Đề xuất tăng thuế môi trường với xăng dầu có thể lên mức kịch trần là 8.000 đồng/lít, cao gần gấp 3 lần mức hiện tại theo giải thích của Bộ Tài chính, cũng nhằm giải quyết vấn đề môi trường. Đề xuất này hoàn toàn hợp lý, hợp tình nếu trả lời thỏa đáng các vấn đề sau.
Thứ nhất, số thu thuế môi trường của xăng dầu hiện đã cạn chưa? Nếu đã cạn thì phải thu để tiếp tục sử dụng, vì bảo vệ môi trường là bảo vệ chính sức khỏe của mỗi người, mỗi gia đình, không có gì đáng bàn cãi. Nhưng sở dĩ ai cũng phản đối bởi nguồn thu này vẫn còn rất dồi dào. Cụ thể năm 2016, tổng số tiền thu được từ sắc thuế này là 42.393 tỉ đồng, trong khi tổng chi cho bảo vệ môi trường chỉ 12.290 tỉ đồng. Nghĩa là thu được 3,5 đồng thì chỉ chi có 1 đồng. Lùi thêm một năm nữa, năm 2015, tổng số thu từ thuế bảo vệ môi trường là 27.020 tỉ đồng, trong khi đó chi cũng chỉ 11.400 tỉ đồng... Lấy 2 năm gần nhất để thấy, chi rất ít so với số thu. Tiền chưa xài hết, vậy đề xuất tăng thêm, mà lại tăng rất lớn để làm gì, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn đang hết sức khó khăn?
Chẳng nói đâu xa, chỉ cách đây vài ngày thôi, con số của Tổng cục Thống kê cho thấy, số doanh nghiệp (DN) chết trong quý 1 rất lớn, tới gần 24.000 đơn vị, xấp xỉ số DN thành lập mới là 26.478 đơn vị. Nếu tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu vào thời điểm này chắc chắn “sức khỏe” của nhiều DN sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi xăng dầu là sản phẩm đầu vào thiết yếu, tác động trực tiếp lên giá thành sản phẩm. Nếu giá xăng tăng, giá hàng hóa, dịch vụ chắc chắn tăng. Nhưng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa hàng nội với hàng ngoại hiện nay, tăng giá cũng đồng nghĩa với thua cuộc. Chẳng phải chúng ta hằng ngày vẫn chứng kiến hàng Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... chất lượng tốt, giá mềm làm mưa làm gió tại thị trường nội địa. Hàng Việt giá cao, liệu có chỗ đứng?
Thứ hai, môi trường bị ô nhiễm từ những nguồn nào? Tại sao lại phải hỏi như vậy? Bởi mọi cái phải rõ ràng, minh bạch. Nguồn nào gây ô nhiễm thì nguồn đó phải chịu trách nhiệm. Ví dụ như nhà máy giấy gây ô nhiễm thì chủ đầu tư nhà máy giấy phải bỏ tiền để xử lý môi trường. Nếu không xử lý được thì phải đóng cửa nhà máy giấy. Rồi nhà máy thép, nhà máy sản xuất pin mặt trời, những dự án bất động sản... trốn làm báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) bị phát hiện trong thời gian qua; Hay những dự án tiêu hao năng lượng, những dự án lén lút xả thải ra môi trường, thủy điện, khai thác khoáng sản - tài nguyên... họ chịu trách nhiệm thế nào về việc gây ô nhiễm? Nếu không rạch ròi, người dân hoàn toàn có thể đặt câu hỏi, liệu họ có đang phải trả tiền để xử lý vấn nạn ô nhiễm môi trường cho cả các DN này hay không? Vì vậy, trước khi đề xuất tăng thuế môi trường với xăng dầu, một mặt hàng ảnh hưởng đến cả nền sản xuất, đến từng người dân, hãy tính đúng - tính đủ - tính minh bạch với các nguồn gây ô nhiễm đã được phanh phui, phát hiện trước. Như vậy người dân sẽ tâm phục, khẩu phục.
Cuối cùng thì thuế vẫn phải khoan sức dân, khoan sức DN. Thuế - phí đã chiếm quá cao trong giá xăng dầu, lên tới trên 50% trong tổng giá; thuế phí cũng đang bị đòi tăng ở nhiều dịch vụ - sản phẩm. Nếu chúng ta không cân đối để điều tiết thì rất có thể, ngân sách được bổ sung thêm một khoản nhưng chất lượng cuộc sống của người dân, sức khỏe của nền kinh tế đi xuống...
Xét trên tổng thể, chưa có câu trả lời thỏa đáng nào để tăng thuế môi trường đối với xăng dầu vào thời điểm hiện nay.
Bình luận (0)