Miền Trung ngập lụt nghiêm trọng

18/10/2021 06:13 GMT+7

Tại phía tây TP.Đà Nẵng, đến chiều qua có 3 xã Hòa Nhơn, Hòa Bắc, Hòa Liên (H.Hòa Vang) bị ngập lụt do mưa lớn. Mưa lũ trong những ngày qua đã gây thiệt hại nặng tại các huyện Ea Súp và Ea H’leo (Đắk Lắk)...

Hôm qua (17.10), đợt mưa to, gió lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đã khiến nhiều địa phương ở miền Trung bị ngập lụt nghiêm trọng, chia cắt cục bộ nhiều nơi, hàng trăm hộ dân vùng cao phải chạy lũ, di dời khẩn cấp. Đã có thiệt hại nhân mạng từ mưa lũ.

Nước sông Cu Đê dâng cao, người dân Đà Nẵng phải gửi xe, lội nước về nhà

Mưa lớn khiến nước sông Cu Đê dâng cao, chia cắt nhiều khu vực xã Hòa Bắc (H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng)

huy đạt

Tháo chạy lúc rạng sáng

Mưa lũ đã làm nhiều nơi trên địa bàn huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) bị sạt lở nặng, cắt đứt hoàn toàn giao thông. Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã A Vương (H.Tây Giang) bị nước lũ tràn qua đường gây ngập nặng, các phương tiện từ TP.Đà Nẵng lên, hoặc lưu thông hướng Đông Giang - Tây Giang bị gián đoạn.

Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó

Chiều 17.10, thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn yêu cầu chính quyền các tỉnh miền Trung và Tây nguyên, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng... tập trung ứng phó mưa lũ, thiên tai để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Cụ thể, phải rà soát toàn bộ khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; địa điểm từng xảy ra sạt lở đất, ngập lụt năm 2020 để sẵn sàng sơ tán các hộ đến nơi an toàn; không để người dân bị thiếu đói, rét; đảm bảo vận hành an toàn các công trình hồ thủy lợi, đập thủy điện, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn ở địa bàn xung yếu…

Phan Hậu

Ở khu vực phía tây nam Quảng Nam, tuyến QL40B từ H.Bắc Trà My lên H.Nam Trà My ngập sâu kèm với sạt lở, đất đá tràn xuống đường đã gây tắc nghẽn lưu thông. Nước dâng nhanh chia cắt nhiều khu vực. Tại xã Phước Thành (H.Phước Sơn), nhiều ngầm tràn, cầu dân sinh bị ngập sâu hoặc cuốn trôi, một số khu tái định cư đang bị cô lập. “Vẫn chưa nguôi trận sạt lở cuối năm 2020 nên khi nhắc đến mưa lũ, nhiều người dân vẫn còn rất bất an, lo sợ. Hiện lương thực, thực phẩm cũng đã tích trữ cho người dân dùng trong thời gian dài nếu xảy ra cô lập do mưa lũ”, ông Hồ Văn Phức, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, nói.

Rạng sáng 17.10, nước lũ kèm bùn, đất đá bất ngờ tràn vào nhà anh Bh’riu Nhai (32 tuổi, ở thôn Arầng, xã A Xan, H.Tây Giang) khiến cả nhà anh phải chạy lũ lên trường học lánh nạn. Tại nhiều khu dân cư ở miền núi Quảng Nam, người dân cũng tháo chạy đến nơi an toàn lúc rạng sáng vì nước lũ tràn vô nhà.

Nước lũ tràn vào nhà dân ở xã A Xan, Tây Giang, Quảng Nam

Nhiều thủy điện điều tiết xả lũ

Đã có 6 người chết, mất tích vì mưa lũ

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, và tổng hợp từ các địa phương, đến cuối giờ chiều ngày 17.10, mưa lũ ở các tỉnh miền Trung đã làm 5 người chết và mất tích (Nghệ An có 2 người chết; Quảng Trị có 1 người và Thừa Thiên-Huế có 2 người mất tích do bị lũ cuốn), 705 hộ dân phải sơ tán đến nơi an toàn. Ở khu vực phía bắc, tỉnh Hòa Bình có 1 người chết do sạt lở đất.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo ở khu vực miền Trung có mưa to đến rất to đến hết ngày 18.10, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Phan Hậu

Đến 16 giờ chiều qua 17.10, tại thủy điện A Vương (Quảng Nam), mực nước về hồ đạt 1.413 m3/giây, mực nước xả qua tràn xuống hạ du 750 m3/giây. Thủy điện Sông Bung 4 mực nước về hồ 2.097 m3/giây, mực nước xả qua tràn xuống hạ du 979 m3/giây. Thủy điện Đak Mi 4 mực nước về hồ 1.184 m3/giây, mực nước xả qua tràn xuống hạ du 1.074 m3/giây. Thủy điện Sông Tranh 2 xả điều tiết lũ ít nhất, mực nước về hồ 1.060 m3/giây, xả qua tràn xuống hạ du chỉ 5 m3/giây… Các thủy điện điều tiết lũ, giúp làm chậm lũ cho hạ du (lượng nước xả về hạ du ít hơn lượng nước về hồ), nhưng cộng với mưa lớn trên diện rộng cũng đủ khiến nhiều nơi ở hạ du như H.Đại Lộc, TP.Hội An ngập nặng. Dự báo nước trên sông Vu Gia sẽ tăng lên trên mức báo động 3.

Mưa lớn diện rộng, thủy điện xả lũ, nước lên từng giờ ở Thừa Thiên - Huế

Hôm qua, 3 hồ chứa nước lớn nhất tỉnh tại Thừa Thiên-Huế (hồ thủy điện Hương Điền, hồ thủy lợi Tả Trạch, hồ thủy điện Bình Điền) cũng vận hành điều tiết tăng dần về hạ du để hồ chứa đảm bảo dung tích đón lũ. Theo đó, lũ trên các sông nhanh chóng dâng cao, nhấn chìm nhiều tuyến đường: Tỉnh lộ 8, QL49B ngập khoảng 0,5 m trên QL1 (đoạn qua H.Phú Lộc), cô lập nhiều khu vực dân cư tại các huyện, thị: Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà.

Đường lên vùng cao Tây Giang (Quảng Nam) sạt lở nặng gây chia cắt cục bộ

C.X

Chia cắt nhiều nơi, thiệt hại nặng

Tại phía tây TP.Đà Nẵng, đến chiều qua có 3 xã Hòa Nhơn, Hòa Bắc, Hòa Liên (H.Hòa Vang) bị ngập lụt do mưa lớn. Nước sông ở thượng nguồn sông Cu Đê (thuộc địa phận xã Hòa Bắc) dâng cao bất ngờ chia cắt, cô lập nhiều khu vực. Công tác di dời tài sản, sơ tán người dân đến nơi an toàn được lực lượng chức năng khẩn trương triển khai.

Tại Quảng Trị, trên 50 thôn bản ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông bị chia cắt, có nơi ngập hơn 2 m. Mưa lớn cũng làm sạt lở bờ sông Hiếu ở xã Cam Hiếu (H.Cam Lộ) khoảng 100 m.

Trưa 17.10, tàu vận tải Glory Futire chở 20 thuyền viên (8 người Trung Quốc, 12 người VN) do ông Jwo Quojiang (50 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) làm thuyền trưởng, đang neo đậu cách phao số 0 khoảng 3 hải lý chờ nhập 26.000 tấn cát của Công ty Vico Quảng Trị xuất đi Hàn Quốc thì bị sóng to, gió lớn đánh dạt về bờ nam cảng Cửa Việt và mắc cạn cách bờ 2 km. Tàu này có thể chịu được sóng biển cấp 11 - 12, nên thuyền trưởng đề nghị neo đậu tại vị trí mắc cạn, sau đó sẽ tính phương án di chuyển tàu.

Mưa lũ trong những ngày qua đã gây thiệt hại nặng tại các huyện Ea Súp và Ea H’leo (Đắk Lắk), nhiều khu dân cư bị chia cắt, phải sơ tán khẩn cấp đến nơi an toàn 151 hộ dân bị nước lũ làm ngập nhà cửa; hàng ngàn héc ta cây trồng bị ngập sâu, hư hỏng.

Tại Kon Tum, mưa lớn cũng gây sạt lở, ngập lụt nhiều nơi; dự báo trong 24 giờ tới nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, nhất là ở các huyện: Đăk Glei, Kon Plông, Tu Mơ Rông, Ngọc Hồi, Đăk Hà, Kon Rẫy.

Trong khi đó, ông Ung Đình Hiền, Phó chủ tịch UBND H.Bình Sơn (Quảng Ngãi), cho biết khoảng 1 giờ sáng 17.10, một cơn lốc xoáy kèm mưa lớn đã làm 93 căn nhà của người dân ở 5 xã của H.Bình Sơn bị tốc mái, hư hỏng khiến nhiều gia đình phải đi ở tạm các gia đình có nhà ở kiên cố.

Mưa lớn, một thanh niên miền núi ở Quảng Trị mất tích
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.