Lần đầu tiên, vấn đề liên kết đào tạo nguồn nhân lực đã được lãnh đạo 7 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên – Huế đến Khánh Hoà ngồi lại bàn bạc cùng nhau.
Mạnh ai nấy… đào tạo
Các tỉnh duyên hải miền Trung từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hoà (7 tỉnh, thành phố, sau đây gọi chung là Vùng) hiện có 84 trường đại học, cao đẳng và trung cấp. Theo đánh giá của Nhóm tư vấn liên kết phát triển miền Trung thì hệ thống đào tạo tương đối khá, nhưng tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo, trình độ kỹ thuật lành nghề đáp ứng cho nhu cầu các doanh nghiệp toàn Vùng còn thấp.
|
Đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt lớn, dù tỉnh, thành phố nào trong Vùng cũng có trường đại học, kể cả địa phương tập trung số lớn các trường ĐH, CĐ như Huế và Đà Nẵng. Có một thực tế là nguồn nhân lực khu vực miền Trung nói chung rất dồi dào và rất trẻ nhưng kỹ năng thấp. Một con số có thể khiến nhiều người giật mình được dẫn ra từ tỉnh Bình Định: Tỉnh có gần 846 ngàn lao động từ 15 tuổi trở lên (chiếm trên 57% dân số tỉnh) nhưng chỉ có trên 816 ngàn người có việc làm, còn gần 29 ngàn người thất nghiệp; trên 95% trong số đó chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật.
|
Theo PGS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, công tác đào tạo hiện “trắng đen lẫn lộn”, không theo tiêu chuẩn nào. Vì vậy cần thống nhất nội dung chương trình, quy trình và cả việc đánh giá chất lượng đào tạo. Còn PGS.TS Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc ĐH Huế cho rằng công tác đào tạo không chỉ mất cân đối, mất liên kết giữa các trường trong Vùng, mà còn chồng chéo. “Ngay cả một số bộ có trường của mình đóng trên các địa phương cũng muốn phát triển thành đại học. Tỉnh cũng có trường muốn nâng cấp lên đại học nên rất chồng chéo” - ông Toàn nói.
Liên kết từ “tư duy”
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, các tỉnh trong Vùng đang có rào cản lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao, dù có hai trung tâm giáo dục lớn tại Huế và Đà Nẵng. Ông Ga cho rằng thế mạnh của các trường trong Vùng chính là đào tạo khoa học cơ bản, y dược, nông lâm (tại ĐH Huế); kỹ thuật công nghệ, quản lý kinh tế (ĐH Đà Nẵng); khoa học cơ bản (Trường ĐH Quy Nhơn); thuỷ sản (Trường ĐH Nha Trang). “Nếu có sự hợp tác liên thông, liên kết giữa 4 trung tâm ĐH này thì chúng ta có thể đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho hầu hết các ngành mà các địa phương trong khu vực đang cần” - ông Ga gợi ý.
PGS.TS Bùi Tất Thắng (Viện chiến lược phát triển - Bộ KH-ĐT) mượn câu nói của Napoléon Bonaparte để nói về vấn đề liên kết giữa các tỉnh trong Vùng: “Nếu được chọn thì tôi sẽ chọn thà có một tướng tồi, còn hơn một lúc có hai tướng giỏi chỉ huy”. Cũng theo PGS Thắng, các tỉnh trong Vùng cần đổi mới tư duy cho phù hợp với nhãn quan kinh tế thị trường; cần hình thành một cơ quan có trách nhiệm về thu thập và xây dựng hệ thống thông tin cung - cầu nguồn nhân lực, cân đối nguồn nhân lực và đổi mới về giáo dục lẫn đào tạo nghề… Trong khi đó, PGS.TS Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện kinh tế VN) nhấn mạnh, trước hết các tỉnh trong Vùng cần “liên kết trong tư duy”, tư duy lại chiến lược phát triển. “Công nghiệp trong Vùng phát triển một cách hầm bà lằng. Lao động thì cứ dịch chuyển về vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Hiện có những ngôi làng chỉ còn toàn người già, như làng Phước Tích của Huế chẳng hạn. Điều này rất nguy hiểm” - ông Thiên dẫn chứng.
Gia Tân
Bình luận (0)