Miền Trung chìm trong lũ dữ

17/10/2011 23:16 GMT+7

Nhiều vùng bị cô lập, hơn 70.000 ngôi nhà ngập nặng Đã có 8 người chết và mất tích Mưa lũ lớn ở miền Trung đã làm hơn 70.000 ngôi nhà bị ngập sâu trong biển nước, hơn 1.000 ha lúa và hàng ngàn héc-ta hoa màu bị ngập úng, 390 ha nuôi trồng thủy sản bị nước cuốn trôi.

Hà Tĩnh: Gần 2.900 hộ dân bị cô lập

Mực nước các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố dâng cao. Tại các huyện miền núi như Hương Khê, Vũ Quang, nhiều tuyến đường bị chia cắt, hàng ngàn hộ dân bị cô lập. Tại H.Vũ Quang có 6 xã: Đức Lĩnh, Đức Bồng, Đức Hương, Hương Thọ, n Phú, Đức Giang, với gần 2.900 hộ dân bị cô lập. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp H.Vũ Quang, cho biết nhiều tuyến đường huyết mạch của huyện bị ngập như tuyến đường liên huyện n Phú - Cửa Rào, nước lũ cũng chia cắt khiến nhiều đoạn đường liên xã ngập sâu hơn 1m.

  
Nhiều tuyến đường giao thông ở Quảng Ngãi bị sạt lở nghiêm trọng - Ảnh: Hiển Cừ

Quảng Bình: Gần 46.000 nhà bị ngập

Toàn tỉnh có 45.900 nhà dân và gần 100% trường học trên địa bàn hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh bị ngập, trong đó nhiều trường ngập sâu từ 1,2 đến 1,8m nên học sinh phải nghỉ học. Tại Minh Hóa vẫn còn nhiều xã bị ngập sâu trên 3m và bị chia cắt hoàn toàn. QL1A qua địa bàn tỉnh bị ngập hàng chục điểm, gây ách tắc nhiều giờ liền. Ban PCLB các địa phương đã phối hợp cùng lực lượng cảnh sát giao thông cắm chốt tại các điểm ngập lụt để phân luồng giao thông. Hiện tại, mưa đã tạm ngớt nhưng nước lũ rút rất chậm, đặc biệt là tại địa bàn các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và Minh Hóa.

Đến cuối ngày 17.10, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có 4 người chết và mất tích.

Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế: Khách đi tàu mắc kẹt

Sáng 17.10, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trời vẫn tiếp tục mưa to, nước sông Hiếu, Bến Hải, Ô Lâu và Thạch Hãn lên nhanh, làm ngập lụt hơn 14.000 nhà dân ở các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Đakrông, thị xã Quảng Trị và TP Đông Hà, trong đó nhiều nhà ngập sâu từ 1,5 đến 2,5m; hơn 1.000 ha lúa và hàng ngàn héc-ta hoa màu bị hư hỏng.

Một số công trình như đường giao thông nông thôn, kênh mương bị xói, sạt lở, nhiều thôn bản thuộc H.Đakrông và Hướng Hóa bị chia cắt. Hệ thống đường sắt bị ngập ở hai đoạn (Mỹ Chánh - Phò Trạch và TP Đông Hà - thị xã Quảng Trị) làm 309 khách đi trên tàu SE7, 486 khách trên tàu TN phải ở lại ga Đông Hà; 430 khách trên tàu DH4 ở lại ga thị xã Quảng Trị; 301 khách trên tàu SE1 ở lại ga Tiên An; 509 khách trên tàu SE5 ở lại ga Hà Thanh... Đến trưa 17.10, mưa lớn không còn xảy ra, nước lũ xuống chậm. Quốc lộ 1A đoạn qua xã Triệu Giang nối với thị trấn Ái Tử (H.Triệu Phong) đã thông xe.

Tỉnh Quảng Trị đã huy động lực lượng công an, quân đội và thanh niên xung kích ở các địa phương cùng hàng chục ca-nô, thuyền để ứng cứu, sơ tán hơn 5.000 hộ dân ở vùng bị ngập sâu, vùng có nguy cơ sạt lở. Theo Ban chỉ huy PCBL-TKCN tỉnh Quảng Trị, trên địa bàn đã có 2 người chết do mưa lũ.

 
Lực lượng cứu nạn ở Quảng Trị đưa người dân đi sơ tán - Ảnh: Ng.Phúc
 

Tại Thừa Thiên - Huế có 10.141 nhà bị ngập (Phong Điền: 1.240 nhà, Hương Trà: 850 nhà, Quảng Điền: 3.425 nhà; thành phố Huế 2.820 nhà; thị xã Hương Thủy 1.806 nhà). Trong đêm 16 và ngày 17.10, toàn tỉnh đã di dời 1.157 hộ với 3.766 khẩu. Mưa lũ cũng đã làm 1 người thiệt mạng và 2 người bị thương.

Nước lũ đã gây sạt lở bờ sông Bồ (thuộc thôn Phò Ninh, xã Phong An, H.Phong Điền) đe dọa gần 100 ngôi nhà của người dân. Đặc biệt, mưa lớn cũng đã làm dung tích nước hồ Thọ Sơn (xã Hương Thọ, H.Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) đang trong thời gian thi công, không còn khả năng điều tiết lũ. Để bảo vệ hồ này, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định mở thêm một đường thoát nước ngay tại đập chính có chiều dài 5m.

Đến khoảng 16 giờ hôm qua, đường sắt Bắc - Nam (bị tắc ở Phò Trạch - Mỹ Chánh và một điểm khác ở Đông Hà - Quảng Trị) đã thông tuyến.

Quảng Nam: 4 người thoát chết

Rạng sáng 17.10, tại khu vực cầu Ông Sẵn, xã Tam Mỹ Tây (H.Núi Thành), người dân địa phương phát hiện 3 người bị lũ cuốn trôi từ thượng nguồn sông Rai, đang chới với trên bụi cây giữa dòng sông. Đội xung kích và người dân đã huy động phương tiện, dùng dây thừng buộc trên cây cao để làm dây an toàn, rồi đu người lao vào dòng nước lũ cứu người. Đến 10 giờ 30, sau rất nhiều lần lao mình vào dòng nước, đội xung kích xã Tam Mỹ Tây đã cứu thoát cả 3 người bị nạn.

Nhiều ngôi làng thuộc thôn Thạnh Mỹ và Trung Lương (xã Tam Mỹ Tây, H.Núi Thành) bị nước lũ nhấn chìm từ sáng sớm 17.10, hàng trăm ngôi nhà bị ngập. Chiều 17.10, Sư đoàn 315 đã tăng cường lực lượng về rà soát, kiểm tra toàn bộ số hộ ngập. Có thêm 1 học sinh lớp 9 bị nước cuốn trôi đã được người dân cứu kịp thời.

Đà Nẵng: 23.000 học sinh nghỉ học

Những cơn mưa lớn kéo dài trong hai ngày 16 và 17.10 khiến nhiều khu vực ở Đà Nẵng ngập nặng. Tại các thôn Quang Nam 2, 5, 6 của xã Hòa Liên (H.Hòa Vang), các khu dân cư đều bị ngập sâu bình quân 1,5 đến 2m. Theo ông Đặng Phú Hành - Phó chủ tịch UBND H.Hòa Vang, UBND huyện đã chỉ đạo lực lượng, di dời hơn 100 hộ dân lên trú tạm tại UBND xã. Số còn lại di dời lên các nhà cao tầng để tránh lũ. Đặc biệt, khu vực hồ Đồng Xanh - Đồng Nghệ (Hòa Vang) từ 6 giờ sáng buộc phải xả lũ. Ông Đặng Phú Hành cho hay, tốc độ xả lũ của hồ là 100 m3/giây. Để đảm bảo an toàn cho toàn bộ học sinh trên địa bàn huyện, Phòng GD-ĐT huyện Hòa Vang quyết định cho 23.000 học sinh nghỉ học ngày 17.10.

Các khu vực tổ 31 P.Hòa Minh và 3 khu dân cư từ tổ 10 đến tổ 23 P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu bắt buộc phải sơ tán hơn 200 hộ dân cùng 800 nhân khẩu vì nước ngập hơn 1 mét. Ngày 17.10, theo tin từ XN Đường sắt Hải Vân, sự cố sạt lở, sụt đất tại 3 điểm dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua đèo Hải Vân đã được khắc phục xong, 4 đoàn tàu với hơn 1.000 hành khách bị mắc kẹt tại các ga Lăng Cô, Kim Liên, Đà Nẵng đã được thông tuyến.

Chiều 17.10, một học sinh lớp 5 trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, trú tổ 105 P.Hòa Minh (Q.Liên Chiểu) đạp xe ven bờ kênh đường Tốt Động thì bị ngã xuống nước mất tích.

Quảng Ngãi: Sơ tán, cứu sống nhiều người dân

Tại Quảng Ngãi, mưa lớn trong đêm 16 và ngày 17.10 khiến nhiều địa phương bị chia cắt, cô lập hoàn toàn, một số trường phải cho học sinh nghỉ học. Đèo Thọ An - tuyến giao thông huyết mạch nối liền trung tâm xã Bình An (H.Bình Sơn) với thôn Thọ An vừa hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 6.2011 với kinh phí hơn 12 tỉ đồng bị sạt lở. Hơn 1km đường, từ Km 14+600 đến Km 15+400 bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn nền đường. Trên tuyến tỉnh lộ 624B Quán Lát - Đá Chát, nước lũ làm sạt lở 2/3 mố cầu Thiên Xuân, gây ách tắc giao thông hoàn toàn.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão H.Mộ Đức, tính đến chiều 17.10, mưa lớn đã làm ngập 3.300 nhà dân ở các xã Đức Hòa, Đức Phú, Đức Tân, thị trấn Mộ Đức đồng thời làm ngập ướt 350 tấn lúa của dân đang dự trữ trong nhà và hư hại 400 ha hoa màu. Trong ngày, H.Mộ Đức đã di dời khẩn cấp 200 hộ dân ở vùng rốn lũ xã Đức Hòa đến nơi an toàn, 4 người dân bị lũ cuốn trôi đã được cứu sống.

46 người chết vì lũ tại ĐBSCL

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết trưa 17.10, lũ các sông ở Thừa Thiên - Huế đã đạt đỉnh và đang xuống dần. Tối cùng ngày, lũ các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi đạt đỉnh và đỉnh lũ trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa ở mức 8,5m (dưới mức báo động 3 là 0,5m), sông Thu Bồn tại Câu Lâu 2,8m (dưới báo động 2 là 0,2m), sông Trà Khúc tại Trà Khúc 4,5 m (dưới báo động 2 khoảng 0,5m), sông Vệ tại trạm Sông Vệ 4,5m (ở mức báo động 3).

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư, tính đến hôm qua 17.10, lũ lớn và kéo dài tại đồng bằng sông Cửu Long đã làm 46 người chết, 80.686 nhà bị ngập nước, 21.451 ha lúa bị ngập úng, trên 1.455 km bờ bao bị sạt lở và 1.294 km đường giao thông nông thôn bị ngập. Theo dự báo, trong 5 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên xuống chậm nhưng vẫn còn ở mức cao.

Quang Duẩn - Mai Vọng

Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.