Tín dụng chính sách đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn tập trung ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS, và các đối tượng chính sách khác đạt hiệu quả cao về kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Đoàn Chủ tịch Hội thảo |
Các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo “Thực trạng, hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2021 và kế hoạch, giải pháp triển khai giai đoạn 2022 - 2025 tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên”. Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh; Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đồng chủ trì Hội thảo.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh: Tín dụng chính sách xã hội đã làm thay đổi căn bản nhận thức đồng bào DTTS tại miền núi |
Hoạt động tín dụng chính sách luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Sau hơn 7 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tín dụng chính sách đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, đặc biệt, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH ngày càng tăng. Đến nay, nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH tăng 23.978 tỉ đồng, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của các địa phương đến 5.2022 đạt 27.785 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng gần 10% trong tổng nguồn vốn tín dụng của NHCSXH. Đến nay, ngân sách địa phương đã ủy thác sang NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay với tổng số tiền là 3.083 tỉ đồng.
63 chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố đã thực hiện giải ngân cho 1.548 người sử dụng lao động với số tiền 4.787 tỉ đồng để trả lương cho 1.218.948 lượt người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn cả nước.
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng phát biểu tại Hội thảo |
Ngày 30.1.2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. NHCSXH đã giải ngân các chương trình tín dụng hơn 2.335 tỉ đồng. Trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm là 2.033 tỉ đồng với gần 40.000 khách hàng; giải quyết tạo việc làm cho trên 58.000 lao động; cho vay HSSV mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến gần 155 tỉ đồng với 14.500 khách hàng mua 15.560 máy tính và thiết bị học trực tuyến; cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở hơn 140 tỉ đồng với 794 khách hàng; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 là 7,6 tỉ đồng với 90 cơ sở được hỗ trợ.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết: Tín dụng chính sách xã hội được đánh giá là “điểm sáng” trong các chính sách giảm nghèo, góp phần tích cực mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới; đặc biệt tại miền núi tín dụng chính sách xã hội đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân, nhất là hộ đồng bào DTTS từ mặc cảm, tự ti, sợ vay, không dám vay nay đã mạnh dạn vay vốn, chủ động, sáng tạo để vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình, góp phần đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam, các chính sách xã hội, trong đó có chính sách giảm nghèo luôn được chính quyền tỉnh Quảng Trị quan tâm. Qua quá trình triển khai, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần hỗ trợ phát triển, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế do tình trạng nghèo tập trung vào các đối tượng đồng bào DTTS ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn chia sẻ: Giảm nghèo bền vững ở vùng DTTS là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng các dân tộc. Vì vậy, Chính phủ phải ưu tiên tập trung nguồn vốn cho các địa phương nơi có nhiều đồng bào DTTS, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển, thu nhập, mức sống của đồng bào giữa các vùng miền trong cả nước.
Tại Hội thảo, lãnh đạo các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã đóng góp nhiều ý kiến đánh giá kết quả thực hiện, rút ra tồn tại, bài học kinh nghiệm trong công tác triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại khu vực miền núi giai đoạn 2016 - 2021 ở mỗi địa phương liên quan.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh phát biểu kết luận tại Hội thảo |
Giải pháp thiết thực, hiệu quả giai đoạn 2022 - 2025 trong công tác giảm nghèo bền vững
Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên tập trung nguồn lực, tăng cường công tác chỉ đạo, xây dựng các Đề án cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2022 - 2025 và tầm nhìn đến 2030.
Quang cảnh Hội thảo |
Lắng nghe ý kiến các đại biểu, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cũng nêu ra những vấn đề cần quan tâm giải quyết tốt trong thời gian tới như đa dạng hóa phương thức huy động nguồn lực để NHCSXH đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Đặc biệt cùng tổ chức thực hiện triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, giám sát; phối hợp chặt chẽ, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội; phát động các phong trào thi đua gắn chất lượng tín dụng nhận ủy thác với tiêu chí thi đua trong hệ thống của tổ chức chính trị - xã hội tạo động lực thi đua thực hiện tốt hoạt động uỷ thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội.
Bình luận (0)