Minh bạch phân lô bán nền để giúp dân có nhà ở

15/06/2017 09:00 GMT+7

Đó là ý kiến đưa ra tại buổi tọa đàm về 'Ngăn chặn tách thửa biến tướng' do Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 14.6.

Theo ông Trương Công Nam, Phó chánh Thanh tra Sở Xây dựng, trong đợt đi kiểm tra thực tế vừa qua, chính ông cũng ghi nhận nhiều khu phân lô hạ tầng bài bản, đáp ứng được nhu cầu an cư của người dân, nhưng cũng có nhiều khu chưa đảm bảo, chưa kết nối được với hạ tầng chung.
Tại các khu này khi dân số gia tăng thì sẽ dẫn tới nguy cơ trường học, bệnh viện quá tải, phá vỡ quy hoạch được duyệt. Nếu một loạt khu phân lô nằm kế nhau thì sẽ là áp lực rất lớn cho các địa phương. Đặc biệt nhức nhối vấn đề nhà 3 chung, nghĩa là các căn nhà chung nhau một sổ đỏ, rất nguy hiểm. Tại nhiều khu phân lô bán nền hạ tầng không đảm bảo, đường nhỏ và không có vỉa hè, không có cây xanh… người dân mua nhà đất ở đây sẽ gánh rủi ro rất lớn.
Theo ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân, các khu phân lô có ưu điểm là giá cả cũng thấp hơn so với nhà ở trong các dự án nên đáp ứng được một lượng rất lớn nhu cầu nhà ở của người dân có thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên do nhiều chủ đất chỉ quan tâm đến lợi nhuận, đầu tư hạ tầng kém dẫn đến việc hình thành những khu nhà ở kém chất lượng.

tin liên quan

Lách quy định tách thửa đất bằng 'nhà ma'
Bất chấp các quy định về tách thửa đất đã được ban hành, tại nhiều nơi ở TP.HCM, giới phân lô bán nền vẫn ngang nhiên xẻ đất bán không theo đúng quy chuẩn.
Lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh cho rằng nhu cầu về nhà ở, nhất là nhà liền thổ của người dân là rất lớn, một số xã của huyện này có dân số bằng cả quận 2. Do đó, nếu hạn chế tách thửa, cấm không cho phân lô bán nền sẽ dẫn đến tình trạng xây dựng nhà trái phép, mua bán nhà đất giấy tay phân lô thêm lộn xộn.
Để xảy ra tình trạng phân lô bán nền dưới chuẩn, nhà 3 chung, theo các chuyên gia là có sự tiếp tay của chính quyền địa phương, thậm chí có sự bảo kê thì người có đất, doanh nghiệp mới làm được. Do đó, để giúp người dân có nhà, hình thành các khu phân lô đạt chuẩn, ông Nam cho rằng cần phải kiểm soát chặt hạ tầng. Ngay khi duyệt tổng mặt bằng, cơ quan có thẩm quyền phải duyệt đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Đồng thời, phải tổ chức nghiệm thu toàn diện đường, điện, cấp thoát nước một cách nghiêm túc, chặt chẽ rồi mới giải quyết cho tách thửa. “Cũng nhờ Quyết định 33 cho tách thửa mà đã giảm được rất lớn tình trạng xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn TP. Đặc biệt là tại một số quận huyện có tốc độ đô thị hóa cao. Do đó cần kiểm soát tốt hạ tầng, nhất là khâu hậu kiểm”, ông Nam nói.
Phó chủ tịch quận Bình Tân kiến nghị, quy định về hạ tầng đối với các khu đất có hình thành đường giao thông cũng phải hết sức cụ thể để tránh trường hợp mỗi quận huyện hiểu một cách. Theo đại diện quận Bình Tân, hạ tầng theo Quyết định 33 hiện nay chỉ nêu chung về đường, cấp thoát nước, điện nhưng không yêu cầu vỉa hè, cây xanh. Do đó, khi giải quyết cho tách thửa nơi thì yêu cầu phải có cây xanh, nơi thì không. Cần có một quy định cụ thể về hạ tầng, chẳng hạn đường dài bao nhiêu mét tương ứng với vỉa hè rộng bao nhiêu, có cây xanh không…
Nhiều ý kiến cho rằng thời gian qua những động thái mạnh mẽ của chính quyền nhằm minh bạch hóa thị trường, đặc biệt là các khu vực đang phát triển mạnh về hạ tầng là điều rất cần thiết. Tuy nhiên rất mong rằng những sửa đổi trong thời gian tới sẽ vừa bảo vệ lợi ích chính đáng cho người dân, vừa đảm bảo đúng quy hoạch chung của TP, tạo động lực cho những doanh nghiệp uy tín phát triển những khu dân cư bài bản, đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, phục vụ nhu cầu an cư cho một bộ phận không nhỏ người dân có thu nhập thấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.