giặt, tắm...
Tôi được đi xuống chợ, cách nhà không xa, đó là chợ sông Ngã 7, nơi bà cóc với nghề cho thuê dù. Lần đầu tôi thấy xe lôi, cũng là lần đầu tôi thấy chợ trên sông!
Ông ngoại tôi là "dân chợ", phân biệt với những người sống trong bưng biền. Ông ngoại học nghề hớt tóc. Tuy thời ông ngoại không được ăn học, nhưng ông ngoại cũng đã hoàn thành một cuốn hồi ký. Cuốn hồi ký dày đặc lỗi chánh tả đó đã được tôi "hiệu đính". Tôi thương ông ngoại tôi bởi tánh hà tằn hà tiện, thích ăn cơm với cọng rau đắng mọc sau hè. Cũng thương ông ngoại đã nói cho tôi hiểu rất nhiều về vùng sông nước, về những con người "hồi đó". Tôi cũng thương ông ngoại, vì cái tình đối đãi của ông ngoại với "rể Bắc", là cha tôi! Còn bà ngoại tôi, gốc địa chủ, nhưng cực kỳ giỏi về buôn bán. Sau này bà ngoại tôi lên Sài Gòn là tiểu thương một thời ở vùng Chợ Lớn.
Đó là câu chuyện của mấy mươi năm trước. Quê ngoại giờ đây đã thay đổi nhiều. Thị xã hóa lên thành phố, chợ sông năm xưa cũng chẳng còn! Vườn tre cũng chỉ còn là ký ức. Thay vào đó là một ngôi nhà có cổng khá kiên cố, có một kim tĩnh khang trang: Đó là niềm tự hào của ông ngoại tôi. Cũng trong một chuyến về quê, tôi cũng được ông ngoại tận tình giảng giải ý nghĩa "Tiền phần hậu trạch"! (mồ mả trước, nhà cửa phía sau).
Cũng trong một chuyến về quê, khoảng năm 2017, tôi cũng được trải nghiệm "đi tàu về quê", cũng do ông ngoại chỉ. Hóa ra "tàu" là cái ca nô tái chế, dập dềnh suốt mấy tiếng trên sông, để cập bến đến từng cái "cóng" (tôi không rõ từ).
Tôi từng viết một bài văn thuở nhỏ về ông ngoại hà tiện của tôi, về vườn tre xài được từ gốc tới ngọn. Trong suy nghĩ của tôi, ông ngoại cũng giống như cây tre: vững chãi, hà tiện nhưng vô cùng lương thiện!
Bà ngoại tôi đi trước, kề bên vẫn là lỗ huyệt chờ! Di nguyện của ông ngoại là được về cùng nằm nơi đó!
Tôi sẽ nhớ hoài cái giỏ đệm bà ngoại tôi gọi là "cái tụng", cái cặp mẹ tôi gọi là cái "cặp táp", cái chứng minh thư mẹ tôi gọi là cái "căn cước", khi trời chuyển mưa, mẹ tôi nói là "trời ui ui"!
Tôi sẽ nhớ hoài, chợ ở trên sông, gắn với hoài niệm "Tình anh bán chiếu", nhớ hoài ca nô dập dềnh "đi" trong chiều mưa tầm tã, cũng nhớ những chuyến xe đò dằn xóc... Tôi biết không xa, mình lại được trở về đó, ấm áp đặt tay lên những gờ đá kim tĩnh, tôi sẽ lần giở những trang hồi ký với nét chữ... đầy ông ngoại của tôi!
Bình luận (0)