Miếng bánh dành cho ai?

06/08/2017 07:47 GMT+7

Sau khi ra quân rầm rộ ở Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác, rất nhiều vỉa hè tại các tuyến phố trung tâm đã trở lại nguyên trạng khi xe máy, hàng quán ăn uống, bán rong bày kín, người đi bộ lại bị đẩy xuống lòng đường hoặc phải lách qua lối hẹp chật kín xe, bàn ghế...
Dù lãnh đạo cả 2 TP lớn đã và đang tiếp tục nhấn mạnh quyết tâm “giành lại vỉa hè bền vững”, nhưng đâu đó người dân bắt đầu quen dần với những thành quả kiểu bắt cóc bỏ đĩa, thanh tra đi khỏi vỉa hè lại đâu vào đấy.
Sự thiếu bền vững trong chiến dịch vỉa hè không chỉ do phong trào “xẹp” dần nhiệt sau vài tháng đầu nóng bỏng, mà về bản chất do nguồn lợi quá lớn mà nền kinh tế vỉa hè mang lại. Sẽ thật khó tin nếu nói nguồn lợi đó chỉ những hộ kinh doanh trên vỉa hè, những chủ điểm trông giữ xe không phép được hưởng, mà phường, quận không hề hay biết. Bản thân Chủ tịch TP.Hà Nội cũng đã chỉ rõ, có “bóng dáng” của công an, lãnh đạo phường - quận sau mỗi quán bia hơi, bãi giữ xe trên vỉa hè. Tại TP.HCM, trong cuộc họp với lãnh đạo UBND TP hôm 4.8, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Q.1, cũng đã nói thẳng: Việc buông lỏng quản lý vỉa hè có dấu hiệu trục lợi!
Trên danh nghĩa, mức phí vỉa hè đã được quy định rõ, những điểm trông giữ xe (có phép) hằng tháng đều phải nộp về ngân sách tương ứng với phần diện tích sử dụng. Nhưng thực chất, nền kinh tế vỉa hè từng được vận hành bằng những quy tắc ngầm như điểm kinh doanh này “của” một lãnh đạo nào đó, hay các điểm kinh doanh khác phải ngầm hiểu và nộp một khoản phí ngầm hằng tháng để được cho phép làm ăn, sử dụng vỉa hè.
Câu hỏi đặt ra là chiến dịch vỉa hè đã đánh phá được vào tận gốc nền kinh tế ngầm này hay chưa, đã làm lộ ra được “bóng dáng” những người đứng sau này hay chưa? Chỉ khi làm rõ được điều này, mới có thể xác định được miếng bánh vỉa hè đang dành phần nhiều cho ai.
Vỉa hè về công năng trước hết phải dành cho người đi bộ. Nhưng vỉa hè cũng là nguồn lợi lớn bởi kinh doanh tại đây cũng là nhu cầu tất yếu. Cho phép kinh doanh trên vỉa hè (ở những vị trí đủ điều kiện về diện tích) có sự quản lý và đóng phí theo quy định, sẽ mang lại một phần nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Trên thực tế, kinh tế vỉa hè đã được xây dựng rất thành công ở nhiều nước phát triển, như Singapore có hàng quán vỉa hè, các khu ẩm thực đường phố, bán hàng lưu niệm. Rồi Paris (Pháp) hay một số TP lớn của Mỹ đều có các quán cà phê vỉa hè… Nhưng tất cả các mô hình này đều xuất phát từ sự minh bạch trong thu phí vỉa hè, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh công cộng, đảm bảo mỹ quan đô thị.
Để nguồn lợi vỉa hè không chỉ một vài cá nhân được tư lợi, TP.HCM và Hà Nội phải có quy hoạch chi tiết các điểm được phép kinh doanh, xây dựng quy chế quản lý, sử dụng vỉa hè “không ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông”, xác định quyền và nghĩa vụ của người được thuê vỉa hè. Đặc biệt, cơ chế quản lý thu - nộp ngân sách nhà nước phải được quy định rõ ràng, kiểm soát chặt chẽ. Để xóa bỏ nền kinh tế ngầm vỉa hè, cách tốt nhất chính là xây dựng kinh tế vỉa hè công khai, chỉ khi đó, chiến dịch “giành lại vỉa hè” mới thực sự bền vững.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.