Miền Tây thành đại phim trường

22/10/2012 03:05 GMT+7

Không hẹn mà gặp, hàng chục phim đã, đang, sắp phát sóng thời gian gần đây đều tập trung khai thác đề tài về nông thôn. Thế là các tỉnh miền Tây trở thành “đại phim trường”, nhộn nhịp hơn cùng các đoàn phim.

Có lẽ, sau khi phim trường Đà Lạt, Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM) đã trở nên quen thuộc, những bối cảnh đóng khung trong 4 bức tường khiến khán giả ngột ngạt, thì việc các nhà sản xuất, đạo diễn “chuyển hướng” tìm những khung hình tươi mới, thoáng đãng cũng là điều dễ hiểu. Xem nhiều phim vừa phát sóng trên các kênh hiện nay, khán giả hẳn sẽ thấy mát mắt với những đồng lúa xanh rờn hay ao sen tươi tắn, những vườn cây ăn trái rất miền Tây và những dòng sông, con đò tấp nập, cả những tà áo bà ba ngược xuôi khắp nẻo quê…

Không chỉ có bối cảnh đẹp, các phim này còn hấp dẫn khán giả bởi đi sâu giới thiệu cuộc sống với những đặc trưng của từng miền quê cụ thể. Nhiều làng nghề truyền thống của các địa phương cùng câu chuyện thời sự của nó cũng lần lượt được phản ánh: Từ nghề làm kẹo dừa và đồ thủ công mỹ nghệ từ dừa (Chuyện xứ dừa), nghề làm bánh tráng (Bến tình yêu), làm chiếu (Đồng quê), chuyện giới thiệu giống cam đặc trưng của quê mình đến các siêu thị lớn ở thành thị (Vườn yêu) hay việc đấu tranh bảo vệ quyền lợi của bà con nông dân, xây dựng tư duy mới trong sản xuất nông sản, tạo thương hiệu cho lúa gạo, trái cây VN trên thị trường quốc tế (Lúa trổ bông) đến phơi bày thực trạng những cô gái miền Tây tìm chồng ngoại để đổi đời, khát vọng vươn lên, thoát nghèo của lớp thanh niên nông thôn (Bìm bịp kêu chiều)…

Miền Tây thành đại phim trường 
Cảnh trong phim Đồng quê - Ảnh: TFS

Được biết, sắp phát sóng còn có những phim: Ầu ơ ví dầu, Sông dài, Khúc Nam ai, Chuyện làng bè, Gió về cù lao, Thương lắm đò ơi, Hương bưởi, Chân trời cỏ biếc, Cá lên bờ… cũng lấy bối cảnh là các tỉnh miền Tây. Vậy là người xem (nhất là người thị thành hoặc các vùng miền khác) sẽ có nhiều cơ hội khám phá thêm những nét đẹp của truyền thống văn hóa các tỉnh ĐBSCL. Và quan trọng hơn, nhà làm phim phải biết “cân đo” sao cho vừa phải, đừng để tình trạng ồ ạt sản xuất dẫn đến bội thực.

Hướng đến khán giả

Việc thay đổi bối cảnh ở các vùng miền là một trong những tiêu chí nhằm tăng thêm sự quan tâm của khán giả dành cho phim Việt, như chia sẻ của bà Bích Liên, Giám đốc Công ty Sóng Vàng. Bà Liên cho biết, không chỉ là nông thôn miền Tây Nam bộ, mà cả miền Trung (như phim Bờ bến lạ đang thực hiện) hay những vùng khác, nếu kịch bản hay thì việc di chuyển dù tốn kém nhưng để có bối cảnh thật, đẹp, hợp lý thì nhà sản xuất không ngại đầu tư.

Bà Bảo Trâm, Giám đốc Vietcom, cũng đồng tình: “Chúng tôi khuyến khích các biên kịch, đạo diễn chuyển bối cảnh ra ngoài, ưu tiên cho ngoại cảnh nhiều hơn. Và việc về miền Tây - thuận tiện đi lại hơn các vùng miền khác - là một trong những hướng chuyển đó. Tất nhiên, sự thay đổi trong chọn bối cảnh phải phục vụ tốt nhất cho nội dung câu chuyện chứ không chỉ để có những thước phim đẹp”.

Trước đây, nhiều nhà sản xuất ngại thực hiện những kịch bản về đề tài nông thôn, vì sợ khó lồng ghép những sản phẩm (tài trợ cho phim) vào. Nhưng nay thì có lẽ sắp qua rồi thời quảng cáo lộ liễu ấy, nếu người làm phim còn muốn khán giả tiếp tục theo dõi tác phẩm của mình trong trạng thái thoải mái. Nói như đại diện M&T Pictures: “Quan trọng vẫn là chất lượng phim có đủ hấp dẫn để tăng rating, thu hút quảng cáo… nhảy vào, chứ quảng cáo sản phẩm trên phim không phải cái đích nhắm đến. Nếu phù hợp thì đưa vào, không cũng chẳng sao”.

Nguyên Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.