|
Theo Hãng tin Agi, hiện vẫn còn hàng trăm người mất tích, có thể vẫn còn bị kẹt bên dưới những khu nhà bị sụp đổ. Do động đất xảy ra vào 3 giờ sáng (giờ địa phương) nên nhiều người không chạy kịp vì đang ngủ.
Trả lời Đài phát thanh Europe 1, bà Alessandra, cư dân thị trấn Montegiorgio ở vùng Marche, bàng hoàng kể: “Mặt đất chao đảo làm chúng tôi thức giấc và tháo chạy ra đường. Chỉ một lúc sau, nhà của tôi bắt đầu xuất hiện các vết nứt. Tôi có thân nhân sống ở thị trấn bên cạnh mà nhiều giờ sau khi xảy ra động đất vẫn chưa thể liên lạc. Đường sá thì bị phá hủy nên không đi được”.
Các đống gạch đá ngổn ngang khắp nơi và địa hình đồi núi trong khu vực khiến lực lượng cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, giao thông tắc nghẽn, nhiều cây cầu bị sập nên mất nhiều thời gian để có thể đưa các thiết bị chuyên dụng đến. Ở nhiều nơi, các nhân viên cứu hộ phải đào bới bằng tay.
Tại thị trấn Amatrice, một trong những nơi có nhiều nạn nhân nhất, hần hết các khu dân cư đã trở nên hoang tàn vì động đất. Ông Guido Bordo, dân làng Pescara del Tronto, lo lắng tột độ khi trả lời Đài truyền hình France Télévisions: “Chị và em tôi đang kẹt dưới đống gạch đá. Chẳng có chút tín hiệu nào cho thấy họ còn sống. Các nhân viên cứu hộ chưa thể đến được làng của chúng tôi”. Gần như toàn bộ nhà cửa ở làng Pescara del Tronto đều bị đổ sập hoặc hư hại nghiêm trọng.
Tình hình lại càng phức tạp vì sau động đất, Viện Địa chất Ý đo được khoảng 60 dư chấn, trong đó có đợt lên đến 5,3 độ Richter, làm rung chuyển cả thủ đô Rome. Thủ tướng Ý Matteo Renzi thông báo đã điều quân đội đến hỗ trợ công tác cứu hộ ở các vùng gặp nạn.
Tờ Le Figaro dẫn lời chuyên gia Jérome Vergne cho biết Ý thường xảy ra những hoạt động địa chất vì trải dài trên nhiều mảng kiến tạo của vỏ trái đất. Đặc biệt, khu vực miền trung thuộc dãy núi Apennins là vùng thường bị động đất nhất nước này. Tháng 4.2009, một trận động đất 6,3 độ Richter ở TP.Aquila đã làm hơn 300 người thiệt mạng.
Bình luận (0)