Minh bạch tài sản, thu nhập

03/11/2012 03:10 GMT+7

Tham nhũng thường được ví với căn bệnh ung thư. Hai hiện tượng khác nhau về bản chất, một có nguồn gốc tự nhiên và một mang tính xã hội, tuy nhiên lại có nhiều điểm tương đồng.

Ung thư, cũng như tham nhũng, đều không thể tự nó dừng lại, mà chỉ tiến triển ngày một nghiêm trọng hơn, để đi đến kết cục cuối cùng là giết chết chủ thể một con người, hay làm kiệt quệ một đất nước.

Chống lại ung thư và tham nhũng, do vậy, là một cuộc chiến tổng lực.

Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đang thảo luận ở Quốc hội được toàn xã hội mong đợi như là nỗ lực trung tâm hiệp đồng với cuộc vận động chỉnh đốn của Đảng ta. Điều đáng mừng là những quan điểm, nguyên tắc sửa đổi luật đã cho thấy rõ hơn ý đồ ngăn chặn động cơ phạm tội tham nhũng bằng con đường công khai, minh bạch hóa, được diễn giải dưới hai hình thức “trách  nhiệm giải trình” và “kê khai tài sản”.  Công khai và minh bạch là môi trường có tính bất dung với tham nhũng nhất. Điều mà nhà làm luật có thể còn đang băn khoăn khi đọc dự thảo luật này nằm ở chỗ khác, đó là cơ chế nào để đưa hai nguyên tắc đó mang tính khả thi.

Lấy ví dụ việc kê khai tài sản, chính người soạn thảo lẫn người thẩm tra đều thừa nhận biện pháp này được thực hiện “rất hình thức”. Do vậy, câu hỏi trưng cầu ý kiến đại biểu Quốc hội về phạm vi áp dụng kê khai tài sản mở rộng hay không, dù câu trả lời thế nào thì dường như cũng sẽ không khắc phục được hạn chế nói trên. Tương tự, công khai bản kê khai tài sản ở nơi công tác hay cả nơi cư trú liệu có nhiều ý nghĩa khi tài sản ngày nay phần “chìm” có thể lớn hơn rất nhiều so với phần “nổi”, trong lúc không có cơ chế bảo đảm để người kê khai không che giấu?

Một tác dụng thiết thực của kê khai tài sản, đó là để có căn cứ xử lý, hỗ trợ điều tra nếu phát hiện dấu hiệu tham nhũng. Tuy nhiên, bao nhiêu vụ án tham nhũng đã được khởi tố đều dẫn đến ngõ cụt “con voi bé dần thành con kiến” do không xác định được bằng chứng “vụ lợi”? Bà Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã rất tinh tường khi nhận xét: trái với các vụ án trật tự trị an, càng điều tra thì càng rõ tội, còn các vụ án tham nhũng càng làm thì càng có lợi cho bị can. Không chứng minh được yếu tố tư lợi (cũng như không khiến cho việc kê khai tài sản trở nên thực chất) là bởi chúng ta không kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, như báo cáo của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chỉ ra.

Ở nhiều nước trên thế giới, việc minh bạch tài sản, thu nhập là nghĩa vụ của mọi công dân để tránh những hành vi tiêu cực, tham nhũng, lừa đảo, rửa tiền, cho vay nặng lãi… Nhà nước kiểm soát được tài sản, thu nhập của mọi công dân qua việc mở tài khoản ở ngân hàng, qua hoạt động của các cơ quan quản lý thuế, cơ quan kiểm toán nhà nước, tổ chức kiểm toán độc lập hoặc các cơ quan thanh tra, điều tra chuyên ngành khi cần thiết. Kinh nghiệm đó đã chứng tỏ được hiệu quả và chúng ta đang cần ý chí mạnh mẽ hơn để đưa vào thực tế những đề xuất liên quan.

Tiền là cái vỏ vật chất của tham nhũng. Nếu không kiểm soát được dòng tiền lưu thông thì mọi cố gắng chống tham nhũng đều có thể bị nó lách qua, tìm ra con đường đến với nơi trú ẩn tự nhiên của nó là cái túi không đáy của quan tham.

Vạn Lý

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.